Doanh nghiệp
VBF 2016: Kiến nghị Chính phủ xử lý nhanh các kiến nghị của doanh nghiệp
Khánh Linh - 05/12/2016 08:21
Ông Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, cho biết mới có 30% trong số khoảng 150 kiến nghị của doanh nghiệp tại VBF 2015 được xử lý. Số còn lại ở tình trạng chậm hoặc chưa được giải quyết.
Ông Vũ Tiến Lộc (bên phải) và ông Ryu Hang Ha, hai đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

Trao đổi trước thềm Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016 (VBF 2016), ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, có thể sẽ những kiến nghị không thể giải quyết ngay, nhất là các kiến nghị về cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng với 2/3 kiến nghị chưa được giải quyết hoặc chậm xử lý, tốc độ là chậm.

“Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp,. Nhiều vấn đề được đề xuất khá chi tiết, nếu được giải quyết nhanh, các doanh nghiệp có thể sẽ có thêm cơ hội phát triển, cải thiện năng lực cạnh tranh”, ông Lộc nói.

Theo nhận định của VBF, môi trường kinh doanh năm 2016 đã có những chuyển biến khá rõ nét. Kết quả là lần đầu tiên Việt Nam vượt ngưỡng hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Ngân hàng thế giới cũng tăng xếp hạng cho Môi trường kinh doanh Việt Nam tới 9 bậc so với năm trước.

“Điểm tích cực nhất có thể thấy là ít có thời điểm nào Chính phủ và các bộ ngành dành  nhiều thời gian cho công tác xây dựng thể chế, sửa đổi, ban hành pháp luật như thời gian vừa rồi. Chính phủ cũng dành nhiều thời gian lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp”, ông Lộc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, VBF vẫn cho rằng, vẫn còn khoảng cách giữa quyết tâm của Chính phủ và hành động của các cấp thực thi.

“Để giải quyết, câu trả lời vẫn là thể chế. Thể chế kinh doanh phải thực sự đơn giản về thủ tục, minh bạch về chính sách theo nguyên tắc 1+1 chắc chắn = 2, chứ không thể tùy thuộc vào người diễn giải thì các vướng mắc của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng được giải quyết”, ông Lộc khuyến nghị.

Hơn thế, đồng chủ tịch VBF Ryu Hang Ha, cũng nhấn mạnh, môi trường kinh doanh minh bạch, không có khe hở cho tham nhũng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ sở để tuân thủ các chuẩn mực về minh bạch, về quản trị... , để từ đó kết nối với các doanh nghiệp FDI trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

“Hiện tại, nhiều doanh nghiệp FDI muốn liên kết với các doanh nghiệp nội địa để giảm chi phí kinh doanh, thuận lợi hơn trong các thủ tục hành chính... Nhưng khi các doanh nghiệp Việt Nam không đủ năng lực thì không thể liên kết được, chứ chưa nói để chuyển giao công nghệ”, ông Ha chia sẻ thực tế.

“Để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước và nước ngoài kết nối được, Chính phủ cần hỗ trợ về cơ chế, chính sách, doanh nghiệp nội địa phải đạt chuẩn quốc tế và doanh nghiệp FDI thì sẽ mở rộng tiếp cận mua hàng hóa trung gian từ các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Han nói.

Theo cơ chế luân phiên, ông Ryu Hang Ha là đồng chủ tịch của Liêm minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm nay.

Về vấn đề này, ông Lộc cho biết sẽ chia sẻ các mô hình kết nối mà VCCI đang thực hiện tại VBF 2016, để kêu gọi các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

Thứ nhất là Chương trình hỗ trợ năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp giữa VCCI và Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN. Các tập đoàn của Mỹ sẽ tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự án này đang thực hiện khá hành công.

Thứ hai là sàn giao dịch về công nghiệp phụ trợ với sự giúp đỡ của UNIDO và gần đây là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đã có khoảng 600 doanh nghiệp Việt Nam với các sản phẩm chuẩn quốc tế công bố công khai trên mạng để chào hàng với các doanh nghiệp FDI.

“Chúng tôi mong muốn mở rộng hoạt động của mạng, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam chào hàng mà cả doanh nghiệp FDI gửi yêu cầu mua hàng. Tôi sẽ đề nghị VBF nhân rộng mô hình này, có thể là thực hiện chương trình tương tự giữa 14 thành viên của Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và VCCI”, ông Lộc nói.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 khai mạc sáng 5/12/2016:

Chủ đề: Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân: Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hóa của kinh tế Việt Nam.

Hai nội dung thảo luận chính:

- Tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước với đầu tư nước ngoài trong mọi lĩnh vực, ngành nghề

- Thu hút đầu tư của khu vực tư nhân theo hướng phát triển xanh và bền vững

 

Tin liên quan
Tin khác