Trong phiên xét xử buổi chiều ngày 27/11, đại diện Viện kiểm sát đã đọc bản luận tội các bị cáo.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM, và Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM mức án từ 7 - 8 năm tù.
Bị cáo Lê Văn Thành, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM; Trương Văn Út, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất - Sở Tài nguyên - Môi trường bị đề nghị xử phạt mức án từ 5 - 6 năm tù. Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị Hội đồng xét xử trả lại hộ chiếu cho bị cáo Lê Văn Thành, vì đây là giấy tờ tùy thân của bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Thanh Chương, nguyên Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND TP.HCM, được VKS đề xuất mức án nhẹ nhất, từ 4 – 5 năm tù. Các bị cáo ở trên đều phạm tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bị đề nghị mức án 7 - 8 năm tù |
Theo đại diện Viện kiểm sát, nhà đất số 15 Thi Sách tại quận 1, là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, thẩm quyền quản lý sử dụng sắp xếp thuộc UBND TP.HCM. Nhưng khi tiếp nhận đề nghị cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 được trực tiếp ký hợp đồng thuê đất của Bộ Công an, bị cáo Nguyễn Hữu Tín đã không báo cáo Chủ tịch UBND TP.HCM, trưởng Ban chỉ đạo 09, mà giao sở tài nguyên môi trường chủ trì.
Bị cáo Tín cũng là người trực tiếp ký các công văn về việc chấp thuận cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 thuê đất tại số 15 Thi Sách; đồng ý cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc năm 79 khấu trừ tiền chi phí bồi thường đối với tài sản trên đất và tiền thuê đất… dẫn đến thiệt hại, thất thoát tài sản của nhà nước với số tiền là 6,7 tỷ đồng.
Đồng thời, hành vi này còn là nguyên nhân dẫn đến việc hiện nay nhà nước chưa thu hồi được số tiền 802 tỷ đồng là tiền giá trị quyền sử dụng đất. Do đó, Viện kiểm sát tối cao truy tố bị cáo Nguyễn Hữu Tín về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước lên cấp thất thoát lãng phí là hoàn toàn có căn cứ.
Bởi với cương vị của người quyết định vụ việc, chỉ đạo của bị cáo mang tính định hướng cho cấp dưới thực hiện. Bị cáo được nhà nước trao quyền quản lý nhưng đã cố ý làm trái khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Hậu quả mà bị cáo gây ra không chỉ về kinh tế mà còn là sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, cần có một bản án nghiêm minh, mang tính răn đe giáo dục cao để phòng ngừa đối với hành vi phạm pháp luật tương tự.
Theo Viện kiểm sát TP.HCM, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Hữu Tín nhiều lần thừa nhận sai phạm của mình trước Hội đồng xét xử, thể hiện sự ăn năn hối hận của bị cáo. Bị cáo cũng đã chủ động vận động gia đình nộp 1,5 tỷ đồng để khắc phục phần nào hậu quả do mình đã gây ra cho nhà nước.
Hơn nữa, bản thân bị cáo là người có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng Huân chương Độc Lập của Chủ tịch nước, nhiều bằng khen giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, và cũng có những đóng góp nhất định trong công cuộc xây dựng thành phố Hồ Chí Minh.
“Đây là những tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được hưởng, vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét”, đại diện Viện kiểm sát nói.