Thông thường, sau các đợt tăng lãi suất USD của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), giá vàng sẽ giảm, nhưng đợt tăng lãi suất lần này của Fed vàng đã có phản ứng ngược lại.
USD đã giảm so với các đồng tiền đối thủ khác, giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ xuống 103,68 điểm.
Tuy nhiên đà tăng của giá vàng bị kìm hãm bởi sự gia tăng của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ, neo gần mốc quan trọng 3%, với dữ liệu việc làm tốt hơn dự kiến làm tăng khả năng nâng lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, vàng đã không thể giữ trên mức 1.900 USD/ounce trong tuần này do thị trường có phản ứng rất thất thường trước việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng thêm 0,5% lãi suất USD ngày 4/5 vừa qua.
Fed cũng nhấn mạnh mục đích của việc tăng lãi suất là đưa lạm phát của Mỹ xuống mức 2% và khi lạm phát được kiểm soát sẽ giảm xuống mức tăng 25 điểm cơ bản.
Chủ tịch Fed ông Jerome Powell lạc quan rằng, Fed có thể đạt được mục tiêu hạ nhiệt lạm phát khi nó thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ trong năm nay mà không đẩy nền kinh tế nước này vào suy thoái.
Ông cho rằng, cùng với áp lực lạm phát từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có thể khiến nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn mà thôi.
Chủ tịch Fed Jerome Powell, thậm chí đã đẩy lùi kỳ vọng rằng, ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng Sáu.
Mặc dù Fed vẫn kỳ vọng sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ trong hai cuộc họp tới, nhưng một số nhà phân tích đang bắt đầu thấy có giới hạn đối với lập trường diều hâu của ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, trong môi trường như hiện tại, hướng đi của vàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tình hình địa chính trị và lạm phát đang bao phủ toàn cầu.
Nhiều nhà phân tích cho rằng giá vàng đang đối mặt với một số yếu tố bất lợi trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt thúc đẩy lợi suất trái phiếu và đồng USD tăng giá.
Ở chiều ngược lại, rủi ro lạm phát đình trệ đã góp phần gia tăng sức hút của kim loại quý như một kênh trú ẩn an toàn và phòng ngừa lạm phát.
Bên cạnh đó, việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng lượng vàng nắm giữ trong kho dự trữ ngoại hối, hay ngừng lại trong thời gian tới cũng có thể tác động đến giá vàng trong ngắn hạn.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được giữ nguyên khi mua vào là 69,75 triệu đồng/lượng và bán ra 70,45 triệu đồng/lượng. Nhưng so với sáng hôm qua, vàng miếng SJC đã tăng thêm 250.000 đồng/lượng.
Tiệm vàng Mi Hồng niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 69,95-70,035 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng khoảng 250.000 -300.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Quy đổi hiện nay, giá vàng trong nước vẫn duy trì cao hơn thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng tính theo tỷ giá ngân hàng (chưa thuế, phí).
Ngày 7/5, giá USD tại các ngân hàng thương mại ít thay đổi, chẳng hạn tại Vietcombank mua vào ở mức 22.780 - 22.810 đồng/USD và bán ra 23.090 đồng/USD.