Chính sự suy yếu của USD và trái phiếu Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ cho mặt hàng kim quý vàng. Không chỉ vàng giao ngay tăng mà giá vàng tháng 12/2021 cũng tăng lên 1.795 USD/ounce.
Vàng đang chịu tác động từ chỉ số USD tăng giảm thất thường. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm xuống 93,86 điểm sáng nay.
Trước khi suy giảm trở lại thì đồng đô la đã giao dịch gần mức cao nhất trong 2 tuần rưỡi so với các đồng tiền khác vào đầu tuần này khi lạm phát gia tăng nhanh chóng ở Hoa Kỳ đã thúc đẩy khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm hơn.
USD giảm khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Đồng thời, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 1,58%, thị trường chứng khoán tăng mạnh.
Ngoài ra, các chỉ số chứng khoán Mỹ lập mức kỷ lục mới, chỉ số Dow Jones tăng 94,28 điểm, tương đương 0,26%, lên mức kỷ lục 35.913,84 điểm, S&P 500 tăng 8,29 điểm, tương đương 0,18%, lên mức cao nhất 4.613,67 điểm, Nasdaq tăng 97,53 điểm, tương đương 0,63%, lên mức kỷ lục 15.595,92 điểm.
Giới phân tích tài chính cho rằng, vàng đã giảm mạnh vào cuối tuần trước và đầu tuần này rơi vào vùng quá bán nên sẽ có các nhà đầu tư tham gia bắt đáy.
Tuy nhiên, thị trường đang hướng về cuộc họp của Fed, với tâm điểm chú ý là kế hoạch giảm các biện pháp kích thích kinh tế được triển khai trong thời điểm dịch bệnh.
Dữ liệu quan trọng trong tuần này là cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở của Fed bắt đầu vào sáng thứ Ba và kết thúc vào chiều thứ Tư tuần này.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) của chính phủ tăng 4.4% - là công cụ thước đo lạm phát ưa thích của Fed - củng cố kỳ vọng của thị trường về việc tăng lãi suất vào khoảng giữa năm tới.
Theo dữ liệu trên thị trường, hợp đồng tương lai về lãi suất cho vay, theo dõi kỳ vọng lãi suất ngắn hạn, ước 90% khả năng thắt chặt vào tháng 6 năm 2022, bao gồm một đợt tăng lãi suất khác vào tháng 12/2022.
Và nhiều người tin rằng, FOMC sẽ cung cấp rõ ràng về thời gian cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng của mình, với hầu hết các dự đoán rằng nó sẽ bắt đầu xảy ra sớm hơn là muộn hơn.
Có vẻ như các quan chức Fed cuối cùng đã nhận ra những gì mà thị trường đã biết trong một thời gian. Lạm phát tiếp tục tăng và đã trở thành vấn đề trong một số lĩnh vực và không có manh mối nào cho thấy lạm phát sẽ sớm giảm bớt.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay, vàng miếng SJC sáng 2.11 tăng 50.000 - 100.000 đồng mỗi lượng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng giá mua lên 57,65 triệu đồng/lượng và bán ra 58,35 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji, Doanh nghiệp Phú Quý và hệ thống PNJ không ghi nhận thay đổi mới nào về giá vàng miếng SJC.
Tuy nhiên, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, hiện mỗi lượng vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Ngày 2/11, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.150 VND/USD, tăng 10 đồng so với mức niêm yết đầu tuần.
Với biên độ 3% được quy định, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là trong khoảng 22.456 - 23.845 VND/USD.
Sáng nay, giá USD tại các ngân hàng thương mại diễn biến khác nhau. Chẳng hạn, Vietcombank giữ nguyên giá mua vào là 22.620 đồng/USD và bán ra 22.850 đồng/USD.
Tỷ giá bán tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước được điều chỉnh tăng 11 đồng, lên mức 23.795 VND/USD.