Ngân hàng
Vàng nhẫn, vàng miếng giảm nhiệt
Tùng Linh - 05/04/2024 11:35
Sau khi bứt phá vượt mốc 2.300 USD/ounce, vàng thế giới quay đầu giảm sâu, đang giao dịch tại 2.277 USD/ounce. Vàng miếng và vàng nhẫn đều đồng loạt giảm ngay đầu giờ sáng, khoảng 300.000 – 400.000 đồng mỗi lượng.
Vàng miếng SJC và vàng trang sức đều đồng loạt giảm

Vàng đã giảm xuống dưới ngưỡng 2.280 USD/ounce, ghi nhận phiên giảm thứ hai liên tiếp bất chấp có thời điểm trong phiên vượt qua mốc 2.300 USD/ounce. Các nhà đầu tư đang đánh giá lại kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Fed, trong khi chờ đợi có thêm tín hiệu từ báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ vào cuối tuần cùng số liệu lạm phát tuần tới.

Hôm qua, ông Neel Kashkari - Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis nói về khả năng “không cần phải cắt giảm lãi suất trong năm nay” nếu lạm phát vẫn ở mức ổn định. Trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng vừa nêu rằng Fed cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang tiến tới mục tiêu 2% một cách bền vững trước khi cắt giảm lãi suất.

Phát biểu tại sự kiện ở Fed chi nhánh San Francisco, Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell cho biết các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ đợi cho tới khi có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đã thực sự được kiểm soát, bởi nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ vững chắc và các số liệu trên thị trường việc làm vẫn còn rất mạnh. “Chúng tôi cần phải tự tin thêm về xu hướng lạm phát giảm trước khi có thể tiến hành động thái quan trọng là hạ lãi suất”, ông Powell nhấn mạnh.

Hiện giá vàng giao ngay ở mức 2.277,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York cũng điều chỉnh sâu về 2.295 USD/ounce.

Phản ứng nhanh chóng trước đà giảm của vàng thế giới, thị trường vàng trong nước đồng loạt rơi khá sâu. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn, giá vàng miếng SJC có thời điểm giảm tới 400.000 đồng/lượng. Hiện mức giảm đã thu hẹp, công ty này đang yết giá vàng miếng ở mức 79,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 81,1 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 200.000 đồng ở cả hai chiều. Chênh lệch giá mua – bán duy trì ở mức 2 triệu đồng mỗi lượng.

Các hãng vàng khác thậm chí rơi sâu hơn, không còn giữ được mốc 81 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch mua – bán nhiều nơi là 2,3 triệu đồng/lượng. PNJ, DOJI và Phú Quý đều đang đồng loạt bán ra với mức giá 80,7 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá bán thấp nhất tại thị trường Hà Nội.

Đối với sản phẩm vàng nhẫn, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn đang thu mua ở mức 70,5 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 71,5 triệu đồng/lượng, cũng giảm 350.000 đồng/lượng mỗi chiều.

Việc Fed chưa đưa ra được thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ cũng là nguyên nhân khiến đồng USD ghi nhận nhiều biến động thời gian qua. Chỉ số US Dollar Index (DXY) vào giữa tuần có thời điểm vượt lên trên ngưỡng 105 điểm, mức cao nhất từ tháng 11/2023 nhưng đến nay chỉ còn giao dịch quanh mức 104,3 điểm. Có thời điểm đồng EUR giảm sâu, tỷ giá giữa EUR và USD rơi xuống mức thấp nhất 7 tuần. Cuộc họp quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm tuần sau đang được giới đầu tư chờ đợi, nhất là khi số liệu mới đây cho thấy lạm phát tại Eurozone giảm sâu hơn dự báo nhờ xu hướng tăng giá lương thực, thực phẩm và đồ uống tiếp tục chững lại. Tuy nhiên, đồng euro đã hồi phục nhẹ sau đó.

Trong nước, tỷ giá USD cũng biến động mạnh, vừa xác lập mức cao mới trong ngày hôm qua khi có ngân hàng yết tỷ giá bán ở mức 23.185 đồng/USD. Tuy nhiên, tỷ giá USD cũng đã phần nào vơi nhiệt. Tại Vietcombank, tỷ giá USD mua vào là 24.750 đồng/USD, bán ra ở mức 25.120 đồng/USD, giảm 20 đồng so với sáng hôm qua.

Theo Phó thống đốc NHNN, đầu năm 2024, trong quý I tỷ giá cũng nóng thêm. Đây là một trong những vấn đề mà NHNN cho rằng rất đáng được quan tâm, được điều hành một cách tập trung. Ông Tú nêu 3

Lý giải việc tỷ giá tăng trong thời gian qua, ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc NHNN chỉ ra ba nguyên nhân. Ngoài việc Fed chưa đưa ra được thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc hạ lãi suất khiến chỉ số DXY tăng, chính sách hạ lãi suất của Việt Nam thời gian qua rất mạnh, đã tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD trên thị trường liên ngân hàng. Cùng đó, trong 3 tháng đầu năm, nhập khẩu tương đối tích cực, vì thế nhu cầu ngoại tệ cho việc nhập khẩu cũng nhiều hơn giai đoạn trước đây. Ngoài ra, theo ông, cũng có một số chính sách khác có thể tác động lên chính sách tỷ giá.

Tuy nhiên, tại họp báo Chính phủ tháng 3 vừa qua, ông Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh tỷ giá là chỉ dấu điều hành kinh tế vĩ mô quan trọng, ảnh hưởng tới sức mua đồng tiền Việt Nam, các chính sách kinh tế khác nên sẽ được điều hành linh hoạt, đảm bảo lên xuống phù hợp. Ngoài các công cụ điều chỉnh tỷ giá bằng chính sách tiền tệ, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá dồi dào, tới cuối 2023 khoảng 100 tỷ USD. Trường hợp cần thiết, Phó thống đốc cho biết cơ quan này sẽ can thiệp để ổn định.

Tin liên quan
Tin khác