Ngân hàng - Bảo hiểm
Vàng nổi sóng đe dọa sự bình yên của tỷ giá
Hà Tâm - 24/07/2019 09:58
Giá vàng tăng vọt, cán cân vãng lai không còn thặng dư nhiều như trước cộng thêm những tác động bất lợi của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung… đang khiến tỷ giá đứng trước nguy cơ hết bình yên.
Dù cảnh tranh mua không còn diễn ra, song giá vàng tăng mạnh thời gian gần đây khiến thị trường sôi động hơn.

Ngoại tệ không còn dư giả

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cảnh báo: “Sức ép của tỷ giá năm nay mạnh hơn năm ngoái rất nhiều. Điều quan trọng nhất ảnh hưởng đến tỷ giá là cán cân vãng lai, mà theo dự báo của tôi, cán cân vãng lai năm nay có thể chỉ đạt mức cân bằng, thậm chí là thâm hụt”.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, cả nước xuất siêu 1,6 tỷ USD, giảm rất nhiều so với con số xuất siêu hơn 7 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù cán cân thương mại cơ bản vẫn an toàn, song thặng dư cán cân vãng lai có nguy cơ ngày càng giảm. Mặc dù từ năm 2011 đến 2018, cán cân vãng lai của cả nước liên tục thặng dư, song từ nửa cuối năm 2018 đến nay có biểu hiện thâm hụt trở lại. Trong nửa đầu năm 2019, lượng ngoại tệ mua về để tăng dự trữ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng không còn nhiều như trước.

Theo phân tích của các chuyên gia, không phải ngẫu nhiên mà gần đây, nhiều ngân hàng muốn phát hành trái phiếu quốc tế để huy động ngoại tệ từ bên ngoài. Chính sách lãi suất tiền gửi 0% đối với USD kéo dài nhiều năm qua, sự trồi sụt của thị trường chứng khoán, xuất siêu giảm… khiến nguồn cung ngoại tệ trên thị trường suy giảm, nhiều ngân hàng bắt đầu “khát” USD. Trong khi đó, khối ngân hàng ngoại và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục “găm” ngoại tệ.

Nguồn cung ngoại tệ thời gian tới có thể còn căng thẳng hơn, nếu thị trường xuất khẩu diễn biến bất lợi theo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Thứ nhất, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng đang gây chú ý với Mỹ.

Thứ hai, xuất khẩu sang Trung Quốc có chiều hướng giảm mạnh, nhất là hàng nông sản. Nếu xuất khẩu vào hai thị trường quan trọng bậc nhất này sụt giảm, chắc chắn tỷ giá sẽ chịu áp lực lớn. 

Để giảm bớt rủi ro, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị, Việt Nam cần sớm trao đổi với Bộ Tài chính Mỹ để đánh giá đúng hơn về chính sách tiền tệ và thương mại của Việt Nam, có biện pháp để cân bằng thương mại với Mỹ.

Điều đáng mừng là, vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt; trên thị trường chứng khoán, khối ngoại vẫn mua ròng. Với dự trữ ngoại tệ hiện nay, việc NHNN giữ ổn định tỷ giá dưới 2-3% năm nay là trong tầm tay, song nếu nguồn cung tiếp tục co hẹp, tỷ giá sẽ là vấn đề đáng lo những năm tới.

Không thể chủ quan với vàng

Ngoài cung ngoại tệ bớt dồi dào hơn trước, một yếu tố nữa đang đe dọa sự yên bình của tỷ giá là vàng nổi sóng trở lại. Sau khi lập đỉnh 40 triệu đồng/lượng đầu tuần này, nhiều chuyên gia dự báo, giá vàng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 10%, giá vàng trong nước chỉ tăng hơn 6%. Dù cảnh tranh mua không còn diễn ra, song giá vàng tăng mạnh thời gian gần đây khiến thị trường sôi động hơn.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không cần phải quá lo ngại về vàng do NHNN đã kiểm soát tốt thị trường, tình trạng đầu cơ, găm giữ vàng đã giảm mạnh. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, giá vàng vọt tăng, tâm lý đầu cơ vàng sẽ bị kích thích trở lại.

“Giá vàng gần đây tăng nhanh dù gần như đứng yên 3 năm qua, bất chấp giá vàng thế giới lên xuống. Điều này cho thấy, nếu một thị trường không linh hoạt, khi gặp biến động lớn, giá vàng sẽ nhảy vọt”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định.

Thực tế, dù đã giảm, song tâm lý tích trữ vàng vẫn rất mạnh mẽ với một bộ phận người Việt. Vì vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, không thể chủ quan với vàng. Điều hành tỷ giá đối với NHNN thời gian tới sẽ phải linh hoạt hơn rất nhiều.

Khi người dân đổ xô đầu tư vào vàng thì sẽ rất nguy hiểm.

- TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Nếu nhà hoạch định coi vàng là thị trường độc lập không liên quan đến tỷ giá là sai lầm. Vàng tăng giá sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người dân. Và khi người dân đổ xô đầu tư vào vàng thì hệ lụy sẽ rất nguy hiểm: tiết kiệm nội địa giảm, đầu tư chứng khoán giảm, đầu tư kinh doanh giảm… Bởi đầu tư kinh doanh, sau khi trừ chi phí, chỉ lãi khoảng 10%, nhưng đầu tư vàng lãi 10% là khá dễ, nếu người dân đổ xô đầu tư vào vàng sẽ rất đáng quan ngại.

Tin liên quan
Tin khác