Họa sĩ Thành Chương (bên phải) thưởng thức trà sen với bạn hiền tại Việt Phủ Thành Chương Ảnh: Hồ Hạ |
Trải nghiệm dòng chảy văn hóa Việt
Cuối đông, gió lạnh nhàn nhạt, nắng dịu dàng vương những tia ấm áp xuyên qua tán bàng rực đỏ khiến không gian Việt Phủ Thành Chương càng trở nên quyến rũ, thôi thúc bao con tim tìm về để trân quý, nâng niu, ghi khắc và tự hào với những di sản văn hóa ngàn năm của dân tộc.
Nằm nép mình bên dốc Dây Diều (xã Hiền Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội), Việt Phủ Thành Chương ẩn mình giữa màu xanh cây lá, tao nhã, tĩnh mịch và bình yên, lắng đọng. Bước qua cánh cổng gỗ đỏ phủ màu thời gian, dưới vòm cây chim hót, du khách sẽ được trải nghiệm dòng chảy văn hóa, lịch sử ngàn năm khi đối thoại với cổ vật, hay tương tác và “sống cùng” những công trình kiến trúc đặc trưng.
Nhưng hơn hết, Việt Phủ Thành Chương luôn khiến người thưởng lãm phải thốt lên lời cảm thán, kinh ngạc bởi số lượng, sự đa dạng, độ cổ xưa, sự tinh tế, đặc biệt là nghệ thuật sắp đặt các sản phẩm thật sống động. Nhà thơ Hàn Quốc Ko Un, ứng cử viên Giải Nobel đã thốt lên sau hành trình khám phá “mảnh đất hình chữ S”: “Có hai thứ ở Việt Nam tôi phải cúi đầu thán phục. Thứ nhất là của thiên nhiên tạo ra: Vịnh Hạ Long. Thứ hai là của con người làm ra: Việt Phủ Thành Chương”.
Thực sự, không thể tưởng tượng nổi bằng sự nhẫn nại nào và bằng công sức cùng tiền của nào mà họa sĩ Thành Chương đã phát hiện và thu gom về đây là một khối lượng ghê gớm những tài sản văn hóa như thế! Rất nhiều di vật ở nơi này được sưu tầm từ các địa phương trong cả nước, hoặc bắt nguồn từ nhiều nhóm dân tộc thiểu số của một đất nước được biết bao gồm 54 dân tộc, trong đó có những ngôi nhà làm từ gỗ hay chiếc cầu đá 500 năm tuổi.
Chia sẻ về động lực của sức mạnh và niềm tin kỳ diệu để biến cả một vùng đồi sỏi đá thành nơi đầy ắp sức sống văn hóa Việt, họa sĩ Thành Chương nâng chén trà sen tỏa hương thanh ngát trong tay, giọng ấm nồng: “Đó chỉ có thể là tình yêu sâu nặng với văn hóa Việt. Tôi sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật. Cha tôi, nhà văn Kim Lân là nhà văn của làng và quê tôi cũng là ‘cái rốn’ của văn hóa đồng bằng Bắc bộ. Tôi đã được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường thấm đẫm nét văn hóa làng quê. Từ thích thú, đến say mê, tình yêu ấy theo năm tháng cứ lớn dần lên trong tôi”.
Cứ như thế, trong suốt nửa thế kỷ qua, người họa sĩ sinh năm 1949 cần mẫn sưu tầm, nhặt nhạnh, gom góp các hiện vật liên quan đến văn hóa nghệ thuật truyền thống của cha ông ta để tạo dựng nên một Việt Phủ Thành Chương “độc nhất vô nhị”, quý giá vô ngần như bây giờ.
Trả cổ vật về với đời sống của chính nó
Bản chất văn hóa là dân gian, là sự giản dị, mộc mạc, hồn nhiên, trong sáng. Điều đó luôn là tình cảm mạnh mẽ nhất, là gốc rễ sâu sắc nhất của người Việt. Bởi thế, 20 năm trước, họa sĩ Thành Chương đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định sáng tạo một không gian sống cho cổ vật. Ông đã sắp đặt hàng ngàn cổ vật cùng các công trình kiến trúc đặc trưng Việt Nam với tình yêu sâu nặng dành cho văn hóa dân tộc.
Từ con đường bình dị đến thửa ruộng kế bên Việt Phủ cho đến chiếc cổng, rồi những ngôi nhà, những cái cây, hồ sen, nhà thủy đình, những vật dụng, những tượng phật… đã làm nên vương quốc này một cách chính xác như lịch sử đời sống và văn hóa của người Việt. Đấy là cách ông làm cho mọi cổ vật có từ hàng trăm năm, đến hàng ngàn năm trước như được thức dậy, phả ra những hơi thở tươi non và nồng ấm của cuộc sống.
Tới Việt Phủ Thành Chương, nếu có duyên, bạn sẽ bắt gặp họa sĩ Thành Chương thưởng thức trà sen cùng bạn hiền, say sưa thưởng lãm nghệ thuật, miệt mài, điềm nhiên, lặng lẽ ngồi vẽ trong thế giới riêng của chính mình. Và cách đó không xa, bà Ngô Hương, vợ ông, một người phụ nữ xinh đẹp đang điều phối công việc, hỏi thăm du khách với nụ cười rạng ngời.
Bên trong mỗi phòng trưng bày, du khách sẽ tìm thấy những bộ sưu tập tranh, gốm, tượng, đồ cổ và cả những tác phẩm của chính họa sĩ Thành Chương. Những bức tranh đủ kích thước, chứa đựng một tinh thần dân gian sâu nặng, từ chủ đề, nội dung cho đến cách dùng màu sắc. Chất dân gian đậm đặc nhuốm màu đồng dao, nhuốm màu sinh hoạt đồng quê, nhuốm màu sắc lễ hội, hân hoan phơi phới. Thế mới hiểu vì sao tranh của họa sĩ Thành Chương tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Nhìn lên bức tranh tự họa trên tường, họa sĩ Thành Chương nói: “Gam màu chủ đạo trong những bức tranh sắp tới của tôi sẽ là màu trắng. Một màu trắng sang trọng, trong lành, tao nhã và siêu thoát. Nhưng thẳm sâu trong nó ẩn chứa sự rực rỡ và lộng lẫy của bảy sắc cầu vồng…”.
“Sau gần 10 năm gây dựng, năm 2009, Việt Phủ Thành Chương mới “thận trọng” mở cửa đón công chúng vào thưởng lãm. “20 năm đồng hành cùng Việt Phủ, đến nay cũng là hai thập niên ‘đủ mùi ca ngâm’, nhưng tình yêu và khát vọng còn mạnh hơn những trở ngại đó. Tôi ‘sinh thành’ ra Việt Phủ, nhưng người có công ‘dưỡng dục’ để Việt Phủ tồn tại, phát triển và có những hướng đi đúng là nhờ Ngô Hương - vợ tôi”, ông từng thổ lộ với giới báo chí như vậy.
Phải chăng, sự hòa quyện giữa hai con người yêu tâm hồn Việt đã vun đắp lên sức sống của qua thời gian, và biến nơi đây thành địa chỉ đỏ của văn hóa Việt..