Câu chuyện Money Lover và Vietcombank
Cách đây 3 tháng, Ngân hàng Vietcombank đã cảnh báo khách hàng về việc nâng cao cảnh giác và bảo mật khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Vietcombank cũng chỉ đích danh ứng dụng Money Lover và đề nghị khách hàng cảnh giác về rủi ro mất an toàn tài khoản khi cung cấp thông tin bảo mật cho ứng dụng này.
Nhận xét về tình huống này, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT NexTTech Group cho rằng, đây là ví dụ “kinh điển” về sự xung đột giữa truyền thống và sáng tạo, giữa ngân hàng và các FinTech. “Money Lover là một trong những điển hình về sáng tạo, nhưng đã làm cho một số ông lớn khó chịu”, ông Hòa Bình nhận xét và cho biết, Money Lover thực chất chỉ là phần mềm giúp khách hàng quản lý chi tiêu.
Với sức mạnh công nghệ của mình, các FinTech đã đáp ứng hầu hết dịch vụ tài chính mà trước đây ngân hàng “độc quyền”. |
Trước phản ứng của Vietcombank, ông Ngô Xuân Huy, Giám đốc của Money Lover cho rằng, thông báo của Vietcombank là hợp lý. Tuy nhiên, ông Huy cũng khẳng định, Money Lover không lưu mật khẩu dưới dạng “thô”, mà đều được mã hóa để đảm bảo về bảo mật, do đó không có khả năng làm lộ thông tin bảo mật của khách hàng.
Được biết, sau 4 năm phát triển, Money Lover đã có 5 triệu lượt tải trên toàn cầu với 34 ngôn ngữ trên toàn thế giới và hơn triệu người dùng mỗi ngày… Tuy nhiên, ứng dụng này vẫn khiến nhiều ngân hàng trong nước lo ngại.
Hiện nay, trừ lĩnh vực cho vay (Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô được phép thực hiện nghiệp vụ cho vay), với sức mạnh công nghệ của mình, các FinTech đã đáp ứng hầu hết dịch vụ tài chính mà trước đây ngân hàng “độc quyền” như: gửi tiết kiệm, rút tiền, chuyển tiền, thanh toán… Khách hàng có thể tiếp cận hầu hết dịch vụ tài chính với chi phí rẻ hơn, dễ dàng hơn, mà không cần đến ngân hàng.
“Nhiều ngân hàng đang nhìn FinTech như ‘kẻ phá bĩnh’, bởi các FinTech hiện nay có thể thay thế rất nhiều dịch vụ ngân hàng. Chẳng hạn, với nghiệp vụ tiền gửi, các FinTech có ví điện tử, có hệ thống rút tiền riêng; với nghiệp vụ cho vay, FinTech cũng có thể kết hợp với công ty tài chính để cho vay”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.
“Cỗ chiến xa” cướp lợi nhuận của nhà băng
FinTech đang trở thành lĩnh vực nóng trên thị trường toàn cầu, khi vốn đầu tư mạo hiểm vào khu vực này đột nhiên tăng vọt thời gian gần đây. Ông Jan Bellens, Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường mới nổi toàn cầu, thị trường ngân hàng và vốn của EY cho hay, nếu năm 2013, đầu tư toàn cầu vào FinTech chỉ khoảng 4 tỷ USD, thì năm 2015 đã lên tới 15 tỷ USD và dự báo năm 2016 này sẽ tăng lên 25 tỷ USD.
Ở Việt Nam, FinTech không còn là khái niệm mới mẻ, song làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này đang lan rộng. “Tại Việt Nam đang diễn ra làn sóng đầu tư vào FinTech lần thứ nhất. Thị trường Việt Nam có hai lý do rất thú vị để FinTech phát triển. Thứ nhất, số người tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn ít (mới 30% dân số). Thứ hai, hệ thống ngân hàng Việt Nam đổi mới công nghệ còn chậm, thủ tục giấy tờ còn phức tạp”, ông Jan Bellens nhận xét.
Thống kê của Topica Founder Institute cũng cho thấy, trong số những thương vụ gọi vốn của start-up công nghệ ở Việt Nam, nhóm FinTech là lĩnh vực đầu tư nhiều thứ 3, xếp sau thương mại điện tử và truyền thông. Có thể kể tên một số doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực FinTech tại Việt Nam như: FPT Ventures, IDG Ventures, NexTTech Investment, M-Service, Fundstart, Loanvi.com, MyMoney.vn, 1pay…
Standard Chartered và Dragon Capital được coi là nhà đầu tư mạo hiểm hào hứng với các FinTech Việt. Thương vụ đầu tư tiêu biểu phải kể đến là đầu năm nay, Công ty cổ phần M_Service, đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo đã chính thức công bố khoản đầu tư trị giá 28 triệu USD từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs.
Ông Nguyễn Hòa Bình, một trong những người phát triển FinTech sớm nhất tại thị trường Việt Nam cho biết: “Năm 2008, khi eBay vào khu vực, liên kết với sàn chodientu.vn của chúng tôi để ra mắt eBay.vn, tôi thấy khách hàng gặp khó khăn về thanh toán xuyên biên giới bởi sản phẩm của ngân hàng chưa có hoặc còn yếu, chưa bám sát nhu cầu thị trường. Chính vì vậy, chúng tôi tự nghiên cứu và đầu năm 2009 ra mắt Fintech đầu tiên: nganluong.vn. Đây là cổng thanh toán điện tử đầu tiên tại Việt Nam và cũng đang phát triển rất mạnh”.
Ngoài FinTech trong lĩnh vực thanh toán, theo ông Bình, hình thức giao hàng - nhận tiền ở Việt Nam cũng rất phát triển (COD), song các ngân hàng lại rất chậm thay đổi công nghệ để phục vụ lĩnh vực này. Chính vì vậy, năm 2012, NexTTech đã cho ra mắt shipchung.vn. Hiện cổng giao nhận vận chuyển giao hàng và thu tiền (CoD) đang có tốc độ tăng trưởng phi mã, với tăng mỗi năm 5-7 lần. “Quy mô thị trường vận chuyển - thu hộ có doanh thu mỗi tháng lên tới 4.000-5.000 tỷ đồng, nhưng các ngân hàng không tận dụng được cơ hội đó”, ông Bình nhận xét.
Các doanh nghiệp FinTech khẳng định, hiện nay, FinTech chỉ nhắm vào các đối tượng nằm ngoài vùng phủ sóng của ngân hàng. Nhóm đối tượng này chiếm tới 70% dân số. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa, FinTech sẽ không cạnh tranh với các dịch vụ truyền thống của ngân hàng. Trên thế giới, sự trỗi dậy của FinTech cũng đe dọa thị phần của nhiều nhà băng. Ảnh hưởng nặng nề nhất là Ngân hàng EMEIA Bank đã mất 43% doanh thu thanh toán bán lẻ do sự phát triển quá mạnh mẽ của các Fintech.
Hợp tác thay vì “ngứa mắt”
Do vẫn ở giai đoạn đầu phát triển, các FinTech ở Việt Nam còn khá nhỏ bé về quy mô, chưa có khả năng đe dọa trực tiếp tới các ngân hàng. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu vẫn tiếp tục giữ lối kinh doanh bảo thủ, ngân hàng sẽ phải dè chừng sự cạnh tranh từ các FinTech không chỉ của trong nước, mà còn của quốc tế.
“Chắc chắn các ngân hàng sẽ phải lo lắng từ sự cạnh tranh của các FinTech, nhưng lo theo cách nào? Thay vì phản ứng tiêu cực bằng cách đóng cửa với các FinTech, ngân hàng nên tìm cách hợp tác với các FinTech phù hợp, đem lại lợi ích cho mình. Hiện nay, đa số các ngân hàng Việt Nam còn dè dặt và chưa có chiến lược rõ ràng trong việc hợp tác với FinTech”, ông Bình nhận xét.
Theo các chuyên gia, ngân hàng có ưu điểm là đáng tin cậy, tính pháp lý vững chắc, nhưng hạn chế về tính linh hoạt, quy trình thủ tục phức tạp. Trong khi đó, FinTech hướng tới sự trải nghiệm, linh hoạt, tiện ích, song lại chưa chiếm được lòng tin cần thiết với khách hàng, yếu về tính pháp lý, nguồn vốn hạn chế. Do đó, việc hợp tác giữa hai bên là rất cần thiết để phát huy thế mạnh của nhau.
“Ngân hàng cần xác định FinTech nào là đối thủ, FinTech nào là đối tác có thể hợp tác. Về cơ bản, ngân hàng có thể hợp tác với FinTech để đổi mới sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình bằng nhiều kênh: mua lại, đầu tư mạo hiểm, lập vườn ươm khởi nghiệp Fintech…”, ông Jan Bellens nhận xét.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, nếu biết hợp tác đúng cách, FinTech sẽ giúp tầm quét tầm phủ sóng của ngân hàng xuống sâu hơn, là cánh tay nối dài của các ngân hàng.
Được biết, thời gian gần đây, một số ngân hàng Việt Nam cũng đã bắt đầu tìm hiểu về FinTech. Đơn cử, VPBank hợp tác với bên thứ ba để phát triển ngân hàng số Timo - một dạng FinTech - nhằm cung cấp cho người sử dụng các sản phẩm ngân hàng đặc trưng thông qua ứng đụng diện thoại.
Không chỉ ngân hàng, các FinTech cũng rất mong được hợp tác với các ngân hàng để phát triển. Với quy mô nhỏ, huy động vốn hạn chế, khung pháp lư chưa rõ ràng, nếu không có sự “bảo chứng” của ngân hàng, các FinTech ở nước ta rất khó để mở rộng quy mô.