Thời sự
Vì sao Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu PCI?
Ngọc Tân - 25/04/2016 13:58
Ngày 31/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015. Đà Nẵng tiếp tục giữ vững ngôi đầu bảng năm thứ 3 liên tiếp, và cũng là lần thứ 6 dẫn đầu cả nước kể từ khi Chỉ số PCI được công bố vào năm 2005 đến nay. Điều này không nằm ngoài dự tính của cộng đồng doanh nghiệp tại Đà Nẵng.
TIN LIÊN QUAN

Không phải tự nhiên

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT  Công ty Cổ phần Thạch Bàn Miền Trung, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết: “Chúng tôi đã nhận định trước được điều này. Việc Đà Nẵng tiếp tục năm thứ 3 liên tiếp “vô địch” PCI không phải tự nhiên mà có, nó là kết quả của sự nỗ lực lâu dài. Đây là niềm tin của doanh nghiệp vào  truyền thống khi thế hệ lãnh đạo hiện nay đã kế thừa thành quả từ đội ngũ lãnh đạo tiền nhiệm. Có thể nói, việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo hiện nay rất tốt, khi anh Xuân Anh (Bí thư Thành uỷ) và anh Đức Thơ (Chủ tịch UBND thành phố) đang làm rất quyết liệt. Chính điều này đã làm cho cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, ủng hộ, sát cánh bền bĩ cùng chính quyền để tạo nên kết quả như hôm nay.”

Ông Sơn cho biết, niềm tin của doanh nghiệp xuất phát từ việc chính quyền thành phố Đà Nẵng đã công khai, minh bạch các hoạt động; đã lắng nghe, cầu thị, tiếp thu, xử lý nhanh, quyết liệt, kịp thời trước những vấn đề phát sinh mà doanh nghiệp đã gặp phải trong thời cuộc hội nhập. Đi kèm với môi trường hành chính công tốt đó còn là môi trường an ninh trật tự thành phố được đảm bảo, văn hoá văn minh đô thị của người dân tốt. “Môi trường hành chính công của Đà Nẵng hiện nay được nhiều doanh nghiệp tại thành phố cũng như từ nơi khác đến đặt trụ sở, chi nhánh hoạt động đều đánh giá rất tốt. Và đó là sự so sánh đánh giá đối chiếu với nhiều tỉnh thành khác so với Đà Nẵng. Đà Nẵng tiên phong trong hoạt động chính phủ điện tử; các trang wed, cổng thông tin điện tử luôn cập nhật thông tin kịp thời; các sở ngành biết hợp tác tốt với các hiệp hội doanh nghiệp dể truyền thông nhanh các chính sách pháp luật, thuế…Có thể nói, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp đã thực sự sáp vào nhau”, ông Sơn cho biết.

Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu chri số năng lực cạnh tranh PCI.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đánh giá, sự kiện dẫn đầu PCI thể hiện việc Đà Nẵng đã tiếp tục các chủ trương năm doanh nghiệp 2014. Những năm qua, chính quyền thành phố đã hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước thông qua các hiệp hội: Doanh nhân trẻ, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng…  Tổ chức đối thoại để giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp du lịch, động viên để cộng đồng doanh nghiệp du lịch đồng hành cùng chính quyền xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch hấp dẫn du khách. Đó là những nỗi bật về cơ chế, sự hỗ trợ của chính quyền đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch. “Chúng tôi rất hoan nghênh và đánh giá rất cao những nỗ lực của thành phố Đà Nẵng trong những năm qua đã tiếp tục sát cánh ,đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp. Đã Nẵng đã thực sự làm rất tốt so với các địa phương khác”, ông Vinh nói.

Ông Trần Ngọc Thành, Tổng giám đốc công ty cổ phần Đất xanh Miền Trung cho biết, trong năm 2015, Đà Nẵng đã thực hiện nhiều quyết sách, hoạt động mang lại hiệu quả tích cực ở tầm trung hạn và dài hạn cho các doanh nghiệp bất động sản tại thành phố, từ đây góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế liên quan. “Thành phố đã tiếp tục hoàn thiện các công trình giao thông trọng điểm như Cầu vượt Ngã Ba Huế, đường Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà; đầu tư phát triển những khu vực đô thị hoá còn thấp như khu vực Mân Thái (Q. Sơn Trà), trục Tây Bắc (Q. Liên Chiểu); phê duyệt xây dựng hầm chui, quy hoạch hai bờ sông Hàn, tiếp tục xây dựng trục 1 Tây Bắc… Đó chính là những yếu tố chính thúc đẩy quá trình đô thị hoá của thành phố trong tương lai. Nó góp phần tích cực đến sự phát triển của thị trường bất động sản ở tầm trung và dài hạn”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, việc Đà Nẵng lần thứ ba tiếp tục dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh PCI sẽ góp phần cũng cố thêm niềm tin của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh của thành phố Đà Nẵng. “Từ điều này sẽ tạo ra dòng tiền lớn đầu tư đổ vào địa phương ở nhiều ngành kinh tế khác nhau, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán tốt lên”, ông Thành nhận định.

Đà Nẵng phải làm gì để tiếp tục giữ vững danh hiệu?

Theo ông Trần Ngọc Thành:“Tôi nghĩ Đà Nẵng chưa thu hút và đang thiếu sự có mặt của những công ty tầm cở lớn trên thế giới, mà đó là một trong những động lực để đóng góp lớn nhất cho ngân sách địa phương. Thiếu ở mấy đặc điểm như sau: Thứ nhất là quỹ đất để người ta phát triển, thứ hai là nguồn nhân lực và thứ ba là cơ chế. Về cơ chế, lãnh đạo thành phố phải cho người ta một cơ chế khác biệt thì mới thu hút được, còn cơ chếnhư thế nào  thì mỗi doanh nghiệp họ cần một cơ chế đặc thù riêng biệt.”

Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Á, Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng, trong những năm qua Đà Nẵng rất là cầu thị, quan tâm đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp Đà Nẵng nói chung phát triển còn bấp bênh, nên nói dẫn đầu thì đây chỉ là sự tương đối. Theo bà Đào, để phát triển bền vững và ổn định, Đà Nẵng cần phải có 1 chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp, mỗi chặng đường cần nhìn trong dài hạn 10 năm, 10 năm tới doanh nghiệp sẽ phát triển hướng nào, đóng góp ngân sách như thế nào và từ đó có chiến lược đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, đồng bộ từ bên trong, bên ngoài, môi trường đầu tư... “Cái gì thuộc về sự chủ động thì đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, còn thật sự doanh nghiệp họ cần những sự hỗ trợ khác nữa từ nhà nước. Đôi khi chỉ cần sự hỗ trợ đúng yếu tố thì doanh nghiệp sẽ đi nhanh hơn”, bà Đào cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Sơn góp ý, Đà Nẵng không được tự hào quá, bằng lòng quá mà phải luôn phải vượt qua chính mình, phải kịp thời nhất trước những vấn đề phát sinh của doanh nghiệp trong thời cuộc hội nhập. Giờ nhất rồi không đua với ai thì đua với chính mình. Cái nhất PCI mang lại môi trường bền vững cho Đà Nẵng thì mới là giá trị thực được.“Mỗi vị trí đều cần phải tự biết mình cần hoàn thiện gì, chính trị lẫn doanh nghiệp. Làm gì thì cứ phải để doanh nghiệp có môi trường sản xuất kinh doanh công bằng, không có phân biệt đối xử trong mọi cơ chế chính sách, tiếp cận thông tin, vốn, đất đai, xúc tiến công bằng với tất cả các thành phần doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước hay nhỏ ở địa phương. Nhiều cái nhỏ bền vững đi đến cái mạnh bền vững”, ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, để tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thì trong tương lai, đối với việc kêu gọi đầu tư vào du lịch dịch vụ, thành phố cần hỗ trợ thêm về chính sách đất đai, chính sách thuế, hỗ trợ môi trường du lịch. Theo ông Vinh: “Chừng mực nào đó, thành phố cũng nên tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết những khó khăn như hạn chế tình trạng du lịch chui, chặt chém du khách. Xây dựng các nhà hàng khách sạn đạt chuẩn du lịch, đưa du lịch trở thành mũi nhọn. Cộng đông doanh nghiệp sẽ cảm thấy có trách nhiệm chung tay xây dựng ‘thành phố đáng sống’ hơn nếu môi trường được đảm bảo.”

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ: “Vị trí dẫn đầu về điểm số PCI không phải là mục tiêu của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Điều chúng tôi quan tâm là phải vượt lên trên chính mình. Lãnh đạo thành phố luôn trăn trở về trách nhiệm, vai trò tiên phong của mình và không ngừng vận động để tiến lên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ cộng đồng doanh nghiệp. Sắp tới đây, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông và sản xuất; đồng thời, tích cực làm việc với các đối tác để xúc tiến, mở các đường bay mới trực tiếp đến Đà Nẵng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đi và đến Đà Nẵng. Yêu cầu phát triển mới đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ để Đà Nẵng thực sự trở thành nơi ‘đất lành chim đậu’ ”.

Ông Huỳnh Thanh Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Gia Lai (Sở KH&ĐT Gia Lai): “Với Gia Lai, hiện chúng tôi đang xây dựng phương án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư vào tỉnh. Kế hoạch đang trình lên uỷ ban nhân dân tỉnh chờ phê duyệt. Nói chung sẽ tạo điều kiện hết mức cho doanh nghiệp, nâng cao chỉ số cạnh tranh. Ví dụ như thời gian quy định việc lập hồ sơ thành lập 1 công ty trong vòng 3 ngày, thì trong 3 ngày đó chúng tôi sẽ làm hết các thủ tục từ A-Z về giấy tờ, con dấu… cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần về và đợi nhận giấy. Nói chung các doanh nghiệp người ta không có thời gian làm, hoặc người ta không biết thủ tục làm thì mình làm luôn cho họ. Hết sức tạo điều kiện.”
Tin liên quan
Tin khác