Y tế - Sức khỏe
Hiệu quả của vắc-xin cúm mùa GCFLU Quadrivalent
D.Ngân - 23/09/2022 22:12
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cách phòng, chống hiệu quả nhất bệnh cúm mùa do nhiễm khuẩn đường hô hấp là tiêm phòng vắc-xin.

Tại Hội thảo khoa học "Cập nhật phòng tránh bệnh cúm mùa Đông - Xuân năm 2022 - 2023" do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức ngày 23/9, PGS.TS. Bùi Vũ Huy, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, ở Việt Nam, cúm mùa chủ yếu xảy ra vào mùa đông với bất cứ ai và ở bất kỳ độ tuổi nào. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Cập nhật phòng tránh bệnh cúm mùa Đông- Xuân năm 2022-2023".

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, mô hình bệnh cúm phần nào được thay đổi nên cúm mùa có thể xảy ra vào các thời điểm khác nhau trong năm. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc cúm vào mùa Thu- Đông vẫn sẽ cao hơn nhiều so với các thời điểm khác.

Cũng theo chuyên gia, cúm mùa tuy là bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng đối với nhóm người có nguy cơ cao, trong một số trường hợp có thể tử vong.

Theo WHO, tiêm chủng là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn nhiễm cúm và các biến chứng nghiêm trọng. Hàng năm, WHO đưa ra khuyến nghị về thành phần vắc-xin cần nhắm vào các chủng tiêu biểu nhất đang lưu hành. 

Vắc-xin cúm mùa tam giá (3 chủng) đang phổ biến hiện bao gồm 2 chủng cúm A và một chủng cúm B. Tuy nhiên, các chủng được khuyến nghị có thể không phản ánh hết những chủng đang lưu hành hiện tại.

Vậy nên, có thể nói, vắc-xin cúm mùa 3 chủng hiện nay không phải là tối ưu nhất để bảo vệ mọi người chống lại bệnh cúm mùa. Việc bổ sung chủng virus cúm B thứ 2 vào các vắc-xin cúm mùa tam giá hiện tại sẽ giúp giải quyết các vấn đề không phù hợp trên.

Hiện nay, có nhiều loại vắc-xin cúm mùa đang được sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng, song các chuyên gia nhận định, vắc-xin cúm mùa tứ giá (4 chủng) GCFLU Quadrivalent (2 chủng A và 2 chủng B) là dòng vắc-xin có thể giúp phòng 4 chủng cúm mùa mới nhất theo khuyến cáo WHO hàng năm. 

Ông Kang Jin-Han, thành viên Hội đồng quản trị Liên đoàn Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (phải) phát biểu tại Hội thảo.

Vắc-xin cúm mùa tứ giá GCFLU Quadrivalent được chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và có thể sử dụng trong tất cả giai đoạn của thai kỳ, mang lại hiệu quả bảo vệ cao, an toàn cho cả mẹ bầu và em bé.

Chuyên gia cũng khuyến cáo các đối tượng nguy cơ cao cần được tiêm phòng vắc-xin GCFLU Quadrivalent là người già từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai, mới sinh đến sau sinh 2 tuần, trẻ em. 

Ông Kang Jin-Han, thành viên Hội đồng quản trị Liên đoàn Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đưa ra khuyến cáo, do các chủng virus cúm có thể thay đổi hàng năm nên mỗi năm, tất cả mọi người trên 6 tháng tuổi nên tiêm vắc-xin chủng cúm nhắc lại. 

Đặc biệt, việc tiêm vắc-xin này cần được ưu tiên đối với nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai và những người mắc các bệnh mãn tính để giảm thiểu tối đa các biến chứng nặng không mong muốn.

Cũng tại Hội thảo PGS.TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã nhấn mạnh về hệ lụy khi đồng nhiễm cúm với các bệnh truyền nhiễm khác.

Theo PGS.TS. Phạm Quang Thái, nhiều người có thể đồng nhiễm 2-3 bệnh, ví như nhiễm cúm, Covid-19, sốt xuất huyết, khi ấy nguy cơ bị nặng rất cao và gây khó khăn trong việc chỉ định dùng thuốc điều trị. 

PGS.TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Chuyên gia cho rằng, hiện các vắc-xin cúm tại Việt Nam cơ bản các nhà sản xuất cố gắng cập nhất hết các chủng đang lưu hành được WHO khuyến cáo. Tuy nhiên, với mỗi công nghệ có ưu và nhược điểm khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất cho tới thời điểm này là các vắc-xin đều giảm tình trạng nặng, tử vong và nhập viện.

“Tiêm vắc-xin không những tránh được bệnh cúm còn giúp tránh các bệnh khác nữa, giúp cho hệ miễn dịch khỏe”, PGS.TS. Phạm Quang Thái nhấn mạnh. 

Còn theo ý kiến của TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, có 4 chủng (còn gọi là týp -types) virus cúm: A, B, C và D. 

Trong đó, các viru scúm A và B thường gây ra những đợt bùng phát bệnh ở người theo mùa (nên thường được gọi là cúm mùa). Các đợt bùng phát cúm chủ yếu xảy ra vào mùa Đông - Xuân (ở Mỹ, cúm  hầu như chỉ  xảy ra vào mùa Đông). 

Virus cúm A là virus cúm duy nhất được biết đến là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm, như những lần dịch cúm toàn cầu. Đại dịch thường xảy ra khi có một loại virus cúm A mới hoặc là khác với trước đây xuất hiện, kèm theo có hai đặc tính lây nhiễm mạnh và lây lan nhanh từ người sang người.

Các virus cúm B nói chung thay đổi chậm hơn về đặc tính di truyền và kháng nguyên so với virus cúm A, đặc biệt là viruscúm A (H3N2). Dữ liệu giám sát bệnh cúm từ những năm gần đây cho thấy có sự đồng lưu hành của  cả hai dòng virus cúm B  trên thế giới.

Tuy nhiên, tỉ lệ lưu hành virus cúm B mỗi dòng có thể thay đổi theo vị trí địa lý và theo mùa. Trong những năm gần đây, virus cúm B / Yamagata lưu hành ít thường xuyên hơn nhiều so với vi rút cúm B / Victoria trên toàn cầu.

Tiêm vắc-xin phòng cúm là giải pháp dự phòng cúm chủ động và hiệu quả.

Nhiễm virus cúm C thường gây ra bệnh nhẹ và không được cho là gây dịch ở người. Virus cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và  chưa được ghi nhận là có thể lây nhiễm hoặc gây bệnh cho người.

Vắc-xin phòng cúm hiện nay được sản xuất để bảo vệ, chống lại các chủng  virus cúm gây dịch theo mùa bao gồm virus cúm A (H1N1), virus cúm A (H3N2), virus cúm B/Victoria và virus cúm B/Yamagata. 

Vì vậy, tiêm vắc-xin phòng cúm là giải pháp dự phòng cúm chủ động và hiệu quả. "Xu hướng hiện nay, cộng đồng đang ghi nhận vai trò của vắc - xin phòng cúm tứ giá (mang kháng nguyên của 4 loại virus cúm - 2 loại virus cúm A và 2 loại virus cúm B) cả về khía cạnh hiệu quả phòng bệnh và chi phí y tế trực tiếp cũng như gián tiếp", bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương nêu.

Tin liên quan
Tin khác