Thông tin trên Công thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, quỹ thuộc VinaCapital nắm gần 1,23% vốn Hưng Thịnh Land, còn 3 quỹ liên quan Dragon Capital nắm 3,82% vốn (tại thời điểm tháng 7 năm 2022).
Đây cũng là nội dung được quan tâm trong buổi họp báo nhân sự kiện Hội nghị Nhà đầu tư 2022 do VinaCapital tổ chức tuần qua.
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital chia sẻ về luận điểm đầu tư của VinaCapital là tìm kiếm các doanh nghiệp tiềm năng nhưng định giá hấp dẫn. Với những cơ hội đầu tư quá dễ dàng, thấy ngay trước mắt thì thường phải trả mức giá rất cao.
Những doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn và có tiếng tăm thì đương nhiên là tốt, nhưng đồng nghĩa định giá không còn rẻ. Trong khi nhiệm vụ của VinaCapital là tối ưu hoá lợi nhuận cho nhà đầu tư, nênchấp nhận rủi ro cao hơn thay vào đó là bỏ công nghiên cứu sâu, phân tích kỹ lưỡng để bảo vệ các khoản đầu tư, tìm kiếm ra được một cơ hội đầu tư mới mẻ và mang lại tỷ suất sinh lời cao. Đây là lợi ích mà VinaCapital mang lại cho các nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào quỹ.
“Nếu có công ty nào khó khăn, hãy giới thiệu cho chúng tôi, vì chúng tôi sẽ giúp đỡ họ phục hồi, tái cơ cấu, quản trị công ty…Hãy nhìn Công ty Sữa Quốc Tế - IDP đã có mấy năm khó khăn, còn bây giờ thì đang phát triển rất tốt”, ông Andy Ho nói.
Hay các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang không được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mực, yếu cái này, nên VinaCapital có thể hỗ trợ để doanh nghiệp cải thiện hơn.
Đối với Hưng Thịnh Land, Chuyên gia VinaCapital đánh giá, là doanh nghiệp lâu năm trên thị trường bất động sản, có số lượng dự án đã và đang thực hiện hơn 50 dự án, với giá trị vài tỷ USD – cũng là doanh nghiệp tiềm năng.
Dù rằng, khó khăn trước mắt của ngành bất động sản là thấy rõ, đó là nguồn vốn từ ngân hàng và trái phiếu, nhưng VinaCapital đánh giá đây là khó khăn tạm thời. Các doanh nghiệp có năng lực cốt lõi về phát triển dự án thì vẫn sẽ phát triển tốt trong tương lai.
Ông Andy Ho cho rằng, nếu doanh nghiệp cần tái cơ cấu, cần thay đổi tư duy hay cách điều hành doanh nghiệp, Vinacapital hoàn toàn có thể hỗ trợ cho công ty đó có cơ hội phát triển đúng với thực lực của mình.
Theo thông tin được công bố trước đó của Hưng Thịnh Land, năm 2021, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.995 tỷ đồng - tăng gấp 3 lần so với năm 2020, trong đó, gần 40% doanh thu đến từ việc bàn giao hơn 1.000 sản phẩm tới khách hàng trong năm 2021 - kể cả trong giai đoạn thị trường bất động sản gặp điều kiện bất lợi do Covid-19. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp của công ty luôn ổn định ở mức gần 54%, biên lợi nhuận ròng đạt hơn 34%, giúp Hưng Thịnh Land nằm trong nhóm đầu doanh nghiệp bất động sản có biên lợi nhuận cao trên thị trường.
Tổng tài sản của công ty tính đến cuối năm 2021 đạt mức 51.393 tỷ đồng - tăng 2,5 lần so với năm 2020. Tổng hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang của công ty đạt 16.593 tỷ đồng - tăng mạnh so với cuối năm 2020. Đây là giá trị quỹ đất mà Hưng Thịnh Land đang sở hữu tại các dự án như Lavita Thuận An (Bình Dương), Grand Center, Ghềnh Ráng, MerryLand Quy Nhơn (Bình Định), Trường Thọ (Tp. Hồ Chí Minh)…
Tổng vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2021 của Hưng Thịnh Land đã tăng 2,3 lần, đạt 15.313 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ tăng 74% so với cùng kỳ năm 2020 lên 9.379 tỷ đồng.
Ngày 21/7/2022, Hưng Thịnh Land chính thức nộp hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Dự kiến, Công ty sẽ thực hiện chào bán vào đầu năm 2023 và niêm yết cổ phiếu trên HoSE vào nửa đầu năm sau.
Về lĩnh vực đầu tư tư nhân (PE), VinaCapital cho biết, trong 24 tháng qua, riêng quỹ VOF (do VinaCapital quản lý) và VinaCapital có danh mục tiềm năng lên đến 250 triệu USD. Khi làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ PE trên thế giới họ đang quan tâm nhiều về doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Họ cũng hỏi nhiều về các khoản đầu tư trong danh mục của VOF và của VinaCapital với một số lĩnh vực được quan tâm đặc biệt là y tế, giáo dục, bán lẻ.