Thời sự
Vì sao người dân Anh nằng nặc chia tay EU?
Trí Dũng - 24/06/2016 15:54
Sự nổi loạn của các nghị sĩ, cuộc khủng hoảng nhập cư và sự trỗi dậy của đảng UKIP đã khiến nước Anh ra quyết định lịch sử rời khỏi khối EU.

Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Reuters

Ngày 24/6, người dân Anh đã có một quyết định lịch sử sau cuộc trưng cầu dân ý, khi đa số họ lựa chọn phương án Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Cuộc "ly hôn" đình đám này không chỉ là kết quả của 4 tháng vận động quyết liệt của phe ủng hộ phương án rời EU (Brexit), mà còn là hậu quả của 4 thập kỷ âm ỉ của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (Euroscepticism), theo Guardian.

Các nhà vận động đã từng phát động phong trào rút khỏi EU ngay khi Anh gia nhập khối thị trường chung này vào năm 1973. Chính sách chính thức của Công đảng trong một thập kỷ sau đó là ủng hộ rời bỏ EU, và một bộ phận đáng kể thành viên đảng Bảo thủ chưa bao giờ thoải mái với tư tưởng mình là người của EU.

Vấn đề này đã ám ảnh nhiệm kỳ của cựu thủ tướng John Major, lắng dịu dưới thời của Tony Blair trước khi trỗi dậy một lần nữa khi nền kinh tế rơi vào ảm đạm trong những năm cuối của thập niên trước.

Đương kim Thủ tướng David Cameron và đảng của ông đã tìm cách né tránh vấn đề đó sau khi nhậm chức, nhưng rồi ông nhận ra rằng không thể nào chống lại được sức ép từ backbencher – các nghị sĩ thứ yếu ở nghị viện – trong việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU, trong bối cảnh đảng UKIP chống nhập cư và chống EU trỗi dậy ngày càng lớn mạnh.

Thuật ngữ Brexit lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2012 và nhanh chóng trở nên phổ biến, trở thành một phong trào chính trị chính thống, rầm rộ lôi kéo nước Anh vào một vòng xoáy lớn, đẩy quốc gia này vào một quyết định "không thể vãn hồi" về việc rời khỏi EU.

Cuộc nổi loạn của các backbencher

Thủ tướng Cameron vẫn luôn tìm cách làm hài lòng các nghị sĩ thứ yếu, những người luôn ấp ủ nỗi hoài nghi về châu Âu (Eurosceptic), chẳng hạn như rút khỏi nhóm trung hữu EPP trong nghị viện châu Âu.

Thế nhưng, điều đó không bao giờ là đủ đối với những người cánh hữu trong đảng Bảo thủ, những nghị sĩ dường như không chịu dừng bước trước bất cứ thứ gì để giải phóng Anh khỏi cái mà họ gọi là "sự thống trị của Brussels", kể cả việc xé nát chính đảng của mình.

Rắc rối bắt đầu đến với ông Cameron vào năm 2010, khi số lượng thành viên Eurosceptic trong đảng của ông chiếm đa số, và họ bắt đầu gây sức ép với ông để tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.

Đến tháng 10/2011, Cameron nhận ra rằng ông đang đối mặt với một cuộc "chiến tranh du kích" với phe Eurosceptic, sau khi 81 nghị sĩ đảng Bảo thủ phát động một cuộc "nổi dậy" ủng hộ trưng cầu dân ý. Đến tháng 7/2012, nghị sĩ John Baron gửi một lá thư với chữ ký của 100 đồng nghiệp cho ông Cameron, yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý.

Cameron nghĩ rằng ông đã giành được một chiến thắng kiểu Margaret Thatcher khi phủ quyết việc tăng ngân sách EU vào cuối năm đó, nhưng sự kiện này có vẻ như càng thổi bùng ngọn lửa chống Brussels trong xã hội Anh. Đến tháng 12/2012, nghị sĩ Boris Johnson công khai kêu gọi Cameron tìm cách đàm phán lại về mối quan hệ của Anh với EU trước khi kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý.

Đầu năm 2013, Thủ tướng Cameron dường như đã đầu hàng trước sức ép từ các nghị sĩ, khi cam kết sẽ đàm phán lại với EU và tổ chức trưng cầu dân ý vào cuối năm 2017. Các nguồn tin thân cận cho hay khi đó, ông Cameron đã tin tưởng rằng ông có thể xoa dịu tình hình bằng cách đưa ra lời hứa hẹn như vậy.

Khi đó ông Cameron cũng nghĩ rằng ông sẽ không bao giờ phải tổ chức trưng cầu dân ý, bởi đảng Bảo thủ không tin họ sẽ giành được đa số trong cuộc bầu cử năm 2015. Thế nhưng chính lời hứa hẹn này là chất xúc tác khiến ông Cameron giành chiến thắng vào năm đó, đẩy ông vào thế không còn đường thoái lui.

Cuộc khủng hoảng nhập cư

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy nỗi bất bình với tình trạng người nhập cư tràn vào Anh là lý do lớn nhất khiến người Anh ủng hộ Brexit, khi nhiều người cho rằng mục đích của cuộc trưng cầu là hỏi họ có vui vẻ chấp nhận đánh đổi tự do đi lại ở châu Âu lấy tự do thương mại hay không.

Nỗi bất an của người dân trước làn sóng người tị nạn càng gia tăng cùng với sức ép ngày càng lớn từ thị trường lao động và dịch vụ công. Trước khi đắc cử, ông Cameron hứa hẹn sẽ giảm số lượng người nhập cư xuống vài chục nghìn chứ không phải là vài trăm nghìn.

Người Anh biểu tình phản đối làn sóng nhập cư ồ ạt. Ảnh: Guardian

Sau khi tái đắc cử năm 2015, ông vẫn không thực hiện được lời hứa này, khi vẫn có hơn 300.000 người nhập cư tràn vào Anh, khiến người dân giảm sút niềm tin vào khả năng lãnh đạo của ông, góp phần tạo nên tư tưởng rằng các chính trị gia Anh bất lực trong việc ngăn chặn làn sóng nhập cư từ EU.

Phe vận động cho Brexit ban đầu tập trung nhiều hơn vào vấn đề kinh tế và chủ quyền, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng việc "kiểm soát làn sóng nhập cư" mới là thông điệp mạnh mẽ nhất. Họ cũng liên hệ cuộc khủng hoảng nhập cư này với các vấn đề khác của xã hội Anh, như thiếu trường tiểu học, thu nhập sụt giảm…

Đảng UKIP

Ông Cameron có lẽ không bao giờ phải tổ chức trưng cầu dân ý nếu như đảng Độc lập Anh (UKIP) và thủ lĩnh Nigel Farage chống nhập cư và chống cả EU không trỗi dậy. Tháng 1/2013, đảng UKIP lần đầu tiên giành được tới 1/4 số phiếu bầu trong cuộc bầu cử địa phương ở Anh, và nhiều người lo ngại rằng một số nghị sĩ đảng Bảo thủ có thể "đào tẩu" sang UKIP nếu ông Cameron không giữ lời hứa tổ chức trưng cầu dân ý.

Dù ông Cameron đã cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý, UKIP và Farage vẫn giành thêm được hàng triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2015, trong đó có nhiều cử tri từng ủng hộ đảng Bảo thủ hoặc Công đảng. Sự xuất hiện liên tục của Farage trên truyền thông đã góp phần "đóng đinh" vấn đề nhập cư với EU trong dư luận, dọn đường cho chiến dịch vận động Brexit thành công.

Tin liên quan
Tin khác