Sức khỏe doanh nghiệp
VEAM và triển vọng phục hồi tăng trưởng lợi nhuận
Khắc Lâm - 25/02/2022 09:23
Sau 2 năm liên tiếp sụt giảm, lợi nhuận của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong năm 2022 nhờ điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn.

Sau khi sụt giảm mạnh do chịu ảnh hưởng bởi các giai đoạn giãn cách xã hội trong quý III/2021, kết quả kinh doanh của VEAM và các liên doanh đã phục hồi mạnh trong quý IV.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty cho biết, trong quý IV/2021, doanh thu thuần đạt 1.181,6 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020, không còn tình trạng giá vốn vượt doanh thu, lợi nhuận gộp thu về 223,3 tỷ đồng. Cùng với việc các công ty liên kết (chủ yếu là Ford, Honda, Toyota Việt Nam) đem về 1.708,7 tỷ đồng lợi nhuận, VEAM đạt 1.920,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý này, lợi nhuận sau thuế đạt 1.888,3 tỷ đồng, tăng 8,47% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế cả năm 2021, VEAM đạt 4.018,7 tỷ đồng doanh thu thuần và 5.794,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Dù tăng 9,6% về doanh thu và 3,57% về lợi nhuận so với thực hiện cả năm 2020, nhưng Tổng công ty vẫn chưa thể hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 5.930 tỷ đồng cả năm đã đề ra. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở giai đoạn đầy khó khăn của quý III/2021 khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 52% so với cùng kỳ năm 2020.

VEAM hiện là doanh nghiệp mà Bộ Công thương có tỷ lệ sở hữu 88,47% vốn điều lệ. Mặc dù hiệu quả các hoạt động kinh doanh chính những năm qua, như xe tải, phụ tùng xe máy và sản xuất động cơ nông nghiệp không mấy khả quan, nhưng việc các liên doanh, liên kết như Honda Việt Nam (VEAM sở hữu 30%), Ford Việt Nam (VEAM sở hữu 25%) và Toyota Việt Nam (VEAM sở hữu 20%) hoạt động hiệu quả đã đem về cho Tổng công ty hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm và bù đắp cho các mảng kinh doanh chính.

Sau 2 năm 2020-2021 kết quả kinh doanh sụt giảm do môi trường kinh doanh nhiều khó khăn, bước sang năm 2022, triển vọng phục hồi tăng trưởng lợi nhuận của VEAM được đánh giá khả quan với nhiều động lực hỗ trợ đến từ việc tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin trong nước đạt mức cao giúp chiến lược “chung sống với dịch bệnh” tiếp tục được thực hiện, giảm bớt tác động tiêu cực từ việc giãn cách xã hội nghiêm trọng như 2 năm vừa qua.

Bên cạnh đó, ngành ô tô trong nước còn được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong vòng 6 tháng từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022 (theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ). Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu và thực tế tiêu thụ ô tô đã tăng nhanh sau khi chính sách này có hiệu lực.

Trong báo cáo triển vọng ngành ô tô năm 2022, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) dẫn số liệu ước tính của Hiệp hội Linh kiện điện tử thế giới (ECIA) cho biết, thời gian hoàn thành một đơn đặt hàng linh kiện chip ô tô ở thời điểm tháng 12/2021 đã kéo dài tới 5 tháng (gần 22 tuần), gấp đôi thời gian đặt hàng bình thường trước dịch, khiến nhiều hãng xe phải cắt giảm 5-10% sản lượng hoặc tạm hoãn ra mắt các mẫu xe mới. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip trên toàn cầu này sẽ tác động tích cực tới các liên doanh ô tô của VEAM nói chung và các nhà sản xuất phân phối khác, khi giảm áp lực cạnh tranh và đạt lợi nhuận cao hơn trên mỗi xe.

Về dài hạn, các liên doanh của VEAM được kỳ vọng hưởng lợi từ việc VinFast - thương hiệu đang chiếm gần 11% thị phần ô tô trong nước, đã công bố sẽ dừng dần hoạt động sản xuất xe xăng đến cuối năm 2022 để tập trung vào xe điện. Điều này được SSI Research đánh giá có thể giúp giảm bớt đáng kể áp lực cạnh tranh giảm giá đối với các hãng xe khác và tạo nhiều cơ hội cho các hãng xe khác phát triển giành thị phần.

Tin liên quan
Tin khác