Bệnh nhân cúm đang điều trị tại cơ sở y tế. |
Biến chứng nguy hiểm
Khác với trước đây, bệnh nhân mắc cúm A còn có thể xuất hiện những triệu chứng về mặt thần kinh rất nguy hiểm.
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 6 tháng tuổi, trú tại Hà Tĩnh, tới cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng do mắc cúm A, phải thở oxy, hỗ trợ khí rung, có nguy cơ phải đặt ống nội khí quản, thở máy.
Đáng nói hơn, bệnh nhi này vốn có bệnh nền viêm phổi. Do đó, tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp đã khá nặng, cộng thêm cúm A khiến phổi tổn thương nhiều hơn, dẫn đến suy hô hấp tiến triển nhanh.
Cũng theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi trung ương, trong vòng 3 tuần qua, số trẻ mắc cúm A có biểu hiện xu hướng tăng, lượng bệnh nhi phải nhập viện do bệnh lý này cũng tăng mạnh.
TS. Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, biểu hiện cúm A thường thấy ở các trẻ nhỏ là sốt cao liên tục trên 38,5-39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, ăn uống kém, mệt mỏi, một số trường hợp còn có tình trạng co giật.
Tuy nhiên, vị chuyên gia thông tin diễn biến của bệnh cúm A ở thời điểm hiện tại cũng có nhiều điểm khác so với trước đây. Trước đây, các bệnh nhân cúm A thường chỉ có các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên kèm sốt.
Ngoài ra, không có các triệu chứng về thần kinh. Tuy nhiên, từ mùa cúm năm 2019-2020, các cơ sở y tế đã ghi nhận có những triệu chứng nặng hơn rõ rệt về mặt thần kinh rất nặng nề.
TS. Hải nêu ví dụ các trường hợp mắc cúm A tới khám trong khoảng thời gian trên có thêm biểu hiện co giật với tỷ lệ lên tới 45%. Đáng chú ý, khoảng 6% trẻ nhỏ sau khi nhiễm virus cúm A có thêm biểu hiện viêm não.
Từ đây, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định cúm thường diễn biến lành tính, bệnh nhân có thể hồi phục sau khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, nhất là những trường hợp có bệnh nền, cúm A có thể diễn biến nặng nề hơn, dễ xuất hiện biến chứng.
Cũng trong tình trạng tương tự, tại Khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số lượng bệnh nhân phải nhập viện do cúm A tăng cao bất thường so với những năm trước.
Cụ thể, trong hàng trăm trường hợp đến thăm khám mỗi ngày tại đây, các bác sĩ phát hiện đến 20-25% trên tổng số bệnh nhân bị cúm A.
Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong 2 tuần qua bệnh viện tiếp nhận gần 100 trường hợp đến thăm khám với các triệu chứng của cúm A.
Trong đó, có 30 trường hợp mắc cúm A là các gia đình công nhân tại khu công nghiệp, nhiều trường hợp bệnh đã diễn biến nặng, xuất hiện tình trạng viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy.
Tăng cao tỷ lệ người dân tiêm vắc-xin cúm
Trước những lo ngại về dịch cúm A, nhu cầu tiêm vắc-xin cúm của người dân đang tăng. Đại diện một số hệ thống tiêm chủng như VNVC, Safpo cho biết, cơ sở cố gắng đảm bảo cung ứng lượng vắc-xin theo nhu cầu.
"Hiện các hãng cung cấp xác nhận tiếp tục cung ứng. Tuy nhiên, vắc-xin có thể hết nếu nhu cầu tiêm vắc-xin tiếp tục tăng cao", đại diện một cơ sở tiêm chủng cho hay.
Về việc tiêm vắc-xin cúm, TS. Đỗ Thiện Hải khẳng định ở thời điểm hiện tại, biện pháp phòng bệnh cúm A hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc-xin phòng cúm chủ động.
Thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa Đông- Xuân khoảng 3 tháng (tức từ tháng 7 đến tháng 9). “Lúc này, cơ thể sẽ kịp sản sinh kháng thể cần thiết trong việc chống lại virus gây bệnh”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, virus cúm A không ngừng biến đổi. Sau một năm, kháng thể cũng dần ít đi. Do đó, chuyên gia khuyến cáo người dân nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm.
Đối với trẻ em, TS. Hải cảnh báo, triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, trẻ đều có thể có sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng…
Do vậy, khi trẻ có những dấu hiệu này, cha mẹ thường rất khó phân biệt được có phải trẻ mắc cúm A hay không.
Tuy nhiên, ngoài các triệu chứng ban đầu như trên, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da mắt sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ, trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần thực hiện bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối.
Mỗi người cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh. Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.