Nhân dịp tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đón phương tiện thứ 30 triệu, VEC tổ chức các hoạt động tri ân khách hàng đã luôn ủng hộ, luôn đồng hành và gắn bó với tuyến cao tốc hiện đại nhất – văn minh nhất – sạch đẹp nhất của cả nước. |
Ngày mai - 10/3, VEC sẽ tổ chức lễ đón xe ô tô thứ 30 triệu qua lại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Được biết, kể từ khi thông xe kỹ thuật 20km đầu tiên (ngày 2/1/2014), tính đến ngày 10/3/2017 tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây phục vụ an toàn 30 triệu lượt phương tiện, với lưu lượng trung bình thời điểm hiện tại 37.000 - 40.000 lượt phương tiện/ngày đêm, đặc biệt cao điểm dịp Tết Đinh Dậu vừa qua có ngày tuyến phục vụ tới 65.000 lượt phương tiện. Các phương tiện lưu thông trên tuyến đảm bảo an toàn, thông suốt và thuận lợi.
Trong năm 2016, đã có gần 13,5 triệu lượt phương tiện lưu thông an toàn trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tăng 38% về lưu lượng so với năm 2015. Cũng trong 2 tháng đầu năm 2017, tuyến cao tốc này đã đón khoảng 2,6 triệu lượt phương tiện thông qua, đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 24% so với cùng kỳ năm trước.
Nhân dịp tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đón phương tiện thứ 30 triệu, VEC tổ chức các hoạt động tri ân khách hàng đã luôn ủng hộ, luôn đồng hành và gắn bó với tuyến cao tốc hiện đại nhất – văn minh nhất – sạch đẹp nhất của cả nước.
Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực phía Nam do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý. Dự án khởi công ngày 03/10/2009, thông xe toàn tuyến ngày 08/02/2015; có tổng chiều dài 55km, đi qua thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.
Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là tuyến giao thông huyết mạch thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – một trong những khu vực phát triển năng động nhất và đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế quốc dân. Đây cũng là công trình giao thông rất có ý nghĩa và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Sau khi đưa vào khai thác, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã giúp rút ngắn một nửa khoảng cách cũng như thời gian từ TP. Hồ Chí Minh đi các vùng lân cận. Đặc biệt, lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, các phương tiện tiết giảm 30% chi phí vận tải so với đi theo lộ trình Xa lộ Hà Nội – Quốc lộ 51, làm lợi cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế-xã hội. Đối với các đơn vị có tần suất chạy xe cao thì vận tải theo lộ trình cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây còn phát huy hiệu quả lớn hơn nhiều khi 90% chủ phương tiện được hỏi đánh giá mức cước phí ở mức chấp nhận được.
Đặc biệt, chỉ sau hơn 1 năm cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đưa vào khai thác, tỷ lệ hộ nghèo tại phường Long Phước (quận 9, TP.HCM) đã giảm từ 6,4% xuống 3,1%, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông tại địa phương với việc hình thành hệ thống các đường gom dân sinh, các đường liên thôn, liên ấp… Bên cạnh đó, tuyến cao tốc còn có tác động thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản khu vực quận 9, quận 2 (TP.HCM), Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) với nhiều dự án mới quy mô, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương dọc hai bên tuyến cao tốc.
Theo kế hoạch, VEC sẽ triển khai đầu tư tuyến nối giữa cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với cao tốc Bến Lức – Long Thành. Khi đó, hiệu quả lan tỏa của các tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đối các tỉnh, thành phía Nam nói riêng và cả nước nói chung sẽ còn vượt trội nhiều lần.
Cũng trong sáng ngày 10/3/2017, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) dự kiến sẽ đưa Trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) vào vận hành, khai thác.