Y tế - Sức khỏe
Vì sao Việt Nam cần phải tiêm vắc-xin cúm mùa Bắc bán cầu?
D.Ngân - 13/09/2023 07:35
Cúm mùa được đánh giá là một trong những căn bệnh đáng sợ khi bùng phát thành dịch, lịch sử đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới.

Hàng năm, cứ đến mùa Đông - Xuân là các bệnh truyền nhiễm liên quan đến hô hấp lại nổi lên như là có lịch hẹn trước.

Cùng với các đợt gió mùa đông bắc đầu mùa tràn về (với miền Bắc) và các cơn mưa đầu mùa vào cuối xuân (với miền Nam) là mùa của một căn bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp rất phổ biến và khá nguy hiểm. Đó là bệnh cúm mùa (khác với bệnh cúm gia cầm).

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải đang trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về sự cần thiết của việc tiêm vắc-xin cúm mùa. Ảnh: Chí Cường

Nói về bệnh cúm mùa khá nhiều người chủ quan cho rằng, căn bệnh khá nhẹ và không có ảnh hưởng trầm trọng tới sức khoẻ. Tuy nhiên, một căn bệnh mà chúng ta nghĩ đơn giản vậy đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người do các biến chứng của bệnh.

Cúm có khả năng lây nhiễm khủng khiếp, được xếp vào một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất thế giới khi bùng phát thành đại dịch.

Trong lịch sử nhân loại đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người như: Dịch cúm Tây Ban Nha 1918, đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh cúm, trong đó, có khoảng 500.000 người tử vong bởi các vấn đề sức khỏe liên quan đến cúm.

Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 1-1.8 triệu người nhiễm cúm. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống Tiêm chủng Safpo/Potec cho rằng, một căn bệnh tưởng chừng đơn giản, nhưng để lại một hậu quả nặng nề cho cá nhân, xã hội, cộng đồng, ngành Y tế, doanh nghiệp khi mà cứ đến mùa nhiều bậc cha mẹ phải nghỉ ở nhà chăm con ốm do mắc cúm, nhiều công sở hoặc nhà máy thiếu nhân lực do nhiều người phải nghỉ do cúm mùa.

Các cơ sở y tế đôi khi bị quá tải khi số bệnh nhân cần chăm sóc đột ngột tăng cao. Theo thống kê vào năm 2016, tại Việt Nam có tới gần 300.000 trường hợp phải nhập viện do nhiễm trùng hô hấp do mắc cúm.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phòng tránh bệnh cúm. Chúng ta đều biết khi có người mắc cúm là cần cách ly, làm sạch môi trường, khẩu trang. Tuy nhiên, đó chưa phải là các biện pháp triệt để. Phòng bệnh bằng vắc-xin mới là biện pháp hữu hiệu, an toàn nhất.

Bệnh cúm mùa do vi rút cúm (thường là 4 chủng từ H1N1, H3N2 và 2 chủng nhóm B) gây ra và nó lan truyền trong cộng đồng với khả năng biến đổi kháng nguyên liên tục (chúng ta sẽ thường xuyên tiếp xúc với vi rút cúm mới) nhưng theo quy luật nhất định về di truyền. Vì mỗi năm, chủng vi rút cúm lưu hành khác nhau nên chúng ta cần tiêm nhắc vắc-xin cúm mùa hàng năm (1 lần trong năm).

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ lâu thiết lập các trạm quan trắc vi rút cúm mùa trên khắp thế giới (có cả ở Việt Nam) để phân lập, xác đinh vi rút cúm mùa lưu hành ở các khu vực (các vùng địa lý, khí hậu, Bắc bán cầu và Nam bán cầu…).

Từ đó dự đoán, xác định chủng vi rút cúm sẽ xuất hiện vào mùa Đông Xuân khu vực Bắc bán cầu (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau) và vào mùa Đông xuân khu vực Nam bán cầu (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm).

Từ việc xác lập được khả năng chủng vi rút cúm nào sẽ hoành hành ở đâu (Bắc và Nam bán cầu), WHO sẽ đưa ra các hướng dẫn về chủng vi rút cúm để sản xuất vắc-xin phòng cúm mùa cho các nhà sản xuất vắc-xin tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất (Bắc bán cầu là vào tầm tháng 8-9, còn Nam bán cầu là vào tháng 4-5 hàng năm).

Đó là lý do tại sao chúng ta sống ở Việt Nam lại cần tiêm vắc-xin cúm mùa mỗi năm 1 lần và vào thời điểm trước khi mùa bệnh cúm bắt đầu cũng như cần tiêm đúng vắc-xin theo mùa đã được khuyến cáo.

Do Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên mùa cúm ở miền Bắc và miền Nam có thể lệch nhau chút về thời gian nhưng vì chúng ta nằm trọn vẹn ở Bắc bán cầu và theo khuyến cáo của WHO, chúng ta nên tiêm đúng chủng loại vắc-xin Bắc bán cầu theo mùa, tức là bao trùm từ mùa Đông năm nay tới hết mùa Xuân năm sau.

Theo chuyên gia, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, bệnh dễ gặp nhất ở những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc sức đề kháng yếu như trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm vắc-xin cúm nên có nguy cơ nhiễm cúm rất cao.

Đối với những em bé sinh non (dưới 32 tuần tuổi) kèm theo những nguy cơ về sức khỏe có khả năng mắc cúm cao hơn và diễn biến nặng nề hơn.

Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm mùa.

Với những trẻ mắc bệnh lý nền như suyễn, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim bẩm sinh, bệnh gan, thận… thì nguy cơ mắc cúm và biến chứng đặc biệt cao, do đó trẻ em luôn là đối tượng được khuyến cáo tiêm vắc xin cúm đầy đủ và tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.

Người lớn >65 tuổi; những người có bệnh nền mãn tính như: tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch... là những đối tượng dễ mắc các biến chứng nặng khi mắc cúm.

Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cũng là đối tượng cần đặc biệt chú ý, tránh mắc cúm bởi có thể ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ. Theo đó, khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều sự thay đổi, nội tiết tố thay đổi, hệ miễn dịch yếu hơn khiến cho sức đề kháng của họ suy giảm.

Điều này khiến cơ thể bà bầu nhạy cảm hơn và dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh. Tương tự, trải qua quá trình sinh nở, người phụ nữ bị suy giảm sức khỏe thể chất cũng như sức đề kháng, tạo điều kiện cho virus cúm dễ dàng tấn công.

Bệnh cúm có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm thông thường, do đó rất nhiều người chủ quan, xem nhẹ, không điều trị hoặc điều trị trễ khi bệnh chuyển nặng, có thể gây biến chứng nguy hiểm đường hô hấp như viêm phổi, suy hô hấp. Cúm còn là khởi nguồn của viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu… nếu không được điều trị kịp thời.

Phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ thì rất nguy hiểm. Đây là giai đoạn thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển nhiều bộ phận của cơ thể, do đó nếu người mẹ mắc cúm trong giai đoạn này sẽ có nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai hoặc thai lưu.

Biến chứng của bệnh cúm, nguy hiểm nhất là hội chứng Reye (gây sưng phù ở gan và não), thường gặp nhất ở trẻ trong độ tuổi 2 - 16. Mặc dù đây là hội chứng rất hiếm gặp nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao.

Biến chứng này có thể xuất hiện chỉ sau vài ngày bị cúm, khi các triệu chứng cúm có dấu hiệu giảm dần, trẻ đột nhiên nôn mửa, mê sảng, co giật, chuyển sang hôn mê sâu rồi tử vong.

Đặc biệt, cúm là bệnh do vi rút gây ra và có thể phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc-xin. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Canada đã chỉ ra rằng tiêm phòng vắc-xin cúm có thể giảm tới 50% nguy cơ đột quỵ, đau tim và tử vong do các bệnh lý liên quan tới tim mạch.

Tại Việt Nam, vắc-xin cúm mùa được chỉ định tiêm phòng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn. Đặc biệt, ưu tiên nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, người >50 tuổi, có bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạn tính, bệnh thận, gan, rối loạn huyết học, chuyển hóa (gồm tiểu đường, người suy giảm miễn miễn), phụ nữ mang thai, nhân viên y tế.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả các loại vắc-xin cúm đã được chứng minh làm giảm khả năng mắc và tử vong do cúm. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vắc-xin cúm chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm và virus cúm thường có tính đột biến cũng như thay đổi cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ năm, do đó trẻ em, người lớn rất cần được tiêm vắc-xin cúm nhắc lại hằng năm.

Tin liên quan
Tin khác