Cơ hội của người đi sau
Theo kế hoạch mà Honda vừa cam kết với UBND tỉnh Hà Nam, trong đầu năm 2014, nhà máy sản xuất xe gắn máy của Honda sẽ được vận hành, chính thức đưa tên Hà Nam vào bản đồ sản xuất của Honda.
| ||
Lợi thế phát triển của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng sẽ thay đổi theo Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội mới |
Cũng như những dự án sản xuất của Tân Hiệp Phát, Tập đoàn Xuân Thành hay Sumitomo của Nhật Bản đã đi vào sản xuất trước đó, nhà máy thứ ba của Honda đặt tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2 sẽ không khó khăn trong tuyển chọn nhân công cũng như không phải chi li quá nhiều về chi phí vận tải từ Hà Nam đến các cửa khẩu hàng không, cảng biển như vài năm trước.
Lợi thế dân số đông, cộng với sự có mặt của các trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là hệ thống đường cao tốc đang được đẩy nhanh, đường kết nối 3 tỉnh Thái Bình – Nam Định – Hà Nam đã có tên trong danh mục các dự án ưu tiên của Vùng đồng bằng sông Hồng… đang đẩy cao lợi thế cạnh tranh về lao động, chi phí sản xuất… của Hà Nam so với các tỉnh phía bắc đồng bằng sông Hồng.
Đây cũng có thể là lý do mà 44 dự án đầu tư, trong đó có 24 dự án FDI, đã chọn Hà Nam để đầu tư trong năm 2013. Nhiều trong số đó là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Với xu thế tích cực này, Hà Nam hoàn toàn có cơ sở khi đặt mục tiêu hoàn thành mục tiêu thu ngân sách 2.750 tỷ đồng năm 2013. “Năm 2012, thu ngân sách của Hà Nam đã đạt 2.313 tỷ đồng, tăng khá cao so với 1.900 tỷ đồng của năm 2011 và 1.100 tỷ đồng của năm 2010 ”, ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam trao đổi với phóng viên báo Đầu tư khi được hỏi về sự nổi lên của Hà Nam trong thu hút đầu tư.
Thực ra, với vị trí nằm trong vùng kinh tế năng động trong phát triển kinh tế, với đất đai trù phú, mật độ dân số cao, là đầu mối giao thương của cảng biển, đường sắt, đường hàng không, đáng lẽ, Hà Nam không khó để trở thành một địa điểm thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Hà Nam cũng như một số tỉnh nằm ở phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng (cùng với Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình) gần như bị che khuất bởi các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh hay những ngôi sao mới trong thu hút đầu tư nhờ vị trí vệ tinh với các trung tâm kinh tế là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Tình thế đã thay đổi khi Hà Nam khi Hà Nam đưa ra 10 cam kết với nhà đầu tư theo hướng cải cách thủ tục hành chính, thành lập các trung tâm xúc tiến, hỗ trợ nhà đầu tư, giao đất sạch… “Chúng tôi đang tranh thủ sự cải thiện về hạ tầng để có chính sách tốt, đón các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà sản xuất đang có kế hoạch chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc”, ông Dũng cho biết.
Bài toán lợi thế mới
Bắc Ninh là một trong những ngôi sao sáng của Vùng đồng bằng sông Hồng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn FDI, trong khoảng 10 năm trở lại đây. Với hàng loạt các dự án của Canon, Samsung, Foxconn, Bắc Ninh đã hình thành cụm ngành điện tử, chuyên sản xuất các thiết bị điện tử, điện thoại di động.
Hơn thế, với lợi thế đi sau, có nhiều điều kiện cả khách quan và chủ quan trong tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn, trong nhiều năm, Bắc Ninh bị coi là đối thủ đáng gờm của Hà Nôi, Hải Phòng, Quảng Ninh, đầu tầu phát triển của cả Vùng, những địa bàn đầu tư được cho là tới hạn khá nhiều về diện tích đất đai, chi phí lao đông cao…, không phù hợp với các dự án thâm dụng lao động, đất đai…
Tuy nhiên, “ngôi sao” Bắc Ninh đang bấp bênh khi hàng loạt dự án lớn, nhất là Samsung đã chọn Thái Nguyên cho nhà máy thứ 2 của mình. Địa phương hàng xóm Bắc Giang, tuy không thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, song cũng đang là điểm hấp dẫn mới nổi cả các dự án đầu tư mới.
Ngay tại Vùng đồng bằng sông Hồng, ông Nguyễn Phương Bắc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Phương Bắc thẳng thắn, với hệ thống hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực được quy hoạch và thực hiện, nhiều tỉnh, thành phố đang xuất hiện lợi thế so sánh mới, trong đó Hà Nam là một ví dụ. “Điều này đồng thời đặt ra cho các tỉnh vốn có lợi thế về vị trí địa lý như Bắc Ninh nhận ra những hướng bất lợi mới để tìm ra lợi thế mới trên con đường phát triển của mình”, ông Bắc phân tích.
Cụ thể, Bắc Ninh thuộc tiểu vùng bắc đồng bằng sông Hồng, với yêu cầu phát triển các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp. “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh của vừa được phê duyệt dựa trên những định hướng mới, Bắc Ninh sẽ phát triển gắn với các tập đoàn lớn, các trung tâm nghiên cứu triển khai, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị”, ông Bắc nói và nhận mạnh kế hoạch phát triển cụm liên kết ngành điện tử.
Nỗi lo liên kết
Cụm liên ngành điện tử mà Bắc Ninh định hướng sẽ đeo đuổi trong vai “tọa độ tăng trưởng vùng” đang được Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Vùng xác định trải từ Hà Nội – Bắc Ninh – Thái Nguyên. Điểm thuận lợi của các địa bàn này là gần Sân bay quốc tế Nội Bài, gần biên giới Trung Quốc, nơi cung ứng nguyên phụ liệu chính cho ngành.
Thậm chí, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương còn phân tích, việc các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực này đang có xu hướng chuyển dịch cứ điểm sản xuất từ Trung Quốc sang các nước tham gia TPP, mà Vùng đồng bằng sông Hồng có cơ hội cao nhất cả về địa điểm và cơ cấu ngành nghề, đang mở ra cơ hội phát triển lớn cho cụm liên ngành điện tử và cơ khí.
“Tuy nhiên, việc đón nhận cơ hội không dễ dàng. Nhìn vào trường hợp cua Canon, khi mở gói thầu về dịch vụ logistic, không doanh nghiệp Việt Nam nào đủ điều kiện là vừa làm vận tải nội địa, vừa làm vận tải biển để chào giá cạnh tranh nhất. Trường hợp của Samsung cũng tương tự khi doanh nghiệp này nhập linh kiện từ Quảng Châu về Bắc Ninh lắp ráp nhưng toàn bộ dịch vụ logistic lại do doanh nghiệp Trung Quốc đảm nhận”, bà Tuệ Anh thông tin.
Như vậy, bài toán mới mà Quy hoạch tổng thể đã đặt cho Bắc Ninh và các địa phương, mà hầu hết các lãnh đạo địa phương đều nhắc tới, đó là sân chơi không thể chơi một mình. “Ngoài chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào cụm điện tử trên tất cả các lĩnh vực, cung cấp đầu vào, các sản phẩm phụ trợ, dịch vụ logistic…, cần tạo ra định hướng chính sách mới trong cơ sở liên kết các tỉnh trong vùng”, bà Tuệ Anh nói.
Trong mối liên kết này, Hà Nội sẽ tập trung phát triển những ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Quảng Ninh xây dựng ba cụm liên kết gồm khai khoáng, du lịch và dịch vụ cảng biển trong liên kết chặt chẽ với Hải Phòng, địa phương có lợi thế tuyệt dối về dịch vụ cảng và vận tải biển… Hưng Yên, Hải Dương phát triển các dịch vụ mũi nhọn gồm dịch vụ vận chuyển – kho bãi – logistic dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng, khoa học – công nghệ…
Tuyết Ánh