Nguyên nhân đẩy giá vàng tăng do đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm.
Tình hình kinh tế có vẻ như không sáng sủa ở Hoa Kỳ khi lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ tiếp tục quay đầu giảm kể từ tuần trước (và tạo đà tăng giá cho các loại tài sản khác như vàng và Bitcoin) khi kỳ hạn 10 năm đang được giao dịch ở mức thấp 0.6704% và kỳ hạn 30 năm vẫn tiếp tục giảm xuống hơn 1.14147%.
Bộ phận phân phân tích của Ngân hàng Eximbank cho rằng, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đi xuống sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức mạnh của đồng tiền đó.
Sau các phiên điều chỉnh tăng (trong xu hướng giảm) từ tuần trước của Đồng bạc xanh (USD), đồng tiền này hiện đang được giao dịch ở vùng giá thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.
Chỉ số DXY – chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD so với rổ các ngoại tệ khác – đang ở mốc thấp nhất kể từ tháng 03/2018 là 92.63.
Theo Eximbank, xu hướng bán khống Đồng bạc xanh có thể sẽ được tiếp tục trong thời gian tới khi vừa có yếu tố ủng hộ từ lợi suất thực “thực” tiếp tục đi xuống và các yếu tố dòng tiền lớn trên thế giới. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho vàng.
Đồng thời, các nhận định đưa ra, việc các nhà đầu tư bán tháo mạnh vào tuần trước không ảnh hưởng đến xu hướng tăng dài hạn của giá vàng, thậm chí giúp đà tăng lâu dài và bền vững hơn.
Standard Chartered còn đưa ra nhận định, đà tăng của giá vàng vẫn chưa chấm dứt, do lợi suất trái phiếu Mỹ và Đồng bạc xanh giảm giá.
Vàng tăng trở lại khi tập đoàn Berkshire Hathaway bất ngờ công bố đã mua vào thêm cổ phiếu tại công ty khai thác vàng lớn thứ 2 trên thế giới có tên Barrick Gold Corp. Đây từng là công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới.
Ông Buffett đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu của Wells Fargo và JPMorgan Chase, những ngân hàng vốn là xương sống của nền kinh tế Mỹ.
Thực tế cho thấy, giá vàng ghi nhận chuỗi tăng ấn tượng kể từ đầu tháng 8/2020, vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce vào đầu tháng 8/2020 và lên mức cao nhất gần 2.010 USD/ounce.
Tuy nhiên, đà leo dốc của vàng đã có sự chững lại trong tuần trước khi giá kim loại quý mất ngưỡng 2.000 USD/ounce về mức kháng cự 1.889 USD/ounce.
Song vàng đã nhanh chóng lấy lại sức mạnh vốn có của nó khi một lần nữa vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce trong chiều ngày 18/8.
Thế nhưng, giá vàng trong nước lại diễn biến ngược chiều với vàng thế giới. Cụ thể, vàng SJC niêm yết lúc 16h chiều ngày 18/8 ở mức 56,5-58,15 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra và giảm hơn 500.000 đồng ở chiều mua vào.
Chênh lệch giữa giá mua – bán vẫn được các tiệm vàng nới rộng đến 1,65 triệu đồng/lượng.
Mặt khác, tuy giá vàng trong nước tăng, song giá thế giới vẫn nhích hơn trong nước vài trăm nghìn đồng/lượng quy đổi theo tỷ giá trong chiều ngày 18/8 ở mức 23.270 VND/USD tại Vietcombank.