Bạo liệt hay âm thầm, có tình có lý hay có lý có tình, chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” đã bước đầu thu lại kết quả tích cực khi nhiều tuyến phố trung tâm đã khang trang, gọn gàng hơn rất nhiều.
Cần phải nói thêm rằng, trên thực tế, việc đảm bảo trật tư an toàn giao thông, trật tự đô thị gắn với quản lý lòng đường, vỉa hè được tiến hành từ nhiều năm, nhưng kết quả chưa tương xứng. Thực tế cũng cho thấy, vỉa hè, lòng đường liên tục bị tái chiếm sau mỗi đợt ra quân dọn dẹp tốn tiền, hao của. Đây là lý do khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính bền vững của đợt cao điểm giành lại vỉa hè lần này của chính quyền hai thành phố lớn.
Dường như, người dân và các nhà kinh tế đang dồn sự quan tâm vào các dự án lớn mà ít quan tâm tới những dự án nhỏ |
Không ít ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng khi “xử vỉa hè” phải “có tình, có lý" - một câu nói rất... Việt Nam.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cần phải nói ngược lại là “có lý, có tình”. Ở trường hợp này, “lý” chính là pháp luật, là thoả thuận, cam kết của hơn 93 triệu người dân Việt Nam trong việc đảm bảo chức năng giao thông của vỉa hè. Riêng cái “tình”, quan trọng nhất là làm sao giữ được cam kết ấy nhằm bảo vệ được đại đa số quyền lợi của người dân.
Để công tác này đạt kết quả như mong đợi, các thành phố lớn nên triển khai theo từng bước, có thí điểm để rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai diện rộng sang các tuyến phố, quận, huyện khác. Quan trọng nhất, cần có kế hoạch đầu tư đầy đủ cả nhân lực, vật lực và phát động được phong trào quần chúng lan rộng trong việc chống lấn chiếm vỉa hè, nâng cao ý thức của mỗi người dân.
Ở đây, cũng không nên quá cực đoan, mà cần xem xét, tính toán những đoạn vỉa hè nào rộng hơn 5 m, không ở khu vực nhạy cảm, có thể buôn bán được thì quy hoạch và sắp xếp cho một số hộ kinh doanh nhỏ, kinh doanh có điều kiện về thời gian, vệ sinh kèm mức phí, lệ phí theo đúng quy định hiện hành trong Luật Phí và Lệ phí.
Vỉa hè không chỉ có công năng là dành riêng cho người đi bộ, mà còn những công năng khác nữa. Trách nhiệm của của nhà làm luật phải quy hoạch những công năng đó trên từng lô vỉa hè cho phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương.
Dường như, người dân và các nhà kinh tế đang dồn sự quan tâm vào các dự án lớn mà ít quan tâm tới những dự án nhỏ. Trong khi đó, cùng với những việc lớn, còn những công việc rất nhỏ, rất thô sơ, chẳng hạn như bán hàng rong, sửa chữa giày dép... song mang lại thu nhập cho người dân. Trên vỉa hè có nhiều người đang kinh doanh, làm giàu, nhưng cũng có không ít người mưu sinh nhờ vỉa hè. Do có nhiều đối tượng khác nhau, nên cần chính quyền địa phương cần ứng xử tuỳ trường hợp cụ thể, không thể làm máy móc.
Chính quyền địa phương nào quán triệt được tinh thần làm việc do dân, của dân và vì dân thì các cách làm và biện pháp duy trì đều thực hiện đúng quy định của pháp luật, hợp với lòng dân, đảm bảo kết quả bền vững. Có thể nhận định rằng, nếu chính quyền địa phương nào mới chỉ chăm chăm làm sạch vỉa hè, không thay đổi kết cấu giao thông, quản lý tốt phương tiện cá nhân, không tạo điều kiện cho phát triển giao thông công cộng thì chưa thể giải quyết được gốc rễ vấn đề. Khi đó, vỉa hè vẫn lãng phí công năng chính bởi tiếp tục vắng bóng người đi bộ để kết nối các điểm xe buýt, metro, dù cơ quan chức năng nỗ lực duy trì trật tự.