Y tế - Sức khỏe
Vì sao giá test nhanh Covid-19 chênh lệch?
D.Ngân - 09/11/2021 08:08
Theo Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, giá test nhanh Covid-19 chênh lệch là do giá sinh phẩm đầu vào.

Lý giải về giá xét nghiệm Covid-19 có sự chênh lệch giữa các cơ sở y tế, theo ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trong giai đoạn đầu của dịch, các sinh phẩm mới được phát triển, năng lực cung cấp hạn chế trong khi nhu cầu rất cao trên toàn thế giới, giá xét nghiệm sẽ cao. 

Ảnh minh họa.

Sau đó, các nhà sản xuất nâng cao năng lực, sản xuất nhiều hơn, tính cạnh tranh cao hơn giá sinh phẩm giảm xuống theo cơ chế thị trường. 

Do vậy, theo ông Nhung, cùng một thời điểm giá xét nghiệm có thể khác nhau khi loại sinh phẩm khác nhau. Bên cạnh đó, tùy theo từng cơ sở xét nghiệm mua được loại sinh phẩm nào phù hợp mục đích yêu cầu thì giá cũng sẽ khác nhau. 

Thông tư 14/2020 của Bộ Y tế quy định 6 nhóm sản phẩm tủy theo xuất sứ và được phê duyệt bởi cơ quan nào như FDA Hoa Kỳ hay châu Âu, Úc hay Tổ chức Y tế thế giới hay tự công bố chất lượng hoặc từ các nước không thuộc các quốc gia tham chiếu, giá sinh phẩm cũng sẽ khác nhau.

Bản thân Bộ Y tế đã có nhiều hướng dẫn về chuyên môn, khi nào thì dùng test nhanh, khi nào dùng xét nghiệm realtime PCR, xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp và hướng dẫn về giá với từng loại xét nghiệm mẫu đơn mẫu gộp tương ứng.

Đối với xét nghiệm realtime PCR, để giảm giá cho xét nghiệm này, cần thực hiện mẫu gộp. Tuy nhiên, khi phát hiện mẫu dương tính, cần lấy lại mẫu hoặc làm lại, nên chi phí sẽ tăng thêm trong thực tế.

Về giá của test nhanh Covid-19, theo ông Nhung, sở dĩ có sự chênh lệch là do giá sinh phẩm đầu vào. Cụ thể, trước ngày 1/7/2021, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm. 

Từ ngày 1/7/2021, do nhiều công ty nhập test từ nước ngoài và trong nước cũng đã sản xuất được nên giá test rất khác nhau. Đây chính là nguyên nhân của sự khác biệt về giá hiện nay.

Đối với các cơ sở y tế tư nhân giá được tự công bố thì biên độ còn khác biệt hơn nữa tuỳ thuộc vào số lượng xét nghiệm, mục đích sử dụng, nguồn gốc sinh phẩm, hoá chất, độ nhạy, độ đặc hiệu và cơ sở vật chất, chi phí trong quá trình triển khai xét nghiệm. 

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, xét nghiệm là công cụ quan trọng nhất không gì thay thế được trong giám sát dịch. 

Nếu chu kỳ lây lan của virú là 48 h, xét nghiệm cần lặp lại dưới 48 giờ mới dập được dịch. Trong tình huống cần huy động tổng lực để xét nghiệm diện rộng, bản đồ hóa các ổ dịch để lên kế hoạch dập các ổ dịch. 

Liên quan tới giá xét nghiệm Covid-19, ngày 21/10, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã họp nghe báo cáo về tình hình quản lý giá vật tư, dịch vụ y tế; đặc biệt là giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 20/10/2021, Bộ Y tế đã cấp phép cho 127 sản phẩm test xét nghiệm SASR-CoV-2 (nhập khẩu Mỹ, Đức, Pháp, Phần Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Singapore… và sản xuất trong nước) gồm: 43 test xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP); 56 test xét nghiệm kháng nguyên và 26 test xét nghiệm kháng thể.

Ngoài ra, các đơn vị vẫn tiếp tục nộp hồ sơ và Bộ Y tế đang tiếp tục khẩn trương thẩm định và cấp phép cho các test xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.

Về cung ứng và giá test xét nghiệm do các công ty sản xuất, kinh doanh công bố theo quy định, tính đến ngày 20/10/2021, Bộ Y tế đã nhận được văn bản của 84 doanh nghiệp báo cáo khả năng cung ứng và giá do đơn vị công bố cho 186 loại test xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Nhấn mạnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, Phó thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Bộ Y tế phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp phép nhập khẩu, cấp giấy đăng ký lưu hành theo đúng quy định của pháp luật.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh test, đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Đồng thời, tổ chức mua sắp test, sinh phẩm, vật tư y tế,...theo đúng yêu cầu, kịch bản chống dịch đã đề ra, không để thiếu, không để bị động.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp trong quản lý điều hành giá, bảo đảm công khai, minh bạch.

Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến sớm ban hành Thông tư quy định về giá dịch vụ xét nghiệm, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, dễ triển khai áp dụng thực hiện.

Đồng thời, Bộ Y tế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các yếu tố hình thành giá để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những điểm chưa hợp lý, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật…

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện công khai, minh bạch các yếu tố liên quan đến giá vật tư y tế nói chung, giá test xét nghiệm nói riêng… để dư luận hiểu, đồng tình, ủng hộ.

Tin liên quan
Tin khác