Kim loại quý trên thị trường quốc tế giảm về sát mốc 1.800 USD/ounce khi sức khỏe đồng bạch xanh hồi phục và biến thể Omicron đang được chứng minh là ít gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn các biến thể khác và các loại vắc xin điều trị mới được đưa ra.
USD tăng cao hơn nhờ được hỗ trợ bởi nhu cầu đầu tư an toàn gia tăng trước sự suy yếu của của thị trường chứng khoán do lo ngại dịch COVID-19.
Cùng với đó là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất sớm vào tháng 3/2022 đã đẩy đô la Mỹ tăng. USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác tăng lên 96,16 điểm sáng nay.
Thị trường dự đoán về đợt tăng lãi suất cơ bản đồng đôla Mỹ đầu tiên của Fed sau đại dịch là động lực của đồng đô la Mỹ. Hơn nữa, một số ngân hàng trung ương khác có thể đảm bảo rằng họ vẫn đi sau Fed một bước và chỉ siết chặt chính sách sau khi có hành động rõ rang từ Fed.
Động thái của Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể tác động mạnh đến đồng bạc xanh ngay cả khi lãi suất có khả năng tăng hơn nữa vào năm 2022. Các nhà đầu tư đã rất tích cực định giá một chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong năm 2021, nhưng có thể thay đổi vào năm 2022.
Tuy nhiên, giới phân tích tài chính đưa ra nhận định, nỗi lo lạm phát vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ vàng không giảm quá sâu xuống dưới 1.800 USD/ounce. Đồng thời, lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện thu về ở mức thấp 1,472% là một trong những yếu tố hỗ trợ tích cực cho mặt hàng kim quý vàng.
Đánh giá được đưa ra từ giới phân tích tài chính, khả năng Fed trở lại chiều hướng ôn hòa. Ngân hàng quyền lực nhất thế giới này vẫn là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy thị trường tiền tệ – cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Sự thay đổi của Fed vào năm 2021 xảy ra trên cơ sở tỷ lệ lạm phát cao hơn và thị trường việc làm mạnh mẽ, một sự chuyển hướng mạnh mẽ sau khi ngân hàng này đánh giá lại chính sách tiền tệ vào năm 2020, điều này đã cho phép giá cả tăng mạnh.
Nhưng sang năm 2022, Fed có thể quay trở lại xu hướng ôn hòa của mình nếu tỷ lệ lạm phát thấp hơn và tốc độ tăng trưởng chậm hơn có thể khiến ngân hàng trung ương này trở nên bớt quyết liệt hơn. Thế nhưng, lạm phát toàn cầu được giới phân tích tài chính nhận định, có thể đã đạt đỉnh vào tháng 12/2021.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay giá vàng miếng SJC giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vàng với giá 60,75 triệu đồng/lượng và bán ra 61,45 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tại Doanh nghiệp Phú Quý, giá mua vào và bán ra cùng giảm 30.000 đồng/lượng. Hệ thống PNJ cũng niêm yết vàng SJC giảm 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và chiều bán. Còn Tập đoàn Doji không ghi nhận thay đổi giá vàng miếng SJC mới.
Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, giá vàng trong nước vẫn cao thế giới hơn 11,20 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí)
Ngày 29/12, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.154 VND/USD, tăng 13 đồng so với hôm qua. Với biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.459 - 23.849 VND/USD.
Tại Vietcombank tăng 20 đồng so với hôm qua, đưa giá mua vào lên 22.670 đồng/USD và giá bán ra lên 22.980 đồng/USD; ngân hàng Eximbank tăng 50 đồng khi mua vào là 22.740 đồng/USD và bán ra lên 22.950 VND/USD. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước được duy trì ở mức 22.650 - 23.150 VND/USD.