Vàng đã tăng cao trong phiên giao dịch ngày 6/7 và có thời điểm vượt ngưỡng kháng cự quan trọng 1.800 USD/ounce nhờ lợi suất trái phiếu Mỹ giảm.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ xuống thấp nhất trong 2 tuần đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng vì nó làm giảm chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.
Thêm vào đó, đồng Đô La Mỹ mất điểm trong phiên thứ ba liên tiếp và chịu thêm áp lực giảm giá sau khi đạt đỉnh trong biên độ 92.75 vào cuối tuần rồi và chỉ phục hồi nhẹ đầu tuần này.
Trong khi các thị trường Mỹ dần trở lại hoạt động bình thường sau kỳ nghỉ Lễ Độc lập trong ngày 5/7, trọng tâm chú ý dự kiến là chỉ số PMI phi sản xuất từ ISM.
Mặc dù dữ liệu bảng lương mới nhất có thể khiến những người đầu cơ theo giá lên của USD thất vọng phần nào, nhưng vẫn là các dữ liệu lạc quan và là dấu hiệu cho thấy sự cải thiện liên tục của thị trường lao động.
Tâm lý nhà đầu tư xung quanh đồng đô la Mỹ đã trở nên tích cực hơn, điều này có thể là do sự gia tăng của tâm lý lo ngại rủi ro về biến thể Delta của virus COVID-19, các yếu tố cơ bản mạnh mẽ, tỷ lệ lạm phát cao và triển vọng giảm nới lỏng, đặc biệt là sau sự kiện FOMC (Ủy Ban thị trường mở) mới nhất.
Rủi ro với việc tăng lãi suất sớm hơn dự kiến trong quá trình bình thường hóa chính sách. Mặc dù vẫn có khả năng cao là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trước khi bất kỳ sự cắt giảm QE (nới lỏng định lượng) nào hoàn tất.
Mặc dù vàng đang có phiên điều chỉnh, song giới phân tích lĩnh vực này cho rằng, trong trong kịch bản khả quan, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua vào có thể đạt khoảng 1.000 tấn theo dự báo của Citigroup.
Cụ thể, Citigroup dự báo, lượng vàng mua vào tại các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ đạt 500 tấn vào năm 2021 và 540 tấn vào năm tới.
Còn theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), cho dù con số này thấp hơn mức đỉnh kép hơn 600 tấn trong hai năm 2018 và 2019, nhưng vẫn tăng đáng kể so với 326,3 tấn vào năm ngoái.
Tháng 6/2021, WGC đã công bố một báo cáo mới, trong đó khoảng 20% ngân hàng trung ương trên thế giới dự định tăng khối lượng vàng dự trữ vào năm 2022.
Các nhà phân tích của Standard Chartered cũng cho rằng, căng thẳng địa chính trị, nhu cầu đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối và bất ổn gia tăng đã thôi thúc các ngân hàng trung ương tiếp tục quan tâm tới vàng.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC không thay đổi giá vàng miếng, giữ nguyên 56,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra 57,4 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, so với vàng thế giới, giá vàng SJC niêm yết trong nước tăng cao trở lại lên đến 7,4 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Thị trường vàng trong nước giao dịch khá trầm lắng trong thời gian gần đây, cho dù nhiều thời điểm vàng giảm, do tác động của làn sóng Covid-19 thứ 4 đang diễn biến phức tạp.
Sáng nay, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.181 đồng/USD, tăng 6 đồng so với hôm qua. Còn giá USD tại một số ngân hàng thương mại tiếp tục đứng yên như ngân hàng Vietcombank vẫn mua vào 22.870 đồng/USD và bán ra 23.100 đồng/USD.