“Nhiều ý kiến đề nghị kéo dài thời gian giảm thuế vài năm nữa vì doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, nhưng tôi cho rằng, gia hạn, miễn, giảm thuế chỉ có thời hạn”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) chia sẻ.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính). |
Đây là lần thứ 2 liên tiếp, Quốc hội đồng ý với đề xuất giảm thuế GTGT. Ông đánh giá thế nào về chính sách này?
Việc giảm thuế GTGT trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/7/2023 là quyết định rất kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Trên lý thuyết, đối tượng được hưởng lợi là người tiêu dùng, do đây là thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng, chứ không phải doanh nghiệp.
Nhưng doanh nghiệp lại được hưởng lợi cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Về gián tiếp, thuế GTGT giảm, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường giảm, doanh nghiệp tăng doanh thu, tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó tăng được lợi nhuận. Thuế GTGT không chỉ giảm cho hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, mà còn cả hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất, kinh doanh, nên khi thuế giảm, doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá thành sản xuất, giảm được giá bán, dẫn đến tiêu dùng trong nước tăng, từ đó đẩy nhanh vòng quay của sản xuất, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.
Ông có nghĩ rằng, việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT có góp phần giảm lạm phát?
Chắc chắn là giảm được lạm phát. Theo tính toán, giảm 2% thuế suất thuế GTGT sẽ giảm được giá bán hàng hóa trên thị trường từ 1,5% đến 1,7%. Đúng là lạm phát của nước ta hiện tại tương đối thấp so với thế giới, nhưng Chỉ số Giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 3,29%, tức là tiến gần ngưỡng tối đa 4,5% mà Quốc hội cho phép, trong khi lạm phát cơ bản đã tăng 4,74%.
Vì vậy, việc giảm thuế GTGT sẽ kéo mặt bằng giá cả hàng hóa trên thị trường xuống thấp hơn nữa. Lạm phát thấp là căn cứ vô cùng quan trọng để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành, ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay nhờ giảm được lãi suất huy động, qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng rẻ hơn, giảm được chi phí đầu vào, gia tăng lợi nhuận.
Giá hàng hóa, dịch vụ phụ thuộc vào cung - cầu trên thị trường, nên việc giảm thuế GTGT chưa chắc làm giảm giá trên thị trường, thưa ông?
Để việc giảm thuế đi vào thực tiễn, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng thuế chỉ giảm trên hóa đơn, còn người tiêu dùng vẫn không được hưởng.
Doanh nghiệp nên nhớ rằng, giảm thuế GTGT là sự hỗ trợ có thời hạn của Nhà nước cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển, vì vậy, phải tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để thực thi.
Cụ thể, phải biết chính xác loại hàng hóa nào là đầu vào của sản xuất được giảm, loại nào không, từ đó tính ra chi phí chung cho cả quá trình sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, tính được giá thành đầu ra của sản phẩm, từ đó chủ động giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp “đục nước béo cò”, không chịu giảm giá bán, thì người tiêu dùng chắc chắn quay lưng với hàng hóa sản xuất trong nước và thay vào đó là sử dụng hàng tiêu dùng nhập khẩu.
Quá trình tính toán kể trên mặc dù phức tạp, nhưng chắc không mất quá nhiều thời gian vì doanh nghiệp đã có kinh nghiệm từ việc giảm thuế GTGT năm 2022. Bên cạnh đó, cơ quan thuế phải đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, cửa hàng kinh doanh trong việc lập hóa đơn, chứng từ để doanh nghiệp không vi phạm, người tiêu dùng được hưởng lợi, hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi, vì thời gian gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất chỉ có hạn, không kéo dài.
Tại sao không thể kéo dài, khi lãnh đạo ngành tài chính chính cho biết, qua 3 năm thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi, hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi?
Khi xây dựng các chính sách miễn, giảm, gia hạn, theo tôi được biết, nhiều hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và cả đại biểu Quốc hội cũng muốn kéo dài thời gian gia hạn, miễn giảm vài năm nữa, thay vì cứ hết năm lại phải ban hành chính sách mới, vì dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh phải khó khăn vài năm nữa.
Tôi cho rằng, quan điểm trên chỉ nhìn ở một phía, đó là người nộp thuế, chứ chưa nhìn ở phía ngân sách nhà nước. Kế hoạch thu - chi ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 (tài chính trung hạn) đã được Quốc hội thông qua. Trong kế hoạch tài chính trung hạn, phải thu được tối thiểu bao nhiêu để đủ nguồn chi thường xuyên, đầu tư phát triển, trả nợ và phải có nguồn dự phòng để chi khi gặp phải thiên tai, hạn hán, lũ lụt hay dịch bệnh. Nếu không có thu thì lấy đâu ra để chi, hụt thu sẽ tác động ngay tới nhiều cân đối vĩ mô khác, như nợ công, bội chi và thực hiện rất nhiều chính sách an sinh xã hội khác.
Vì vậy, việc miễn, giảm, gia hạn phải thực hiện có thời hạn, chỉ nằm gọn trong năm tài chính ngân sách (kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm), nếu năm tiếp theo còn khó khăn, thì tính toán lại xem miễn, giảm, gia hạn với đối tượng nào, thời hạn bao lâu, mức độ ra sao...
Nhưng trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước vẫn vượt dự toán, thưa ông?
Vượt thu chẳng qua là nhìn thấy tình hình thực tế còn khó khăn, dự báo năm tới chưa hết khó khăn, nên Bộ Tài chính chủ động đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội dự toán thấp. Bên cạnh đó, vượt thu chủ yếu là từ nguồn đấu giá đất đất đai, là nhờ thị trường bất động sản có thời gian sôi động, nhưng từ giữa năm 2022 trở lại đây, điều kiện “địa lợi” này không còn nữa. Vì vậy, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 54% dự toán, nhưng giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước đạt gần 54% dự toán năm, nhưng lại giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm nay, ngân sách nhà nước rất căng, vì giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã làm giảm thu 38.000 tỷ đồng, giảm tiền thuê đất 3.500 tỷ đồng, giảm thuế GTGT khoảng 35.000 tỷ đồng, giảm thu do giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng...
Ông có nghĩ rằng, giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô nội địa là không công bằng, vì như vậy là giảm thuế cho một bộ phận người giàu, trong khi đáng ra phải giảm lệ phí xe máy mới đúng?
Chính sách này không phải bây giờ mới thực hiện, mà đã thực hiện 2 lần trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, khi tiêu thụ ô tô nói chung, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nói riêng bị ngưng trệ. Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước đã từng thực hiện cho thấy rất hiệu quả, góp phần tăng tiêu thụ, sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí chính xác khác.
Việc giảm lệ phí trước bạ ô tô nội địa không phải là chính sách hỗ trợ người giàu, mà hướng hướng đến phát triển ngành công nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô; phát triển ngành công nghiệp cơ khí chính xác - chính sách được Việt Nam theo đuổi từ rất lâu, nhưng có thể nói là chưa thành công. Trong khi đó, ngành công nghiệp xe máy nước ta đã tương đối phát triển, nhiều doanh nghiệp nội địa đã tham gia lĩnh vực này.