Vàng miếng SJC “bùng nổ”, chạm mốc 81 triệu đồng/lượng
Vàng thế giới tuần này vọt tăng lên mức cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử giao dịch. Biến động trên khiến giá vàng trong nước “bùng nổ”, xô đổ các kỷ lục trước đó ngay trong phiên giao dịch cuối tuần.
Giá vàng thế giới đã vượt mốc 2.080 USD/ounce vào thứ Sáu, đánh dấu mức cao nhất mọi thời khi có thời điểm giao dịch ở mức 2.087,88 USD/ounce. Vàng thế giới đóng khép lại tuần qua tại 2.083 USD/ounce, ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp của kim loại quý này trong bối cảnh dữ liệu kinh tế Mỹ yếu đi.
Dữ liệu tháng 2 vừa công bố tiếp tục cho thấy sự suy giảm trong hoạt động sản xuất của Mỹ và các cuộc khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan cũng chỉ ra điểm yếu tương tự. Chỉ số PMI Sản xuất ISM tại Hoa Kỳ đã giảm xuống 47,8 vào tháng 2/2024 từ mức 49,1 của tháng trước, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường là 49,5, đánh dấu giai đoạn hoạt động sản xuất sụt giảm thứ 16 liên tiếp, xóa tan hy vọng trước đó về lực kéo mới trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, cũng trong tuần vừa qua, số liệu lạm phát hàng năm của Mỹ trong tháng 1 ghi nhận mức thấp nhất trong gần ba năm. Theo báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 29/2, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân không tính chi phí thực phẩm và năng lượng (PCEPI lõi) tháng 1 đã tăng 0,4% so với tháng liền trước và 2,8% so với một năm trước. PCEPI lõi là thước đo lạm phát ưa thích của các quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Các số liệu công bố đều phù hợp với dự đoán của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones.
Mới đây, Chủ tịch Fed New York, ông John Williams cũng đã bày tỏ kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, nhấn mạnh lạm phát giảm bớt và nền kinh tế mạnh mẽ, đồng thời lưu ý rằng điều kiện kinh tế hiện tại không cần thiết phải tăng lãi suất.
Trước hàng loạt dữ liệu kinh tế không mấy tích cực của Mỹ và nhận xét của một số quan chức Fed, chỉ số US Dollar Index cũng đã giảm và không trụ được ở ngưỡng 104 điểm.
Đà tăng của vàng thế giới đã làm nóng thị trường vàng trong nước, kể cả khi đã bước vào ngày nghỉ cuối tuần. Giá vàng miếng SJC bứt phá và lần đầu chạm mốc 81 triệu đồng/lượng.
Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), vàng miếng SJC ngày 2/3/2024 được giao dịch ở mức 78,5 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), lần lượt tăng 700 nghìn đồng ở chiều mua và 1,2 triệu đồng ở chiều bán so với cuối phiên trước. Tập đoàn DOJI và Phú Quý cũng đồng loạt điều chỉnh mức tăng tương tự. Chênh lệch giá mua - bán lại nới rộng trở lại, phổ biến ở mức 2,3-2,5 triệu đồng mỗi lượng.
Tính chung cả tuần nay, giá vàng miếng SJC đã tăng 2,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán và tăng 1,9 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào.
Không riêng SJC, đóng cửa sáng nay, giá bán ra của các hãng vàng đối với sản phẩm vàng miếng SJC phần lớn chỉ thấp hơn 50.000 - 100.000 đồng so với tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn. Ở chiều mua vào, Phú Quý là hãng vàng đã yết giá thu mua cao nhất tại Hà Nội (78,65 triệu đồng/lượng).
Chung xu hướng, vàng nhẫn, vàng trang sức cũng tiếp tục nối dài chuỗi tăng. Vàng nhẫn 9999 tại SJC yết giá mua ở mức 65,3 triệu đồng/lượng trong khi giá bán ra 66,5 triệu đồng/lượng, tăng 900.000 đồng/lượng so với hôm qua. Tại Bảo tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn cũng vọt mạnh, giao dịch ở mức 66,78 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,98 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tới cả triệu đồng chỉ sau một đêm.
Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá thế giới quy đổi hiện xấp xỉ quanh 17 triệu đồng/lượng. Đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại Chỉ thị 06, Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024.
Kiều hối đạt kỷ lục mới
Kiều hối có ý nghĩa về nhiều mặt và năm 2023 đã đạt kỷ lục mới, kỳ vọng sẽ đạt cao hơn trong năm 2024.
Kiều hối là một nguồn ngoại tệ lớn, tính từ năm 1993 - năm đầu tiên có thông tin thống kê chính thống về lượng ngoại hối gửi về Việt Nam - đến hết năm 2023, đã đạt 238,95 tỷ USD. Đây là nguồn ngoại tệ lớn nhận được so với các nguồn ngoại tệ khác trong cùng một thời gian.
Lượng kiều hối về Việt Nam thuộc loại lớn so với nhiều nước. Về tổng lượng tuyệt đối, Việt Nam năm 2019 đứng thứ 9 thế giới, năm 2021 đứng thứ 8. Nếu tính tỷ lệ so với GDP và bình quân đầu người, thì Việt Nam còn có vị trí cao hơn.
Từ năm 1993 đến 1998, kiều hối về Việt Nam đạt dưới 1 tỷ USD (bình quân 1 năm đạt 416 triệu USD), từ năm 1999 đến 2011 đạt từ 1 tỷ đến 9 tỷ USD (bình quân 1 năm đạt 4,833 tỷ USD); từ năm 2012 đến nay đạt trên 10 tỷ USD (bình quân 1 năm đạt 14,694 tỷ USD), trong đó từ năm 2021 đến nay đạt trên 18 tỷ USD. Năm 2023, lượng kiều hối đạt kỷ lục từ trước đến nay - 19 tỷ USD.
Với sự tăng lên liên tục và với quy mô tuyệt đối của năm 2023, kỳ vọng lượng kiều hối sẽ vượt qua mốc 20 tỷ USD ngay trong năm 2024. Kỳ vọng này sẽ đạt được do nhiều yếu tố tích cực đã và tiếp tục tác động trong thời gian tới.
Lượng kiều hối do Việt kiều chuyển về nước đã tăng lên theo sự tăng lên của số Việt kiều và lượng kiều hối bình quân đầu người. Lượng kiều hối do Việt kiều chuyển về nước hiện chiếm khoảng 65% tổng lượng kiều hối, tuy giảm về tỷ trọng so với cách đây vài thập kỷ, nhưng vẫn tăng về quy mô tuyệt đối (khoảng 13 tỷ USD so với 1 tỷ USD). Lượng kiều hối do lao động làm việc theo hợp đồng dài hạn ở nước ngoài gửi về nước hiện chiếm khoảng 35%, chiếm tỷ trọng cao hơn cách đây vài thập kỷ, tăng lên về quy mô tuyệt đối (trên 6 tỷ USD).
Cơ cấu theo nước và vùng lãnh thổ, lượng kiều hối chuyển về nước lớn nhất vẫn là là từ Hoa Kỳ (chiếm khoảng 40%, tương đương 7,6 tỷ USD), tiếp đến là Australia, Canada, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Đài Loan, Nhật Bản…
Cơ cấu theo địa phương trong nước nhận kiều hối, TP.HCM vẫn là địa bàn có số lượng kiều hối từ Việt kiều lớn nhất (năm 2020 đạt 6,1 tỷ USD, năm 2021 đạt khoảng 6,5 tỷ USD, năm 2022 trên 8 tỷ USD, năm 2023 trên 9,5 tỷ USD). Nhận lượng kiều hối từ lao động làm việc theo hợp đồng dài hạn từ nước ngoài nhiều nhất là các tỉnh Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc…
Cơ cấu chi tiêu lượng kiều hối của người nhận ở trong nước được phân loại như sau: đầu tiên là đổi sang VND rồi gửi tiết kiệm, phần còn lại được dành cho chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày, một phần để xây dựng, sửa sang, nâng cấp nhà cửa, một phần đầu tư khởi nghiệp…
Một yếu tố quan trọng là chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với Việt kiều và người lao động xuất khẩu. Hàng năm, Việt Nam thường tổ chức các hội nghị với Việt kiều. Việt Nam không thu thuế thu nhập cá nhân đối với lượng kiều hối. Người nhận kiều hối được nhận bằng nguyên tệ, không bắt buộc phải đổi sang VND; có thể đổi thành nội tệ để gửi tiết kiệm với lãi suất thực tế nhiều năm cao hơn Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) và tốc độ tăng tỷ giá…
Một yếu tố quan trọng khác là việc chuyển/nhận tiền khá thuận lợi, nhanh chóng, có khuyến khích (bằng điểm thưởng)… Những yếu kém, hạn chế, nhất là đối với xuất khẩu lao động, đã được phát hiện, sửa đổi…; những bất ổn từ nước ngoài (chiến tranh, động đất…) được Nhà nước Việt Nam hỗ trợ kịp thời…
Lãi suất tiết kiệm sớm tăng trở lại
Đã có 3 ngân hàng là Techcombank, Sacombank và BVBank nâng lãi suất tiền gửi so với giai đoạn đầu tháng 2. Cụ thể, Techcombank tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng lên 2,35%/năm và 2,75%/năm, trong khi giảm lãi suất tại các kỳ hạn dài hơn. Sacombank cũng nâng lãi suất kỳ hạn 3 tháng lên mức 2,7%/năm, trong khi Bản Việt tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài như 24 tháng và 36 tháng lên 5,7%/năm và 5,9%/năm.
Trong khi đó, đa số các ngân hàng còn lại tiếp tục điều chỉnh giảm hoặc giữ nguyên lãi suất huy động. Nhóm Big4 vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất. Hiện lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 1 tháng tại 27 ngân hàng trong danh sách chỉ còn ở mức 2,6%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 3,8%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động bình quân đã giảm còn 4,7%/năm.
Một số ngân hàng tư nhân như MSB, SeaBank hay ABBank đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về thấp hơn đáng kể so với nhóm Big4. Nhìn chung, lãi suất huy động vẫn đang trong xu hướng giảm, động thái tăng chỉ diễn ra cục bộ tại một số ngân hàng, một số kỳ hạn, mức tăng cũng tương đối nhỏ - dưới 0,2% ở vài kỳ hạn.
Tuy mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện nay là 10,15%/năm, nhưng ở kỳ hạn dài và đòi hỏi giá trị tiền gửi lên đến hàng ngàn tỷ đồng. ABBank niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất 10,15%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, song chỉ áp dụng đối với khoản tiền gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên. PVcomBank cũng áp dụng lãi suất cao nhất lên tới 10%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng, với số dư tiền gửi mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, tại HDBank, lãi suất tiền gửi cao nhất 8,2%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, mức tối thiểu từ 300 tỷ đồng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 1/2024 là -0,6% và tính đến ngày 16/02 là -1,0%. Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng tiêu biểu trong tháng 1/2024 giảm mạnh hơn diễn biến của toàn ngành như Vietcombank (-2,3% so với cuối năm 2023), BIDV (-1,3%) hay MB (-0,7%)…
Các nhà phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, không chỉ tín dụng tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm, huy động vốn của nền kinh tế cũng không khả quan. Tăng trưởng huy động vốn tính đến ngày 16/2 ước đạt -1,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, huy động vốn bằng VND giảm 1,25% và bằng USD giảm 5,9%. Điều này cũng phần nào lý giải thanh khoản của hệ thống có dấu hiệu căng thẳng trong giai đoạn đầu năm.
Công ty Chứng khoán SSI nhìn nhận, lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục bị “nhấn chìm”. Dự báo, lãi suất tiền gửi 12 tháng vào cuối năm 2024 khoảng 5,5%/năm, tăng 0,5% so với năm 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có khả năng giảm thêm 0,5-1% trong nửa đầu năm 2024.
Ngoài ra, theo SSI, NHNN vẫn có dư địa để thực hiện thêm một lần cắt giảm lãi suất chính sách nữa trong năm 2024 khi hoạt động kinh tế chưa thể quay lại xu hướng tăng trưởng tiềm năng. Hiện lãi suất tiền gửi ở mức thấp nhất thị trường thuộc về 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) dự báo, khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ duy trì mức như hiện nay đến hết quý II/2024 và bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay, nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại so với mức tăng trưởng âm 0,6% trong tháng 1 đầu năm.
Chính việc điều chỉnh lãi suất huy động trái chiều của một số ngân hàng trong tháng 2/2024 đi cùng xu hướng tăng dần của lãi suất liên ngân hàng có thể hàm ý kịch bản lãi suất huy động nhích tăng dần từ quý II/2024, sớm hơn so với kỳ vọng trước đó của nhóm phân tích VDSC là tăng từ nửa cuối năm 2024.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, các ngân hàng có thể tiếp tục hạ lãi suất, ít nhất là trong quý I/2024 để giảm thêm lãi vay, cho đến khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại vào khoảng nửa sau của năm 2024. Mức nền lãi suất huy động thấp tạo tiền đề cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm để khôi phục, phát triển kinh tế.
Đồng thời, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn hiện nay, các kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản…) chưa mấy sáng sủa, nên người dân và cả nhà đầu tư vẫn chọn gửi tiết kiệm. Số liệu thống kê mới nhất của NHNN công bố ngày 15/1 cho thấy, bất chấp lãi suất tiết kiệm bị “nhấn chìm” sâu, lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng mạnh, tính đến tháng 11/2023 đạt kỷ lục 12,8 triệu tỷ đồng.
Phó thống đốc: Thanh khoản rất dồi dào, ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế
Lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm khá chậm so với cùng kỳ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết thanh khoản rất dồi dào và các ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế.
“Nguyên nhân chung là do yếu tố mùa vụ”, ông Hà cho hay. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tháng 12 tăng rất mạnh khoảng 4%, do trong quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Trong khi đó, tháng 1, tháng 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không tăng trưởng như quý IV năm trước.
Bên cạnh đó, theo ông Hà, năm nay còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới thực sự chưa khởi sắc mà các thị trường chính của Việt Nam cũng chưa khôi phục mạnh mẽ, gây ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra, xuất khẩu; trong khi đó, thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang có nhiều nỗ lực, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh tín dụng. Ngay đầu tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; tập trung tăng cường công tác chuyển đổi số áp dụng vào quy trình tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn và phổ cập rộng hơn hoạt động tín dụng ngân hàng. Ngày 20/2, ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức hội nghị toàn ngành để đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Sau rất nhiều giải pháp như vậy, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát các văn bản theo Luật Tổ chức tín dụng mới được ban hành.
“Chúng tôi sẽ rà soát các văn bản, nghị định hướng dẫn để bảo đảm chỉnh sửa theo nghị định, luật, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng vay”, Phó thống đốc khẳng định.
Nhấn mạnh lại thanh khoản rất dồi dào và phía ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế, nhưng Phó thống đốc cũng lưu ý, cần có sự phối hợp chính sách của các cơ quan một cách đồng bộ hơn.
“Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ như Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp này”, ông Hà nói.
Về phía người đi vay, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các doanh nghiệp tích cực thực hiện giải pháp tái cơ cấu hoạt động, có thêm các Dự án đầu tư hay sản xuất kinh doanh khả thi, chứng minh được sự khả thi của các Dự án của mình; minh bạch, tăng cường năng lực tài chính để người cho vay (các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại) thẩm định và cung ứng dịch vụ vốn vay cho người vay một cách thuận lợi trong thời gian tới.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi trong tháng 3 và các tháng tiếp theo để có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ người đi vay và tăng trưởng nền kinh tế”, Phó thống đốc khẳng định.
Ngân hàng sợ cho vay theo dòng tiền
Dù vẫn cần vốn, song nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay vì tài sản thế chấp đã cạn kiệt. Trong khi đó, ngân hàng - trong tình cảnh nợ xấu tăng nhanh - chỉ yên tâm với tài sản thế chấp là bất động sản.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng đến hết tháng 1/2024 giảm 0,6%, trong khi tiền gửi tiết kiệm vẫn đổ mạnh vào hệ thống. Lãnh đạo các ngân hàng thương mại nhận xét, tín dụng suy giảm là do cầu vốn của nền kinh tế yếu, sản xuất - kinh doanh chậm phục hồi, đầu ra khó khăn.
Tuy vậy, theo các doanh nghiệp, một trong các lý do khiến tín dụng suy giảm là ngân hàng và doanh nghiệp không gặp được nhau. Doanh nghiệp vẫn cần vốn, song không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp.
Báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa gửi tới Thủ tướng trong tháng 1/2024 lo ngại: “Đơn hàng có vẻ tăng lên, nhưng doanh nghiệp đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm, khó khăn lại lặp lại: Không có tiền để sản xuất”.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp của Ban IV cho thấy, doanh nghiệp đang kiệt sức là sự thật. Dù đơn hàng đang bắt đầu khởi sắc, song khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong năm 2024 vẫn ở mức đáng lo. Trong đó, nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng có đánh giá bi quan nhất (điểm trung bình chỉ đạt 2,16/5). Còn doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và nông, lâm nghiệp, thủy sản đánh giá triển vọng tiếp cận vốn cao nhất, nhưng điểm số vẫn ở mức điểm 2,34 - mức tiêu cực. Và nếu tiếp cận vốn khó khăn, doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, cũng như phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM cho hay, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may tuy phục hồi chậm, song doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vốn để đầu tư, chuyển đổi công nghệ sang xu hướng bền vững. Tuy vậy, việc vay vốn của doanh nghiệp không dễ dàng khi doanh nghiệp mong muốn thế chấp bằng chính máy móc thiết bị sắp đầu tư, trong khi ngân hàng chỉ muốn có tài sản thế chấp là bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho biết, nhu cầu vay vốn vẫn rất lớn, song các doanh nghiệp chủ yếu chỉ được vay vốn nếu có tài sản thế chấp là bất động sản. Điều này khiến doanh nghiệp nhỏ chỉ vay được số vốn hạn chế, việc vay theo dòng tiền hoặc thế chấp hàng hóa, nhà xưởng rất khó khăn.
Dù quy định hiện hành không bắt buộc tài sản thế chấp, song hầu hết các ngân hàng đều chỉ giải ngân dựa trên tài sản đảm bảo. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc các ngân hàng thương mại không quan tâm đến dòng tiền của các Dự án bất động sản, mà chỉ quan tâm đến tài sản thế chấp là bất động sản, các tài sản thế chấp khác như máy móc, thiết bị, cổ phiếu niêm yết... ít được chấp nhận.
Hiện dư nợ vay tín chấp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại, chủ yếu dành cho các doanh nghiệp lớn, đã có lịch sử trả nợ tốt cho ngân hàng.
Ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV lý giải, nhiều doanh nghiệp có khả năng quản trị thấp, sức khỏe yếu, có sự đan xen các báo cáo tài chính giữa văn bản và thực tế không đồng nhất, khiến ngân hàng khó khăn trong đánh giá, cũng như tạo niềm tin trong việc cấp tín dụng. Nợ xấu đang tăng cao và thu hồi nợ khó khăn cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng e ngại cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền.
“Việc quản lý dòng tiền, hạn mức, quản lý khoản phải thu của các tổ chức tín dụng đang rất khó khăn. Thanh khoản thị trường bất động sản giảm sút, giá trị tài sản đảm bảo sụt giảm, thì xử lý nợ xấu càng khó hơn. Ngoài ra, quan điểm của các cơ quan chức năng (chưa bảo vệ bên cho vay - PV) cũng là yếu tố khiến ngân hàng thận trọng. Hiện nhiều ngân hàng cho vay tín chấp, song khi rủi ro xảy ra lại không thu hồi được nợ gốc do rủi ro pháp lý”, ông Long cho biết.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, sở dĩ ngân hàng chuộng tài sản thế chấp là bất động sản bởi nếu rủi ro xảy ra, vẫn thu hồi được vốn. “Chủ trương của Nhà nước về cho vay theo dòng tiền là đúng, song rủi ro đi kèm với ngân hàng cũng rất lớn. Nếu bình thường, nền kinh tế tốt thì không sao. Nhưng nếu rủi ro xảy ra, khả năng mất là mất tất, vì thứ mà các ngân hàng thu hồi được thường chỉ là nhà máy, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất...”, ông Vinh cho biết.
Theo các ngân hàng thương mại, dù quy định hiện hành không bắt buộc cho vay phải có tài sản thế chấp, song muốn ngân hàng có lòng tin, bản thân doanh nghiệp phải sòng phẳng, minh bạch. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa minh bạch thông tin với ngân hàng. Khi vay vốn, nhiều doanh nghiệp chỉ đưa ra các thông tin hào nhoáng cho ngân hàng, còn thông tin mà ngân hàng tự thu thập được lại cho bức tranh khác biệt. Vì vậy, nếu cho vay theo dòng tiền, thì ngân hàng rất rủi ro.
“Cầm cái nhà vẫn có thể bán được, không bán được năm nay thì hai năm sau vẫn bán được. Còn cho vay doanh nghiệp, khi túng quẫn rất khó thu nợ, trong khi pháp luật lại thường bảo vệ người đi vay, chứ không phải người cho vay”, ông Nguyễn Đức Vinh nói thêm.
Nợ xấu tăng, ngân hàng xin gia hạn cơ cấu và trả nợ
Trước xu hướng nợ xấu tăng, ngân hàng xin gia hạn thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm 6 tháng đến 1 năm, thay vì hết hiệu lực cuối tháng 6/2024, để khách hàng có thời gian trả nợ.
Tình hình kinh tế khó khăn gây áp lực không nhỏ đến khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp. Hệ quả là, nợ xấu có xu hướng gia tăng toàn ngành ngân hàng. Theo dữ liệu của Wigroup, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu có xu hướng giảm xuống dưới 100%, thay vì luôn ở trên 100% như trước.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, ngoài sức hấp thụ của nền kinh tế kém, việc đòi nợ khó khăn trong khi pháp luật thiên về bảo vệ người đi vay hơn so với bên cho vay là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm. Tuy nhu cầu vay vốn vẫn còn, song khả năng vay và khả năng trả nợ giảm mạnh là lý do khiến tín dụng không thể tăng trưởng.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng tỏ ra lo ngại về rủi ro nợ xấu năm nay, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực. Đồng thời, phần lớn các nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14 không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được ban hành.
Theo ông Vinh, đây sẽ là khó khăn của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới. Việc thu hồi nợ hiện rất khó khăn, đặc biệt là nợ vay tiêu dùng. Rất nhiều cán bộ thu hồi nợ bỏ việc, riêng FE Credit (công ty tài chính thuộc VPBank) có đến 50% nhân viên thu hồi nợ nghỉ việc.
Các chuyên gia của SSI cũng cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể tăng trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023, do cuối năm, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.
SSI lưu ý, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm nợ nhóm 2, khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và khoản vay cũ) vẫn cần được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu Dự thảo sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.
Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, sức cầu thị trường còn yếu tác động lên khả năng trả nợ của khách hàng, các ngân hàng kiến nghị gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN từ 6 tháng đến 1 năm, thay vì đến ngày 30/6/2024 hết hạn.
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành VietinBank cho rằng, vướng mắc của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế hiện nay là sức mua chậm, thị trường bất động sản khó khăn. Do đó, trước mắt, cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phải có chiến lược kích cầu sức mua của thị trường, đồng thời tháo gỡ điểm nghẽn của các Dự án.
Về kết quả thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN, đến thời điểm này, VietinBank đã cơ cấu lại nợ cho khoảng 290 khách hàng, với số dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng. Thế nhưng, ông Sơn cũng kiến nghị gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN do khách hàng còn khó khăn trong những tháng đầu năm 2024, nên cần có thêm thời gian trả nợ.
Tương tự, Phó tổng giám đốc BIDV, ông Trần Long cho hay, sở dĩ tín dụng giảm trong tháng đầu năm 2024 là sức hấp thụ vốn chậm, xuất khẩu, tiêu dùng còn yếu. Các doanh nghiệp còn một số vướng mắc về pháp lý và thị trường xuất khẩu khó khăn do ảnh hưởng của địa chính trị. Nếu không gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, sẽ khó khăn cho khách hàng và cả ngân hàng khi xu hướng nợ xấu tăng.
Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank đến cuối tháng 1/2024 ngang bằng với cuối năm 2023, với 1,2%. Đến cuối tháng 1/2024, ngân hàng này đã cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN khoảng 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước nên gia hạn thời gian đối với việc cơ cấu và trả nợ tại Thông tư này.
Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh và ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng kiến nghị cần gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN để tạo điều kiện cho khách hàng trong việc trả nợ.
Trước đề xuất của các ngân hàng, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho hay, Ngân hàng Nhà nước nhất trí với chủ trương kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN, còn thời gian kéo dài thêm bao lâu, nửa năm, một năm, thì cần có đánh giá kỹ hơn. “Đề nghị Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan thanh tra, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách tiền tệ đề xuất cơ chế và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I/2024”, ông Tú nói.