Một trong những nguyên nhân khiến vàng thế giới giảm mạnh là do tín hiệu tăng lãi suất được đưa ra bởi Chủ tịch Fed ông Jerome Powell trong phiên điều trần diễn ra ngày 2/3 (giờ Việt Nam).
Tại phiên điều trần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, ủng hộ việc tăng lãi suất 0,25% tại cuộc họp tháng 3 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC). Đây là điều thị trường đã dự đoán từ trước.
Tuy vậy, nhiều người vẫn cho rằng, cuộc khủng hoảng địa chính trị có thể làm thay đổi thời gian và mức độ tăng lãi suất dự kiến của Fed trong năm nay.
Mặc dù vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn như hiện tại, nhưng nó cũng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ. Nguyên nhân là lãi suất cao làm tăng chi phí cơ hội của việc sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng phục hồi từ mức thấp. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,9% sau khi rớt mốc 1,7% một ngày trước đó.
Còn sức khỏe USD ổn định ở mức cao khi các nhà đầu tư tỏ ra lo lắng về tác động của xung đột leo thang ở Ukraine đối với triển vọng kinh tế của khu vực đồng euro.
USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,03% xuống 97,37 điểm sáng nay.
Giới phân tích tài chính cho rằng, việc vàng đang bị áp lực bởi USD và lợi suất trái phiếu chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ và với khả năng phương Tây tham gia nhiều hơn vào cuộc khủng hoảng Ukraine, có rất nhiều động lực chính trị có thể hỗ trợ cho vàng.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới đã tăng dự trữ lên 1.042,38 tấn vào thứ Ba - mức cao nhất kể từ tháng 7/2021.
Vàng vẫn được xem là tài sản để sở hữu trong thời kỳ địa chính trị cực kỳ bất ổn trên thế giới, chỉ có một thứ đóng vai trò là kho lưu trữ giá trị cuối cùng, và đó là vàng.
Đầu tuần này, Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết, họ sẽ bắt đầu nối lại hoạt động mua vàng chính thức sau hai năm gián đoạn.
Nhưng một số nhà phân tích lại cảnh báo rằng, việc bán vàng không còn xa khi Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và đồng Ruble lao dốc.
Trước đó, Nga đã dành nhiều năm để tăng cường dự trữ vàng. Năm ngoái, giá trị vàng của Nga trong dự trữ ngoại hối của nước này đã lần đầu tiên vượt mức dự trữ USD của quốc gia này.
Vào cuối tháng 6/2020, tổng dự trữ vàng của Nga trong tổng dự trữ ngoại hối đã tăng ở lên mức 22,9%. Điều này thể hiện chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm phi USD hóa nền kinh tế Nga và bảo vệ nền kinh tế này khỏi các lệnh trừng phạt khác.
Theo dữ liệu mới nhất của IMF, tính đến cuối tháng 1/2022, Nga nắm giữ gần 2.300 tấn vàng, lớn thứ 5 thế giới.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đang bắt đầu cảm thấy bị cô lập sau khi phương Tây thực hiện các lệnh trừng phạt trừng phạt ngân hàng trung ương của Nga và loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
Trong khi đó, vàng đã tăng giá trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư tìm đến kim loại quý như một nơi trú ẩn an toàn.
Thông tin Fed dự kiến nâng lãi suất đã khiến giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn lập kỷ lục mới, tăng mạnh cả triệu đồng/lượng, hướng tới mốc 68 triệu đồng/lượng.
Mở cửa phiên sáng nay, giá vàng miếng SJC do Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 66,55-67,4 triệu đồng/lượng.
Nếu so với mức cao nhất trong hôm qua thì mỗi lượng vàng miếng SJC đã giảm 700.000 đồng ở chiều mua vào và giảm 500.000 đồng ở chiều bán ra.
Tuy hạ nhiệt nhưng mức giá trên 67 triệu đồng/lượng cũng là mức đỉnh từ trước đến nay của vàng miếng SJC trong nước. Tập đoàn Doji điều chỉnh giảm 1 triệu đồng/lượng mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng bán ra.
Quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank, mỗi lượng vàng SJC chênh lệch với thế giới vẫn hơn 13 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Chính điều này khiến thị trường vàng trong nước kém hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian dài vừa qua.
Ngày 3/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.143 VND/USD, tăng 10 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước được giữ ở mức 22.550 - 23.050 VND/USD.
Với biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.449 - 23.837 VND/USD. Tại một số ngân hàng thương mại giá mua USD vẫn đứng yên: Vietcombank niêm yết giá mua vào còn 22.670 đồng/USD - 22.700 VND/USD và giá bán ra là 22.940 VND/USD.