Mặc dù rất khó khăn, một số doanh nghiệp ngành thủy sản vẫn giữ nguyên lực lượng công nhân. Ảnh: ST |
Doanh nghiệp gánh nặng chi phí
Báo cáo do Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe ký gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong các khoản này, kinh phí công đoàn, chiếm 2% quỹ lương của các doanh nghiệp, được VASEP đề nghị được miễn nộp trong năm 2020.
Trước đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có văn bản 295/TLĐ ngày 18/3/2020 lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo văn bản này, các doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao độn đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên được lùi thời điểm đóng phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020. Lịch này cũng có thể lùi đến 31/12/2020 nếu sau thời điểm này, dịch Covid 19 chưa thuyên giảm, doanh nghiệp còn khó khăn.
Tuy nhiên, theo khảo sát của VASEP với các doanh nghiệp hội viên, mặc dù rất khó khăn, một số doanh nghiệp vẫn giữ nguyên lực lượng công nhân và phân chia lịch làm việc cho phù hợp với điều kiện sản xuất và điều chỉnh mức lương phù hợp. Một số doanh nghiệp cho một số công nhân tạm nghỉ việc nhưng có trợ cấp lương trong thời gian nghỉ tạm thời.
Trong khi đó, doanh nghiệp đang bị gánh nhiều loại chi phí, trong khi đơn hàng ký kết mới giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng. Bên cạnh các phí thường xuyên như các loại phí theo yêu cầu của ngân hàng liên quan đến hoạt động thanh toán, doanh nghiệp bị phát sinh nhiều khoản chi phí mới do tình hình vận chuyển hàng hóa như chi phí thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, chi phí lưu container tại cảng; chi phí mua trang thiết bị y tế để phòng tránh dịch Covid-19 (khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn...).
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho biết các chi phí đầu vào tăng cao đáng kể như điện, nước, nguyên vật liệu, tiền lương công nhân…
“Các doanh nghiệp chia sẻ vẫn cố gắng giữ lại lực lượng lao động nhằm hỗ trợ cho người lao động ổn định đời sống”, ông Trương Đình Hòe viết trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Lo thiếu đơn hàng mới
Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong quý II, III/2020, một số doanh nghiệp khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều.
Đây là kết quả khảo sát doanh nghiệp về các thị trường chính của doanh nghiệp thủy sản, đó là châu Âu (Anh), Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Á.
Với các đơn hàng đã ký, tỷ lệ các đơn hàng được giao bình thường chỉ chiếm 30-50%. Tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%).
Đặc biệt, tại thị trường châu Âu, phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng, mặt hàng cá tra chịu tác động ít hơn do giá tiêu thụ rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị. Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19, khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm (food service) cũng ngừng hoạt động.
Có một số điểm sáng là từ tháng 3/2020, thị trường Trung Quốc bắt đầu có dần các đơn hàng trở lại. Các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Nga... cũng có các đơn hàng bị hoãn và hủy, nhưng không nhiều như nhóm thị trường kể trên.
Đặc biệt, việc doanh nghiệp bị hoãn, hủy và không có các đơn hàng mới cũng buộc họ tạm thời ngưng mua nguyên liệu. Thực trạng này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nguyên liệu. Đó là chưa kể tình trạng kKho lạnh của doanh nghiệp đã bị đầy vì chứa hàng tồn kho nên không chứa được nguyên liệu, nhiều đang phải chuyển thuê kho lạnh ở miền Trung để trữ nguyên liệu tôm và hỗ trợ mua tôm nguyên liệu cho người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Các doanh nghiệp cũng bắt đầu lo ngại, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất, xuất khẩu được phục hồi thì nguồn nguyên liệu hiện có cũng chỉ có thể đáp ứng được 50% - 70% nhu cầu sản xuất
"Kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch và quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra; hỗ trợ cho người nuôi để khuyến khích người nuôi tiếp tục thả giống mới trong thời gian này; sửa đổi và cải cách các quy định kiểm soát nhập khẩu hàng thủy sản cho mục đích sản xuất, xuất khẩu và gia công xuất khẩu", Vasep gửi kiến nghị.
1. Đề nghị miễn nộp kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) trong năm 2020.
2. Tạm dừng việc đóng BHXH đến cuối năm 2020, không tính lãi nộp chậm.
3. Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
4. Giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện.
5. Tạm ngưng thu phí BOT đến hết năm 2020 để giảm chi phí vận chuyển.
6. Giảm tần suất và số lượng các cuộc thanh tra - kiểm tra thường xuyên và đột xuất nhằm giảm áp lực về thời gian và nhân lực cho cácdoanh nghiệp thủy sản.
7. Có gói hỗ trợ cho vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận với gói vay lãi suất ưu đãi này. Đề nghị các ngân hàng cho gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất.
8. Đề xuất các ngân hàng giảm các loại phí khi doanh nghiệp giao dịch với Ngân hàng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được gói vay lãi suất ưu đãi.
9. Đề xuất Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích xuất khẩu cho bối cảnh 2020-2021, giảm thiểu các thủ tục hành chính.