TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - tiền tệ |
Đồng nhân dân tệ mất giá tác động lên tỷ giá VND/USD, thưa ông?
Điều đó là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc giảm giá của nhân dân tệ trong những ngày qua chỉ ở mức thấp và vừa phải. Đồng thời, phía Trung Quốc nói việc phá giá nhân dân tệ là theo cơ chế thị trường, chứ không phải phá giá để chống lại Mỹ.
Theo tôi, nếu nhân dân tệ mất giá không quá 2% thì chưa tác động nhiều lên tỷ giá tiền đồng. Việc Trung Quốc nói phá giá nhân dân tệ theo cung - cầu của thị trường có thể được hiểu là nước này không có ý định phá giá nhiều. Dẫu vậy, nước này có thể phá giá nhân dân tệ trong nhiều lần, thay vì phá giá đột ngột trong một lần với biên độ lớn.
Trong bối cảnh đó, việc điều hành tỷ giá của Việt Nam nên theo hướng nào?
Trong bối cảnh như vậy, NHNN Việt Nam cũng phải có sự linh hoạt. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn, nên không thể bỏ qua diễn biến này, song chúng ta cũng không thể “cầm cờ chạy trước ô tô”. Nếu Trung Quốc phá giá nhân dân tệ theo kiểu bò trườn, thì chúng ta cũng phải hành động theo như vậy.
Đồng thời, NHNN cũng phải theo dõi sát động thái của Mỹ cũng như các nước khác trong thời gian tới. Mặt khác, NHNN cần xem lại các chính sách điều hành để làm thế nào không tác động đến lạm phát, bởi một khi phá giá nội tệ tức là sẽ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Như vậy, cần có sự điều hình linh hoạt và ổn định tỷ giá thì mới có thể hài hòa được các lợi ích đặt ra.
Ông đánh giá thế nào về cách điều hành tỷ giá trung tâm của NHNN hiện nay?
Tôi đánh giá rất cao việc điều hành tỷ giá trung tâm của NHNN từ năm ngoái đến nay. Việc giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống mức 14% và kiên định với mục tiêu này là điều rất tốt. Tăng trưởng tín dụng thường ngang bằng với tăng trưởng GDP danh nghĩa. GDP danh nghĩa bằng GDP thực cộng với lạm phát. GDP thực tế tăng khoảng 7%, lạm phát 4%, thì GDP danh nghĩa khoảng 11%. Như vậy, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN duy trì 14% vẫn cao hơn GDP danh nghĩa. Điều này hài hòa với các mục tiêu tăng trưởng đưa ra.
Động thái NHNN tăng tỷ giá trung tâm gần đây cũng để đón đầu xu hướng này, thưa ông?
NHNN có các kênh thông tin để phân tích, dự đoán rằng, biến động của thị trường tài chính - tiền tệ thế giới trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay sẽ tác động lên tỷ giá, nên cần có sự đón đầu.
Mặt khác, một thực tế là, từ quý III/2018 đến nay, thặng dư thương mại của Việt Nam liên tục giảm, thậm chí thâm hụt và tình trạng này rất có thể sẽ kéo dài. Đây chính là yếu tố quyết định tỷ giá hối đoái của NHNN. NHNN có thể nhìn vào đó để dự đoán xu thế áp lực cán cân vãng lai lên tỷ giá hối đoái để có hành động đón đầu, nhằm tránh cú sốc về tỷ giá hối đoái. Đây mới là vấn đề then chốt, bởi nó tác động trực tiếp lên tỷ giá và là vấn đề đáng phải quan tâm.
Nhìn lại quá khứ, có thể thấy, từ năm 2011 trở về trước, Việt Nam luôn thâm hụt cán cân thương mại và cán cân vãng lai. Nhưng từ năm 2011 đến nay, Việt Nam luôn thặng dư, nhưng có đến 4 quý thâm hụt. Trong đó, riêng năm 2018 có 2 quý cuối năm thâm hụt. Điều này có nghĩa là xu thế đi xuống của cán cân vãng lai. Nếu tình trạng này quay lại chu kỳ giai đoạn 2011 trở về trước thì vô cùng khó khăn, nhưng chúng ta vẫn hy vọng cán cân vãng lai không quay lại chu kỳ thâm hụt nói trên.
Lãi suất tiền đồng có chịu áp lực tăng trước bối cảnh thị trường hiện nay, thưa ông?
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng được khống chế ở mức 14% đồng nghĩa với việc khống chế tiền cơ sở hoặc M2 ở mức bằng hoặc thấp hơn. Khi NHNN đã khống chế được cung tiền tệ như vậy, thì chúng ta có thể yên tâm rằng, vấn đề lãi suất căn bản sẽ ổn định, lạm phát không có khả năng tăng. Cung tiền tệ và cung tín dụng không tăng, thì lãi suất nhiều khả năng sẽ ổn định. Tuy nhiên, nếu năm tới, khi thị trường tài chính toàn cầu biến động, thì lãi suất khó đứng yên.