Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai sót trong hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn qua 3 tỉnh Tây Nam Bộ. |
Sai khối lượng
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 552/TB - KTNN thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn tại Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là TP. Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Đây là kết quả được Kiểm toán Nhà nước đưa ra sau 55 ngày triển khai tại 2 dự án với phạm vi kiểm toán được xác định là từ khi triển khai đến ngày 30/6/2022 và các thời kỳ trước, sau có liên quan. Tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc (cuối tháng 6/2022), cả 2 dự án đều đã trải qua thời gian thi công trên thực địa khoảng 6 tháng.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau và Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng do Ban Quản lý dự án 7, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025, có mục tiêu nâng cấp những đoạn Quốc lộ 1 cuối tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp II đến III đồng bằng.
Kiến nghị xử lý tài chính tại 2 dự án
Xử lý tài chính 16,3 tỷ đồng. Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Cà Mau 7,2 tỷ đồng; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn từ thị xã Ngã Bảy đến huyện Châu Thành 9,01 tỷ đồng.
Kiến nghị xử lý khác trên 3,72 tỷ đồng. Đàm phán, thương thảo với nhà thầu thi công để giảm giá trị hợp đồng do giá trị dự toán gói thầu sau khi điều chỉnh theo kết quả kiểm toán thấp hơn giá trị hợp đồng (Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Cà Mau là 2,31 tỷ đồng; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn từ thị xã Ngã Bảy đến huyện Châu Thành là 1,418 tỷ đồng). Trường hợp nếu không thương thảo được thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo đúng quy định.
Cụ thể, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn từ thị xã Ngã Bảy đến huyện Châu Thành có tổng mức đầu tư trên 1.681,7 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng hơn 966,2 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 19,8 km (phía tỉnh Hậu Giang dài 8,9 km, phía tỉnh Sóc Trăng dài 10,9 km); quy mô xây dựng đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h; bề rộng nền đường 20 m, gồm 4 làn xe chạy; mở rộng và đầu tư mới 5 cầu trên toàn tuyến phù hợp với khổ đường. Thời gian thi công dự kiến trong vòng 1 năm, hoàn thành vào tháng 12/2022.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Cà Mau có tổng mức đầu tư là 1.725,8 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 1.205,2 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài tuyến là 14,3 km, quy mô xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế đạt 80 km/giờ, bề rộng nền đường 12 m, gồm 2 làn xe chạy, đầu tư 10 cầu mới trên toàn tuyến. Thời gian thi công dự kiến trong vòng 1 năm, hoàn thành vào tháng 12/2022.
Mặc dù là một trong những ban quản lý dự án chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong công tác quản lý điều hành dự án của Bộ GTVT, tuy nhiên, tại 2 dự án không lớn về quy mô, không phức tạp về kỹ thuật nói trên, nhưng Ban Quản lý dự án 7 lại để xảy ra khá nhiều sai sót không đáng có.
Sai sót đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại cả 2 dự án bắt đầu ngay từ khâu lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.
Tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Cà Mau, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, tổng mức đầu tư bị tính sai 6,215 tỷ đồng (do áp sai nhiên liệu trong ca máy 4,532 tỷ đồng; sai đơn giá cốt thép, cọc cừ tràm, đá dăm đệm số tiền 1,683 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn từ thị xã Ngã Bảy đến huyện Châu Thành cũng bị tính sai 6,368 tỷ đồng (sai giá cát vàng, nhựa đường 2,929 tỷ đồng; lựa chọn giải pháp tưới nhựa dính bám chưa tiết kiệm so với giải pháp dùng nhũ tương giá trị 3,439 tỷ đồng).
Đối với công tác khảo sát, thiết kế, lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán các gói thầu, Ban Quản lý dự án 7 cũng để xảy ra sai sót khá hy hữu tại hạng mục thí nghiệm kiểm tra sức chịu tải của cọc khoan nhồi (D1200, D1500) của Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Cà Mau.
Theo Kiểm toán Nhà nước, tại Điều 12.6.3, Tiêu chuẩn Quốc gia 9395-2012 có quy định: “Phương pháp kiểm tra sức chịu tải của cọc đơn chủ yếu là thử tĩnh (nén tĩnh, nhổ tĩnh, nén ngang theo tiêu chuẩn hiện hành. Đối với các cọc không thể thử tĩnh được (cọc trên sông, biển...) thì dùng phương pháp thí nghiệm động biến dạng lớn (PDA)”.
Trong phương án thí nghiệm tại hồ sơ thiết kế trình thẩm định, đơn vị tư vấn thiết kế đã đề xuất phương pháp thí nghiệm nén tĩnh, tuy nhiên chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án 7 lại yêu cầu thay hạng mục nén tĩnh bằng thí nghiệm PDA với lý do “tham khảo một số công trình đã duyệt như cầu Tân An - Dự án tuyến tránh TP. Tân An và các cầu có quy mô tương tự trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết”, mà không phải là lý do như Tiêu chuẩn Quốc gia 9395-2012 quy định “không thể thử tĩnh được”.
Điều đáng nói là, đơn vị thiết kế với tư cách nhà thầu tư vấn lại không bảo lưu ý kiến, cũng như không khuyến cáo chủ đầu tư về việc không tuân thủ này.
Quan ngại tiến độ
Một hạn chế khác được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận tại Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Cà Mau và Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn từ thị xã Ngã Bảy đến huyện Châu Thành liên quan tới công tác lựa chọn nhà thầu, đàm phán, ký kết hợp đồng và quản lý thực hiện hợp đồng.
Cụ thể, công tác lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu xây lắp còn hạn chế, qua đấu thầu các gói thầu ở cả hai dự án đều có tỷ lệ giảm thầu thấp. Tại Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Cà Mau, tỷ lệ giảm thầu chỉ từ 0,21% đến 0,31% giá trị gói thầu; tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn từ thị xã Ngã Bảy đến huyện Châu Thành, tỷ lệ giảm thầu dao động từ 0,1% đến 0,68% giá trị gói thầu.
Tại Thông báo số 552, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu chủ đầu tư tổ chức thương thảo với các nhà thầu để giảm giá trị hợp đồng đối với các gói thầu có giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu tính lại (cả 2 dự án).
Tại Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Cà Mau, Kiểm toán Nhà nước phát hiện hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp yêu cầu về nguồn lực tài chính thấp hơn so với quy định tại mục 2.1 chương III, phần 1, Thông tư số 03/2015/TT BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp là 30% giá gói thầu (Gói XL 01 yêu cầu thấp hơn so với quy định là 129 tỷ đồng; Gói XL 02 yêu cầu thấp hơn so với quy định là 145 tỷ đồng; Gói XL 03 yêu cầu thấp hơn so với quy định là 129 tỷ đồng).
Mặc dù không quá phức tạp về kỹ thuật, nhưng tiến độ thi công các gói thầu xây lắp ở cả hai dự án đều chậm so với kế hoạch.
Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 30/6/2022, tại Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Cà Mau, khối lượng đã thực hiện và được nghiệm thu so với kế hoạch của Gói thầu XL 01 đạt 63,46%; Gói thầu XL 02 đạt 85,77%; Gói thầu XL 03 đạt 75,24%.
Ban Quản lý dự án 7 cho biết, việc chậm tiến độ chủ yếu do các nguyên nhân bàn giao mặt bằng chậm, tình hình khan hiếm vật liệu tại địa phương, nhà thầu chưa huy động đầy đủ và kịp thời thiết bị và nhân lực thi công.
Tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn từ thị xã Ngã Bảy đến huyện Châu Thành, tình hình thi công thậm chí còn kém hơn khi đến ngày 30/6/2022, khối lượng đã thực hiện và được nghiệm thu so với kế hoạch của Gói thầu XL 01 đạt 36,2%; Gói thầu XL 02 đạt 34,2%; Gói thầu XL 03 đạt 84,9%; Gói thầu XL 04 đạt 34,1%.
Ban Quản lý dự án 7 cho biết, việc chậm tiến độ tại dự án này chủ yếu do các nguyên nhân: đến ngày 30/6/2022, tỉnh Hậu Giang còn 12 hộ dân với 270 m chưa nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tỉnh Sóc Trăng còn 24 hộ dân với 1.830 m chưa nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng do còn khiếu nại; nhà thầu thi công Gói thầu XL 01 (Công ty Thi Sơn), Gói thầu XL 04 (Công ty Định An) chưa đảm bảo năng lực, chưa huy động đủ dây chuyền máy móc thiết bị, vật liệu cát đắp nền và đá dăm.
“Việc triển khai thực hiện dự án còn chậm so với kế hoạch, thực tế khối lượng thực hiện đến thời điểm kiểm toán đạt tỷ lệ thấp, cả hai dự án có nguy cơ khó có thể hoàn thành trong năm 2022”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá và yêu cầu chủ đầu tư phải làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm của các bên liên quan dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ thực hiện các gói thầu để xử lý theo quy định của hợp đồng.
Cũng tại Thông báo số 552, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7 tổ chức kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán còn một số tồn tại, sai sót, dẫn đến giá trị hợp đồng đã ký cao hơn dự toán gói thầu sau khi điều chỉnh giảm theo kết quả kiểm toán.
Đơn vị này cũng bị yêu cầu kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân trong quá trình thực hiện dự án còn để xảy ra tồn tại, hạn chế đã nêu như công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, quản lý chất lượng, nghiệm thu thanh toán một số hạng mục chi phí, tiến độ giải ngân thấp, phải điều chỉnh kế hoạch vốn.
“Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo đơn vị thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo Báo cáo kiểm toán và Báo cáo kết quả thực hiện về Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV theo địa chỉ 116 - Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội trước ngày 31/3/2023”, ông Vũ Văn Họa, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.