Giới phân tích tài chính cho rằng, sở dĩ giá vàng quay đầu giảm trở lại là do tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu quay trở lại sau khi một cuộc đấu giá trái phiếu khác cho thấy nhu cầu yếu.
Thêm vào đó, vàng giảm sau khi Mỹ công bố doanh số nhà chờ bán trong tháng 5/2022 bất ngờ tăng cao hơn so với kỳ vọng. Doanh số nhà chờ bán trong tháng 5 tại Mỹ tăng 0,7% sau khi giảm 4% trong tháng 4/2022.
Trong ngắn hạn, triển vọng của vàng là trái chiều vì có nhiều bất ổn trong mùa hè này, với một bên là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay hơn đối với chính sách tiền tệ và một bên là rủi ro suy thoái kinh tế.
Không chỉ vàng mà USD cũng giảm, trong khi đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng khiến cho mặt hàng kim quý vàng kém hấp dẫn hơn.
Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm xuống 103,70 điểm.
Ngoài ra, giá vàng giảm còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu suy yếu. Giá dầu WTI đã xuống mức 108 USD/thùng.
Vàng được coi là hàng rào chống lại sự gia tăng đột biến của lạm phát và rủi ro kinh tế, tuy nhiên lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi.
Tuy giá vàng chịu áp lực giảm nhưng vẫn trụ vững trên ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.800 USD/ounce. Mặt hàng kim loại quý vẫn được hỗ trợ bởi sức cầu đối với các loại tài sản an toàn khi lạm phát Mỹ ở mức cao và các nền kinh tế đối mặt với khả năng suy thoái.
Trong khi đó, các thành viên của nhóm G7, đại diện cho các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, đã thêm vàng vào lệnh trừng phạt của họ đối với Nga vì cuộc tấn công của nước này vào Ukraine.
Cũng tại cuộc họp của nhóm G7 ngày 26/6, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu vàng mới được sản xuất tại Nga.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng kế hoạch của Anh, Mỹ, Nhật Bản và Canada trong việc cấm nhập khẩu vàng của Nga nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow có thể chỉ có tác động cơ bản hạn chế.
Vì không có nhiều vàng được xuất khẩu sang các quốc gia G7, chủ yếu là do thiếu các chuyến bay từ Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Tác động của động thái này đối với giá vàng cho đến nay là không đáng kể.
Giới phân tích trên thị trường quốc vẫn lạc quan khi cho rằng giá vàng sẽ hồi phục lên 2.000 USD/ounce (tương ứng 56,2 triệu đồng/lượng).
Vì Nga đang sở hữu một lượng lớn vàng. Khi cuộc chiến còn kéo dài thì khả năng bán vàng ra của nước này là cao, điều này không hỗ trợ cho vàng tăng giá trong thời gian tới.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC giữ giá mua vào đối với vàng miếng SJC ở mức 67,9 triệu đồng/lượng và bán ra 68,6 triệu đồng/lượng.
Song quy đổi, giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới gần 17.2 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí).
Vì thế, chuyên gia cấp cao lĩnh vực vàng cho rằng, mua vàng trong nước vẫn khá rủi ro cho người dân và kể cả nhà đầu tư do chênh lệch với giá quốc tế khá cao.
Vả lại một khi cung -cầu vàng miếng SJC ở thị trường nội địa lệch pha sẽ khiến cho giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với quốc tế, do hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, với mục tiêu chống vàng hóa, đôla hóa.
Ngày 28/6, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.092 đồng/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua. Nhưng giá USD tại các ngân hàng vẫn đứng yên như ngân hàng Vietcombank tiếp tục mua vào 23.080 đồng/USD và bán ra 23.390 đồng/USD.