Việc di chuyển 2 cẩu có ảnh hưởng đến tiến độ thi công trụ cầu Bình Khánh, nhưng chủ đầu tư VEC và Nhà thầu thi công đều có chung nhận thức gánh vác và chia sẻ trách nhiệm với ngành GTVT. |
Sáng 23/3, với tinh thần sẵn sàng gánh vác và sẻ chia khó khăn, nhanh chóng giải quyết ùn tắc giao thông thủy trên sông Đồng Nai và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội cũng như theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa điều động khẩn cấp 2 cẩu nổi công suất lớn đang thi công cầu Bình Khánh – Gói thầu J1 Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả vụ tai nạn khiến cầu Ghềnh bị sập.
Cụ thể, chiếc sà lan thứ nhất có tải trọng 3.800 tấn đã di chuyển từ công trường cầu Bình Khánh (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) qua cảng Lotus để vận chuyển cẩu nổi công suất 500 tấn (lớn nhất tại Việt Nam hiện nay). Sà lan thứ hai 1.600 tấn đã có sẵn cẩu nổi công suất 150 tấn cùng lên đường đến cầu Ghềnh để kịp thời hỗ trợ khẩn cấp việc sửa chữa cây cầu này.
Mặc dù việc di chuyển 2 cẩu có ảnh hưởng đến tiến độ thi công trụ cầu Bình Khánh, nhưng chủ đầu tư VEC và Nhà thầu thi công đều có chung nhận thức gánh vác và chia sẻ trách nhiệm với ngành GTVT.
Trước đó, vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 20/3/2016, một xà lan chở cát cỡ lớn lưu thông trên sông Đồng Nai đã đâm thẳng vào trụ T2 cầu Ghềnh trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, làm sập hoàn toàn trụ T2, nhịp số 03 bị rơi xuống sông, nhịp số 02 còn một đầu kê lên trụ T1.
Việc cầu Ghềnh bị sập gây tắc hoàn toàn tuyến vận tải đường sắt Bắc – Nam đoạn từ ga Biên Hòa đến ga Sóng Thần và tuyến đường thủy nội địa trên sông Đồng Nai. Đây là sự cố cực kỳ nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến việc đảm bảo giao thông đường sắt, đường thủy, gây tổn thất nghiêm trọng về tài sản nhà nước.
Cầu Ghềnh có lý trình Km1699+860 thuộc tuyến đường sắt Bắc – Nam, bắc qua sông Đồng Nai. Cầu do Pháp xây dựng vào năm 1900-1902, toàn cầu dài 224,21m, gồm 4 nhịp 55,3m, bao gồm 2 mố và 3 trụ đặt trên móng giếng chìm có thân bằng bê tông và đá xây.
Hiện tại, cầu bị hư hỏng hoàn toàn 2 nhịp do tác động của xà lan 1000 tấn va vào làm đổ trụ đỡ và làm rơi 2 nhịp này xuống sông (mỗi nhịp trọng lượng khoảng 200 tấn); các nhịp và mố trụ còn lại có khả năng bị ảnh hưởng do chấn động. Việc khôi phục cầu trở lại như nguyên trạng là không thể thực hiện được.
Vào thời điểm này, Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức trục vớt 2 dầm cầu bị rơi xuống sống vào bờ bằng tàu kéo, tháo dỡ 2 dầm vẫn còn nằm trên trụ, thanh thải phá dỡ tất cả các trụ.
Thời điểm tổ chức phân luồng tàu đảm bảo giao thông thủy bắt đầu thực hiện từ ngày 22/3/2016; dự kiến công tác thanh thải lòng sông và tháo dỡ cầu cũ được thực hiện trong 10 ngày tính từ ngày 22/3/2016.