Mặt hàng kim quý vàng trụ vững trên mức 1.800 USD/ounce và thậm có nhiều thời điểm lên 1.808 USD/ounce trước lo ngại lạm phát ngày càng tăng. Giá vàng giao tháng 12/2021 cũng lên gần 1.810 USD/ounce.
Trong khi đó, sức khỏe của đồng bạch xanh phục hồi từ mức thấp nhất trong một tháng khi các nhà giao dịch kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,21% lên 93,87 điểm sáng nay.
Hiện các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp tiếp theo của Fed để rõ hơn về triển vọng chính sách tiền tệ. Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell hôm 22/10 nhắc lại quan điểm của ông rằng lạm phát cao có thể sẽ giảm trong năm tới, điều này khiến giá vàng giảm từ mức cao nhất của tháng 9 xác lập trong phiên trước đó.
Ông Jerome Powell cũng cho biết Ngân hàng Trung ương Mỹ nên bắt đầu quá trình giảm hỗ trợ kinh tế bằng cách giảm việc thu mua tài sản, nhưng chưa chạm vào lãi suất.
Giới đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2022, phản ánh qua lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng ở nhiều kỳ trung, dài hạn.
Kim loại quý vàng đã tăng giá trong tháng này khi các nhà giao dịch cố gắng đánh giá xem các ngân hàng trung ương sẽ giải quyết áp lực giá cả gia tăng do tắc nghẽn chuỗi cung ứng và chi phí năng lượng cao hơn gây ra như thế nào.
Ngoài ra, còn có những rủi ro ngày càng tăng đối với triển vọng kinh tế ở Trung Quốc, nơi một đợt bùng phát biến thể Delta mới dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những ngày tới và nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn do suy thoái lĩnh vực bất động sản.
Cùng với đó là giá dầu vẫn còn đang neo ở các mốc cao, hiện đang được giao dịch ở quanh mốc 84,4 USD/thùng sau khi bình luận của Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman vẫn giữ quan điểm thận trọng trước việc sản lượng dầu tăng mạnh, ngụ ý rằng xu hướng nhu cầu trong tương lai chưa thể xác định.
Giá dầu đã tăng hơn gấp đôi trong 12 tháng qua khi kinh tế toàn cầu hồi phục từ đại dịch Covid-19. Khi lượng tiêu thụ tăng mạnh, OPEC và các đồng minh tỏ ra không muốn nới lỏng lệnh cắt giảm sản lượng đã triển khai trong năm 2020.
Hiện vàng đang được giao dịch ở quanh mốc 1.800 USD/ounce và vẫn duy trì trong biên độ giá 1.760 - 1.800 USD/ounce kể từ giữa tháng 9/2021 đến nay khi các dấu hiệu lạm phát tăng cao đã làm cho giá kim loại này không giảm xuống các mức sâu hơn.
Bởi thực tế, vàng thường được coi là hàng rào chống lại lạm phát, mặc dù việc giảm các biện pháp kích thích và tăng lãi suất đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên cao, theo đó làm tăng chi phí cơ hội cao hơn đối với tài sản không sinh lời như vàng.
Do đó, vàng vẫn được đánh giá có triển vọng trong những tháng còn lại của năm 2021 và khả năng đạt mốc 1.900 USD/ounce hoặc cao hơn theo dự báo của giới phân tích lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trước mắt dòng tiền trên thị trường tiếp tục đổ vào chứng khoán giúp các chỉ số thiết lập mức đỉnh mới. Chẳng hạn Dow Jones tăng 64,13 điểm, tương đương 0,18%, lên 35.741,15 điểm, S&P 500 tăng 21,58 điểm, tương đương 0,47%, lên 4.566,48 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.549,78 điểm thiết lập hôm 21/10; Nasdaq tăng 136,51 điểm, tương đương 0,9%, lên 15.226,71 điểm.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 57,7 triệu đồng/lượng và bán ra 58,45 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ khoảng 50.000 - 150.000 đồng/lượng (mua-bán) so với phiên hôm qua.
Vàng SJC tại doanh nghiệp Phú Quý, giá mua và giá bán cùng tăng 100.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC tại hệ thống PNJ cũng điều chỉnh tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng cho cả chiều mua vào và chiều bán ra. Tập đoàn Doji không ghi nhận thay đổi mới nào về giá vàng miếng SJC.
Nhưng quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, hiện mỗi lượng vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới hơn 8,75 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Ngày 26/10, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục giảm 7 đồng, xuống còn 23.129 VND/USD. Một số ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên giá USD như Vietcombank tiếp tục mua vào 22.625 VND/USD và bán ra 22.855 VND/USD.