Tình trạng khó mua, khó bán vàng vẫn diễn ra phổ biến. Ảnh: Đức Thanh |
Thị trường vẫn khó mua, khó bán
Nếu không có gì bất ngờ, thị trường vàng sẽ là một trong những tâm điểm tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng diễn ra hôm nay. Khảo sát của Báo Đầu tư cuối tuần qua tại “phố vàng” Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho thấy, tình trạng khó mua, khó bán vàng vẫn diễn ra phổ biến.
Cụ thể, tại cửa hàng DOJI trên đường Trần Nhân Tông, nhân viên cho biết, không có vàng miếng hay vàng nhẫn để bán. Với vàng mua vào, cửa hàng chỉ nhận mua vàng DOJI, không nhận mua thương hiệu khác.
Tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, nhân viên cũng thông báo hết vàng để bán, chấp nhận mua vàng thương hiệu khác, nhưng phải nấu chảy và kiểm định tuổi vàng, sau đó mới chốt giá. Tại tiệm vàng Phú Quý, bảo vệ chặn khách mua vàng ở cửa không cho vào vì hết vàng, với khách có nhu cầu bán vàng cũng hẹn quay lại sau vì khách quá đông, không thể phục vụ được.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp quản lý hiệu quả hơn để thị trường vàng hoạt động thông suốt. Theo đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội), thời gian qua, dù Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp quản lý thị trường vàng, song đến nay, thị trường vẫn chưa ổn, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao, cung không đáp ứng đủ cầu, người dân phản ánh khó khăn khi mua vàng, tình trạng nhập lậu vàng vẫn còn tồn tại…
Tương tự, đại biểu Lê Thị Nga (Hà Nam) tỏ ra băn khoăn khi việc tiếp cận mặt hàng vàng của người dân rất khó khăn và đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý thị trường vàng, sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội tuần qua liên quan đến một số vấn đề phục vụ phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, đang có hai tồn tại, hạn chế với thị trường vàng.
Thứ nhất, một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng 99,99% được sử dụng có tính chất như vàng miếng, không ngoại trừ nguồn nguyên liệu để sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu. Hiện tượng này dễ bị lợi dụng làm giảm hiệu quả quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng của Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Thứ hai, vẫn còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối; chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành VND để đầu tư vào sản xuất - kinh doanh.
Được biết, từ năm 2012 đến nay (từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời), Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, các doanh nghiệp tự cân đối nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Tranh cãi về giải pháp khơi thông thị trường vàng
Cho đến nay, các chuyên gia và đại biểu quốc hội vẫn có ý kiến khác nhau về giải quyết điểm nghẽn của thị trường vàng. Một số ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu tích trữ vàng hợp pháp của người dân. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, vàng không phải là mặt hàng thiết yếu, việc hy sinh tỷ giá để nhập khẩu vàng là không nên, có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Theo nhận diện của Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu mua vàng chỉ tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Ngân hàng Nhà nước cũng không loại trừ khả năng có những hành vi thao túng, làm giá trên thị trường vàng.
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng, việc người dân đổ xô vào vàng không có lợi cho nền kinh tế. Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp thu hút vốn nhàn rỗi của người dân chảy vào sản xuất - kinh doanh, thay vì “nằm chết” trong vàng.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, quản lý thị trường vàng hiện nay chưa ổn, song cho nhập khẩu vàng để thỏa mãn hết nhu cầu vàng trong nước cũng không phải là giải pháp đúng đắn, vì có thể gây bất ổn vĩ mô. Trong tình hình tỷ giá căng thẳng trở lại như hiện nay, chấp nhận hy sinh quyền mua vàng của người dân để đảm bảo ổn định vĩ mô là lựa chọn đúng. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã tăng gần 4,4%, nếu cho phép nhập khẩu vàng, tỷ giá có thể sẽ tăng nóng, khiến lãi suất và thanh khoản có thể “có vấn đề”.
Tóm lại, trước mắt, thị trường vàng chưa thể được gỡ nghẽn. Về lâu dài, các chuyên gia đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải tách thị trường vàng vật chất và vàng tài khoản để giảm tải cho thị trường vàng vật chất.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, câu chuyện quản lý thị trường vàng có thể được giải quyết triệt để hơn, khi tới đây, Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, hay Trung tâm tài chính quốc tế khu vực ở Đà Nẵng được thành lập. Theo đó, Việt Nam có thể xem xét thành lập sàn giao dịch vàng liên thông với thế giới, giải quyết nhu cầu đầu tư vàng của người dân.
Ngoài thị trường vàng, việc tỷ giá tăng nóng, lãi suất cho vay còn cao, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn kém, nợ xấu gia tăng, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém chậm, lừa đảo công nghệ cao gia tăng… cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hôm nay.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt thị trường vàng.
Bên cạnh đó, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.