Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng SJC đóng cửa ngày 31/8 ở mức 67,65 - 68,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150 nghìn đồng ở cả chiều so với tuần trước.
Khá nhiều hãng vàng cũng đang yết giá bán ra vàng miếng ở mức trên như Phú Quý, Báo tín Minh châu. Giá vàng tại DOJI và PNJ thậm chí cao hơn (68,3 triệu đồng/lượng).
Trong khi đó, ở chiều mua vào, các hãng vàng có sự chênh lệch, phổ biến từ mức 67,55 triệu đồng đến 67,67 triệu đồng mỗi lượng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 580.000 -700.000 đồng/lượng.
Vàng miếng SJC đã có một tuần giao dịch khá giằng co, từng có thời điểm tăng lên 68,3 triệu đồng vào giữa tuần sau đó hồi phục trở lại. So với cuối tuần trước, giá vàng bán ra đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng. Tính chung trong cả tháng 8, vàng miếng SJC đã tăng tới 1 triệu đồng, chủ yếu nhờ đà đi lên mạnh mẽ ở hai tuần cuối tháng 8.
Tuy nhiên, với các nhà đầu tư, chênh lệch từ giao dịch vàng còn khá khiêm tốn do chênh lệch giá mua bán cao.Trong trường hợp mua vàng ở mức giá 67,25 triệu đồng ngày 31/7 và bán ra tại mức 67,65 triệu đồng, khoản lãi chênh lệch là 400.000 đồng, tương đương tăng 0,595%. Tỷ suất sinh lời từ đầu tư vàng cao hơn gửi tiền ngân hàng một tháng (3%/năm, tương đương 0,25%/tháng) nhưng cũng chỉ ngang với việc gửi tiền tiết kiệm với lãi suất hơn 7,1%/năm. Tuy nhiên, so với diễn biến bình lặng thời gian dài trước đó, biến động của giá vàng trong tháng 7 và 8 vừa qua là đáng chú ý.
Giá vàng trong nước được hỗ trợ đáng kể bởi vàng thế giới vẫn neo ở mức cao . Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay là 1.948 USD/ounce, đi ngang so với cuối phiên trước. Các số liệu kinh tế Mỹ cùng phát biểu từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang được giới đầu tư theo dõi, đặc biệt là Hội nghị Jackson Hole.
Tại đây, ông Powell đã nhắc quan điểm quyết tâm giảm lạm phát với đích đến là đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% đồng thời khẳng định "sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu thích hợp và sẽ giữ chính sách thắt chặt cho đến khi tin chắc rằng lạm phát đang giảm xuống một cách bền vững, khách quan", Chủ tịch Fed nói.
Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến. Các số liệu mới nhất cho thấy Mỹ tăng trưởng ít hơn dự kiến trong quý II/2023, trong khi tăng trưởng việc làm tư nhân giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng. Mặt khác, lạm phát ở Đức chỉ giảm nhẹ, lạm phát ở Tây Ban Nha tăng lên, hỗ trợ cho yêu cầu thắt chặt hơn từ ECB. Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi chỉ số chi phí tiêu dùng tư nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Fed vào thứ Năm và bảng lương phi nông nghiệp vào thứ Sáu để có thêm manh mối về chính sách tiền tệ.
Giới đầu tư củng cố đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ kết thúc đợt tăng lãi suất. Chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ 6 tiền tệ mạnh từng chạm mốc 104 điểm nhưng đã quay đầu giả còn 103,4 điểm ở thời điểm hiện tại.
Không riêng vàng, tỷ giá cũng có một tháng biến động mạnh. Tại Vietcombank, tỷ giá USD có thời điểm tăng lên 24.350 đồng đổi 1 đôla. Đến cuối tháng 8, nhà băng này đang yết tỷ giá ở mức 23.900 đồng/USD (mua chuyển khoản) và 24.240 đồng/USD (bán ra), tăng 1,59% sau một tháng.
Nhờ điều chỉnh của tỷ giá USD trong bối cảnh USD đi lên, đồng VND nhìn chung khá ổn định so với nhân dân tệ. Tỷ giá CNY/VND nhìn chung đi ngang, hiện 3.372 đồng đổi 1 nhân dân tệ. Trong khi đó, tỷ giá EUR/VND tăng 1,2% trong tháng qua, còn JPY/VND giảm 2,88% so đồng yên Nhật rơi sâu.
Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng đã liên tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm. Đến ngày 31/8, tỷ giá trung tâm đạt 23.977 VND/USD, giảm 1 đồng so với công bố phiên trước và tăng 219 đồng trong tháng 8 này.