Ngân hàng
Vì sao Trường Ngân qua mặt 7 nhà băng rồi vỡ nợ?
Thùy Vinh - 09/12/2013 14:53
Vụ việc Công ty Trường Ngân thế chấp tài sản để vay vốn của 7 ngân hàng, với tổng số nợ lên tới 600 tỷ đồng, vừa vỡ nợ đang gây chấn động thị trường. Đó là một bài học đắt giá của việc cạnh tranh mở rộng tín dụng thiếu kiểm soát. Hậu M&A:  Bóng ma nợ xấu không tha ngân hàng

Bảy ngân hàng đã cùng lúc cho Trường Ngân vay vốn, đó là Techcombank, MB, MSB, Vietinbank, VIB, OCB, Agribank và cùng có cà phê thế chấp tại kho của công ty này. Trong số đó, không ít ngân hàng đã cho vay dựa trên hàng tồn kho luân chuyển (được xem như cho vay tín chấp). Điều này không đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và rủi ro nợ xấu rất lớn.

Công ty Trường Ngân đã thế chấp tài sản để vay vốn của 7 ngân hàng,
với tổng số nợ lên tới 600 tỷ đồng

Về nguyên tắc, một tài sản đảm bảo có thể thế chấp ở nhiều ngân hàng, miễn sao giá trị tài sản đủ đảm bảo cho tất cả khoản nợ.

Trường hợp doanh nghiệp đi vay không trả được nợ thì việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ căn cứ vào hợp đồng thế chấp cầm cố để thực hiện từng bước theo quy định của hợp đồng.

Trường hợp không giải quyết được sẽ đưa ra tòa và việc xử lý căn cứ vào phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, với vụ việc này, do kiểm soát quá lỏng lẻo, nên nhiều ngân hàng cùng tranh chấp một tài sản thế chấp.

Lãnh đạo OCB cho biết, số tiền Công ty Trường Ngân nợ họ khoảng 93 tỷ đồng, được cầm cố bởi 3.000 tấn cà phê đang ở trong kho. Khoang cà phê của OCB trong kho của Trường Ngân là khoang riêng được bảo vệ của họ canh giữ, các đơn vị khác không được xâm phạm.

Còn theo MB, lô hàng 615 tấn cà phê thuộc sở hữu của MB, không liên quan đến tài sản đảm bảo của các ngân hàng khác.

Trong khi đó, các ngân hàng còn lại thì cho rằng, Trường Ngân đang có cà phê thế chấp với nhiều ngân hàng, nên các ngân hàng phải ngồi với nhau để giải quyết. Thế nhưng, đại diện Trường Ngân cho hay, tổng số tiền mà Công ty đang nợ các ngân hàng vào khoảng 600 tỷ đồng, trong khi số cà phê dùng làm tài sản đảm bảo vay vốn trong kho hiện chỉ còn khoảng 3.000 tấn (tương đương khoảng 100 tỷ đồng).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, Chi nhánh đã triệu tập các ngân hàng liên quan đến làm việc, đồng thời tập hợp thông tin để báo cáo lên UBND TP.HCM và NHNN. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng, chính sự cạnh tranh đẩy mạnh tín dụng, nhưng thiếu lành mạnh giữa các ngân hàng đang để lại hậu quả xấu.

Vụ việc Trường Ngân cho thấy, không loại trừ khả năng một số ngân hàng cho vay theo hàng tồn kho luân chuyển, tức là, cùng một số lượng hàng hóa nhưng doanh nghiệp thế chấp cho nhiều ngân hàng khác nhau để vay số vốn lớn hơn rất nhiều so với giá trị hàng hóa thế chấp.

Thực tế, đã có sự khác nhau giữa phương thức nhận tài sản bảo đảm giữa các ngân hàng. OCB cho biết, nhận bảo đảm bằng lô hàng hóa cụ thể theo nguyên tắc tiền vào hàng ra. Trong khi đó, một số ngân hàng nhận bảo đảm theo phương thức thế chấp hàng tồn kho luân chuyển. Phương thức này rất rủi ro, vì khó có thể xác định lượng hàng hóa thế chấp có trong kho hay không.

Một thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để kiểm soát được rủi ro trong cho vay, bản thân ngân hàng phải là người kiểm soát được tài sản thế chấp, cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong khi đó, nhiều ngân hàng đã quá chủ quan trong việc kiểm soát tài sản thế chấp, thường chỉ giao cho nhân viên bảo vệ canh giữ kho hàng, nên rủi ro rất cao.

Cũng theo lời của vị thành viên trên, chính việcchạy đua giành thị phần tín dụng và thiếu kiểm soát của các ngân hàng đã khiến rủi ro nợ xấu gia tăng. Trường hợp Trường Ngân vỡ nợ còn cho thấy, vì sợ mất khách hàng, các ngân hàng không thể ngồi lại với nhau để tìm hiểu, chia sẻ thông tin về khách hàng để hạn chế rủi ro, nên đến khi mọi việc vỡ lở thì đã quá muộn.

Tin liên quan
Tin khác