Đầu tư và cuộc sống
Về Hội An xem đúc tượng ông Táo
Hoàng Anh - 06/02/2018 15:57
Gần đến ngày 23 tháng Chạp, người dân làng gốm Thanh Hà (thành phố Hội An, Quảng Nam) lại tất bật đúc tượng ông Táo để cung cấp cho nhiều tỉnh thành ở miền Trung.

Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình ở Việt Nam đều sửa soạn mâm lễ để cúng đưa ông Táo về trời. Tùy mỗi địa phương mà có mâm lễ khác nhau. Nhưng với người dân nhiều tỉnh thành miền Trung, ngoài xôi, chè, đường bát, vàng mã thì trong mâm lễ không thể thiếu tượng ông Táo.

Ông Nguyễn Văn Chín bên những tượng ông Táo chuẩn bị bán cho người mua.


Và nơi sản xuất những tượng ông Táo đó chỉ có duy nhất ở làng gốm Thanh Hà (thành phố Hội An), làng gốm có tuổi đời hơn 400 năm ở vùng đất xứ Quảng.

Ông Nguyễn Văn Chín, một người chuyên đúc tượng ông Táo ở làng gốm Thanh Hà cho biết, nhiều tháng trước ngày 23 tháng Chạp cơ sở của ông đã phải huy động nhân công để đúc tượng. “Mỗi năm, đến ngày 23 tháng Chạp thì cơ sở của tôi bán được hơn 40.000 tượng ông Táo cho nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi và trong địa bàn tỉnh Quảng Nam. Vì vậy phải sản xuất tượng từ nhiều tháng trước”, ông Chín kể.

Sau khi nhào nặn, đất sét sẽ được người thợ đưa vào khuôn đúc để tạo hình tượng ông Táo.


Để có tượng ông Táo đẹp, đòi hỏi người thợ làng gốm Thanh Hà phải làm rất tỷ mỉ, công phu, từ khâu chọn đất sét, nhào nặn, in và nung qua lửa. “Tượng ông Táo nhỏ như vậy thôi nhưng phải trải qua 9 công đoạn mới hoàn thành. Đây là tượng để bán cho người dân cúng đưa ông Táo về trời, nên chúng tôi làm phải thành tâm, chứ không sơ sài được”, ông Chín tâm sự.

Sản phẩm một tượng ông Táo hoàn thiện.


Theo ông Chín, nghề đúc tượng ông Táo được người xưa truyền lại cho nhiều thế hệ người dân làng gốm Thanh Hà. Ban đầu, tượng chỉ là những hình dạng mô phỏng 3 ông bà Táo, như sau này những nghệ nhân làng gốm Thanh Hà cải tiến, khắc họa hình hài 3 ông bà Táo chi tiết và sống động hơn.


Tượng ông Táo được bày bán tại một chợ ở thành phố Đà Nẵng trước ngày 23 tháng Chạp.


Dù là nghề gắn với làng gốm Thanh Hà mấy trăm năm qua, thế nhưng đúc tượng ông Táo bây giờ chỉ còn một, hai hộ dân nơi đây làm.

“Mỗi tượng ông Táo chỉ bán với giá gần 2000 đồng thôi, vì vậy ít người trong làng muốn làm. Dù vậy, nhưng tôi vẫn gắn bó với việc đúc tượng ông Táo, bởi không làm thì chẳng còn ai cung cấp tượng ông Táo để người dân cũng trong ngày 23 tháng Chạp”, ông Chín chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác