Tại buổi tọa đàm “Quản trị rủi ro trong vay tiêu dùng tín chấp” hôm 10/9/2015, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM khẳng định, sự hiện diện của các CTTC sẽ giúp thị trường tài chính tại Việt Nam phát triển tích cực và lành mạnh hơn. Vai trò của các CTTC là cần thiết và buộc phải có, nhằm giúp các đối tượng khách hàng không được ngân hàng phục vụ, có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính được pháp luật bảo vệ, cũng như giúp giảm vấn nạn cho vay nặng lãi hay tín dụng đen đã tồn tại suốt thời gian vừa qua.
Nhắc đến vấn đề lãi suất, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nhấn mạnh, sẽ là nhầm lẫn khi so sánh lãi suất vay tại các CTTC với lãi suất ngân hàng, vì đặc thù các sản phẩm vay của hai kênh này hoàn toàn khác nhau. Khi so sánh với các công ty tài chính tương tự tại các nước khác, thì mức lãi suất của các CTTC tại Việt Nam tương đương hoặc thấp hơn. Nếu xét đúng theo nhu cầu vay, thì mức lãi suất tại các CTTC so với các lãi suất “phi” ngân hàng khác là không cao. Vì vậy, cần công bằng khi bàn về vấn đề này.
Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm tài chính sáng ngày 10/9 tại TP.HCM |
Bàn về các trường hợp người đi vay cho rằng “bị các CTTC lừa gạt” mà báo chí liên tục đưa tin trong thời gian vừa qua, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, ông Bùi Quang Nghiêm cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, ở khu vực TP.HCM, số lượng các vụ kiện giữa người vay và các CTTC tại tòa án là rất thấp. Thêm vào đó, khi tranh chấp xảy ra, lỗi đa số lại thuộc về khách hàng do thiếu kiến thức, không đọc kỹ hợp đồng cũng như không cân nhắc được nguồn trả nợ, chứ không phải CTTC lừa đảo. “Đọc và hiểu hợp đồng là một trong những điều tối quan trọng khi đi vay tín chấp. Hiểu rõ về quyền và trách nhiệm của mình, tính toán và dự trù chính xác khả năng thanh toán hàng tháng sẽ giúp người đi vay tận dụng tốt nhất các lợi ích từ vay tiêu dùng tín chấp, cũng như tránh được các hiểu lầm không đáng có và nhất là rủi ro không trả được nợ”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Kiến nghị này của luật sư Nghiêm đã được ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết: “Thủ tục của ngân hàng nhà nước hiện đã đơn giản rất nhiều, vấn đề còn lại là các công ty tài chính, ngân hàng phải làm thế nào để người dân nắm kỹ được nội dung hợp đồng. Ngoài việc làm rõ, làm kỹ, bản thân các CTTC phải công khai lãi suất của mình trong từng giai đoạn để giúp người đi vay có thể hiểu và ra quyết định. Các CTTC cần đi sâu vào những địa bàn có nhu cầu vay vốn lớn như bà con tiểu thương ở các chợ nhỏ. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng tạo điều kiện để các CTTC có điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn.”
Ở góc độ CTTC, ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản trị được hiệu quả các rủi ro từ nợ xấu khi cho vay là yếu tố then chốt quyết định sự tồn tại của các CTTC cho rằng, bản chất của ngành tín dụng tiêu dùng với mục tiêu cơ bản là phục vụ những khách hàng không được ngân hàng phục vụ hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ của ngân hàng. Lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn so với bình thường là do tác động bởi mức độ rủi ro tín dụng cao hơn so với ngân hàng khi cho vay không có tài sản thế chấp, cũng như thiếu đi lịch sử giao dịch tín dụng của phân khúc khách hàng này. Bên cạnh đó, cơ sở chi phí bỏ ra rất cao để quản lý các khoản vay nhỏ lẻ, vốn là đặc thù của ngành tín dụng tiêu dùng, cộng thêm việc các CTTC không có chức năng huy động vốn từ người dân như ngân hàng, cũng góp phần làm tăng lãi suất. Lãi suất sẽ chỉ giảm xuống khi thị trường xây dựng được đầy đủ lịch sử tín dụng của khách hàng, một khi quy chế quy định được phát triển đầy đủ nhằm bảo vệ quyền lợi bên cho vay, cũng như giảm thiểu chi phí tín dụng. Hoạt động của các CTTC khi đó mới trở hiệu quả hơn để giảm bớt chi phí vận hành.
Về lâu dài, các chuyên gia đều đồng tình với giải pháp cần giúp nâng cao hơn nữa các kiến thức và hiểu biết luật pháp về tài chính cá nhân cho người dân. Đồng thời, các CTTC cũng cần phải đơn giản hóa hơn các nội dung trong hợp đồng, cải thiện các dịch vụ tư vấn của mình, nhằm giúp khách hàng hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với các khoản vay.