Doanh nghiệp
Vì sao Facebook và Google tài trợ cho cuộc thi Hackathon Việt Nam?
Hải Hà - 10/04/2016 09:52
Sáng 9/4, Hackathon - cuộc thi cho lĩnh vực công nghệ giáo dục do Topica Edtech Group và Edtech Asia lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đã chính thức diễn ra.

Ông Huỳnh Kim Tước,  Giám đốc hoạch định chiến lược và phát triển toàn cầu của Facebook nhận định: “Việt Nam có nhiều “diễn viên” giỏi về công nghệ nhưng ít sân chơi để những diễn viên này thể hiện. Việc Hackathon được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ mở ra một sân chơi thực sự mới và hiệu quả cho giới công nghệ.”

Không chỉ dừng lại ở đó, cuộc thi này còn nhận được sự đầu tư lớn từ 2 ông trùm công nghệ là Facebook và Google.

Theo đó, Facebook sẽ tài trợ gói FbStart trị giá 80.000 USD cho đội có sản phẩm Mobile App xuất sắc nhất và được sử dụng các gói dịch vụ giá trị từ các đối tác danh tiếng của Facebook. Google cũng sẽ tài trợ tổng giá trị khoảng 3.000 USD cho ứng dụng Google Cloud Credit.

Hackathon là cuộc thi đấu trí giữa 19 đội, mỗi đội từ 2-4 người sẽ diễn ra trong 2 ngày 9-10/4 tại Hà Nội.

Trong khi đó, Topica sẽ tài trợ cho các thiết bị thực tế ảo Oculus và nhiều học bổng toàn phần từ Topica Founder Institute và học bổng Topica Native với tổng giá trị tương đương 3.000 USD.

Mặc dù đại diện Facebook từ chối trả lời từ phía báo giới liên quan tới tại sao Facebook là nhà đầu tư lớn nhất cho cuộc thi này nhưng đây có lẽ hoàn toàn là sự đầu tư có chủ ý.

Theo tiết lộ của ông Nguyễn Thành Trung, Co-founder và CTO (Giám đốc công nghệ) Topica Edtech Group thì dân làm công nghệ làm theo bản năng và không suy nghĩ nhiều nhưng chỉ trong vài ngày, Facebook và Google đã tỏ ý muốn hợp tác và tài trợ cho cuộc thi.

Được biết, Hackathon cũng là một trong những bí quyết để các “ông trùm” công nghệ như Google và Facebook liên tục phát triển và duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy Hackathon vẫn là một loại hình mới mẻ tại Việt Nam nhưng ít ai biết nút Like và chức năng Chat của Facebook đều là sản phẩm của những cuộc thi Hackathon trong nội bộ công ty. Một sản phẩm từ Hackathon khác cũng rất thành công là GroupMe. Ứng dụng chat này được tạo ra từ cuộc thi TechCrunch Disrupt 2010, sau đó nhận được hơn 10 triệu USD tiền đầu tư mạo hiểm. Chỉ một năm sau, Skype đã bỏ ra hơn 80 triệu USD để mua lại GroupMe.

Mark Zuckerberg - CEO Facebook đã từng nhận định: “Hackathon là một trong những cách để nảy ra ý tưởng mới tại Facebook. Tôi thường thích nhìn các kỹ sư sáng tạo và rất mong đợi những ý tưởng này được thêm vào dịch vụ của chúng tôi”.

Phía Facebook cũng cho biết, họ rất quan tâm đến sự phát triển của giới công nghệ tại Việt Nam những năm gần đây và đề cao các cuộc thi sáng tạo được tổ chức như Hackathon.

Mặc dù ông Trung khẳng định giá trị lớn nhất mà Hackathon mang lại cho các ứng viên là tôn vinh ý tưởng sáng tạo, nâng cấp profile và thương mại hóa sản phẩm. Nhưng ông Trung cũng nhấn mạnh: “Nếu là người có thứ hạng cao của cuộc thi này thì các tập đoàn lớn nhất về công nghệ trên thế giới sẽ phải đợi để hợp tác cùng các bạn.”

Điều này được xem là dễ hiểu bởi mặc dù lần đầu tiên diễn ra nhưng EdTech Asia Hackathon đã quy tụ 19 đội thi gồm các cao thủ xuất sắc nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin giáo dục. Đây là cuộc thi lập trình theo nhóm 2 - 4 người với thời gian quy định là 48 tiếng giữa những ứng viên có thể là 1 sinh viên năm cuối CNTT hoặc một chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm lên tới 15 hoặc 20 năm tại những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Những ý tưởng sáng tạo sẽ được những Mentor đánh giá đầy đủ về độ khó của công nghệ, tính mới lạ, hoàn thiện và đặc biệt là khả năng ứng dụng dưới sự giám sát của ban giám khảo được nhận định là những “quái nhân” trong lĩnh vực công nghệ như Mike Michalec, Co-founder & CEO Edtech Asia; Hùng Trần, Founder &CEO Got It; Nguyễn Hoành Tiến, Giám đốc điều hành VNG Corporations; Nguyễn Thành Trung, Co-founder & CTO Topica Edtech Group; Lê Hồng Việt, CTO Tập đoàn FPT; Ngô Thùy Ngọc Tú, Co-founder Yola, Phạm Thúc Trương Lương, Giám đốc điều hành Tinhvan Education và Nguyễn Tài Tuệ, CTO Gamota.

Về phía Topica, cuộc thi sẽ là dấu mốc cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái công nghệ thông tin của Việt Nam.

Nếu như ở Việt Nam, thị trường Edtech (Education Technology-công nghệ giáo dục) mới ở dạng tiềm năng với một số ứng dụng mang tính phổ quát cho đại công chúng như học mãi, class book hay Topica Native, Topica Uni, thì trên thế đã có hàng loạt những ứng dụng ra đời làm thay đổi và chuyển biến hệ thống giáo dục toàn cầu.

Cụ thể có thể kể tới như EdX; Khan Academy, Knewton, Dreambox Learning; Eddy Cue của Apple với công nghệ iTunes-U cung cấp hàng triệu bài giảng số tới người học….

Kỳ vọng của ông Trung đặt ra tại cuộc thi không chỉ dừng lại ở cấp độ quốc gia mà nó còn vươn tầm ứng dụng quốc tế.

“Các ý tưởng được đánh giá có tính sáng tạo trong cuộc thi này có thể kể tới như học trong lúc ngủ, học dưới tiềm thức, thực tế ảo…là những công nghệ khá mới nhưng lại tạo sự thu hút và  hứa hẹn sẽ có những ứng dụng đột phá trong thực tế  cho người dùng không chỉ Việt Nam mà cả thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh tới sự có mặt của những ý tưởng mới mẻ này trong kho ứng dụng thế giới chứ không phải Việt Nam, đây là những ý tưởng khác biệt cả ở khả năng lập trình và ý tưởng. Đó là những sản phẩm của những người làm kỹ thuật chân chính luôn biết tạo ra những ý tưởng rất mới.”, ông Trung nhấn mạnh.

Nếu điều này thành hiện thực thì việc các tập đoàn lớn sẵn sàng chi trả một số tiền nhất định để săn được những ứng viên tiềm năng cho họ qua cuộc thi là điều dễ hiểu bởi Việt Nam đã có khá nhiều gương mặt nổi danh trong giới công nghệ được săn lùng bởi những tập đoàn trên thế giới.

Ví dụ đưa ra có thể nói tới Thuan Pham, người gốc Việt hiện giữ vị trí CTO của Uber đã khiến CEO Uber là Travis Kalanick mất 2 tuần liên tiếp gọi điện cho ứng viên này để mời anh tham gia vào công ty mình.

Ngay cả khi những ứng viên không muốn làm việc tại những tập đoàn lớn thì việc khởi nghiệp với những ứng viên có ý tưởng tốt cũng sẽ kêu gọi được nhiều đầu tư về tài chính đồng nghĩa với việc những ý tưởng sẽ nhận được giá trị gia tăng lớn.   

Mặc dù vậy, ông Trung cũng bày tỏ Edtech không phải thương mại điện tử hay bất động sản có thể cho giá trị ngay lập tức mà những ứng dụng giáo dục cần có quá trình dài đòi hỏi ở mỗi ứng viên tinh thần, sức khỏe và tài chính, bên cạnh niềm đam mê khoa học.

Nói về hoạch định trong tương lai xa hơn, ông Trung cho biết trong thời gian tới, các cuộc thi tương tự như Hakathon sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn với nhiều lĩnh vực hơn không chỉ bó hẹp ở những ứng dụng dành riêng cho lĩnh vực giáo dục, mà là những cuộc thi liên quan tới Mobie Computing, Internet of things…nhằm tìm ra những ứng dụng thông minh với lý tưởng cải tiến cuộc sống con người. Đây cũng là cách nâng tầm các công ty và các sản phẩm công nghệ của Việt Nam sánh ngang với khu vực và trên thế giới.

Tin liên quan
Tin khác