Thời sự
VEPR: Hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại, kinh tế Việt Nam 2019 sẽ tăng trưởng vượt mục tiêu
Kỳ Thành - 10/01/2019 13:48
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) cho rằng, những mục tiêu cho năm 2019 mà Quốc hội đã thông qua (tăng trưởng GDP 6,6-6,8%) là có thể đạt được, thậm chí hoàn toàn có thể vượt qua với mức dự báo là 6,9%.

Sáng 10/1, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tọa đàm công bố Báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô quy IV và cả năm 2018.

Về bối cảnh chung, VEPR đánh giá, năm 2018 chứng kiến sự phục hồi thiếu đồng đều lẫn chắc chắn của kinh tế thế giới. Trong khi Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng tốt, các nền kinh tế phát triển khác và các quốc gia mới nổi đều có những vấn đề của riêng mình. Bên cạnh sự phân hóa tăng trưởng giữa các nước, tiến trình “bình thường hóa” chính sách tiền tệ ở Mỹ và châu Âu cũng là sự kiện đáng chú ý khác của năm 2018. Cuối cùng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được kích hoạt, đã thay đổi hoàn toàn bức tranh của nền kinh tế toàn cầu.

Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 đã tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Quốc hội đề ra, VEPR cho rằng, tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,08%, mức cao nhất sau khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm. Chỉ số PMI những tháng gần đây đạt mức cao, dẫn đầu ASEAN. Trong khi đó, xuất siêu lớn của khu vực FDI tiếp tục cho thấy vai trò đầu tàu thương mại của khu vực này.

Theo VEPR, trong năm 2018, Chính phủ và các bộ ngành đã thể hiện quyết tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Hàng nghìn điều kiện đã được dỡ bỏ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia của VEPR lưu ý, số điều kiện kinh doanh cần tiếp tục dỡ bỏ còn rất lớn. “Nếu như lao động giá rẻ cộng với các chính sách ưu đãi về đất đai và thuế là chìa khóa để thu hút doanh nghiệp FDI, thì gỡ bỏ các rào cản, cải cách thể chế chính là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy khởi nghiệp và sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp trong nước”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận xét.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn, VEPR cho rằng kinh tế sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa DNNN. Hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc nếu các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EU chính thức được thông qua.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt Việt Nam trước một cơ hội lớn hiếm hoi trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất. Tuy nhiên, để cơ hội trở thành hiện thực đòi hỏi rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước.

Dự báo tăng trưởng và lạm phát năm 2019 của VEPR:

 

Tăng trưởng kinh tế

Lạm phát

Quý I

6,61

3,25

Quý II

6,72

3,72

Quý III

7,01

3,10

Quý IV

7,12

4,28

Cả năm

6,9

 

Nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng, những mục tiêu cho năm 2019 là có thể đạt được. Thậm chí, chỉ tiêu về tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể vượt qua trong bối cảnh Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát vẫn cần phải được theo dõi chặt chẽ khi giá cả trên thị trường hàng hóa thế giới trồi trụt thất thường.

VEPR khuyến nghị, trong năm 2019, Việt Nam một mặt nên tiếp tục tiến trình cải thiện điều kiện thể chế - kinh tế trong nước, cải cách tài khóa và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN, mặt khác nên tập trung chuẩn bị các điều kiện về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để sẵn sàng đối mặt với những bất ổn từ kinh tế thế giới, thông qua 4 giải pháp chính.

Một là, điều hành tỷ giá một cách linh hoạt theo hướng thích ứng các cú sốc từ bên ngoài. Thứ hai, hạ thấp đòn bẩy, điều tiết và giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao sức khỏe của hệ thống tài chính.

Thứ ba, thận trọng hơn với tăng trưởng cung tiền, khống chế trong khoảng 12%/năm. Cuối cùng là từng bước xây dựng đệm tài khóa thông qua việc thu gọn, tinh giản và sắp xếp lại bộ máy chính quyền để giảm chi thường xuyên.

Tin liên quan
Tin khác