Ngày 6/8, trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm đăng kiểm và chi cục đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác trên cả nước về 11 tội danh đối với 254 bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM (Viện Kiểm sát) đã có nội dung đối đáp lại lời khai của nhóm bị cáo tại các Trung tâm đăng kiểm khối V (Cục đăng kiểm Việt Nam quản lý).
Về hành vi phạm tội và trách nhiệm hình sự của các bị cáo tại Trung tâm đăng kiểm 50-03V, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn Chủ (Giám đốc Trung tâm), Bùi Văn Hữu (Phó giám đốc Trung tâm), Vũ Văn Nguyên, Trần Đức Hòa khai báo chưa thành khẩn về việc triển khai chủ trương cho phép các đăng kiểm viên nhận tiền của người đưa xe đến đăng kiểm. Nhưng thừa nhận có tình trạng đăng kiểm viên nhận tiền khi kiểm tra phương tiện dù có lỗi hay không có lỗi. Sau đó giao chuyền trưởng, gom vào sau đó chia nhau. Tiền chia nhau thừa nhận có hưởng lợi sử dụng cá nhân. Trần Văn Chủ còn sử dụng 1 phần tiền này đưa hối lộ lên lãnh đạo Cục đăng kiểm.
Các bị cáo là Ban Lãnh đạo Trung tâm cũng cho rằng không có chủ trương cho phép, không biết việc đăng kiểm viên bỏ lỗi để nhận tiền chia nhau. Nhưng đều thừa nhận có nhận tiền từ các trưởng chuyền và đăng kiểm viên đưa từ nguồn tiền của khách hàng để hưởng lợi và nộp lên cấp trên. Từ đó, Viện Kiểm sát cho rằng, các bị cáo là lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, sự việc sai phạm có việc nhận tiền hối lộ xảy ra tại Trung tâm không chỉ diễn ra vài ngày vài tuần mà kéo dài cả năm. Cho thấy các bị cáo mới chỉ thành khẩn một phần về hành vi phạm tội của mình.
“Kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ, lời khai của các bị cáo là đăng kiểm viên, lời khai chủ phương tiện, của bị cáo là cò đăng kiểm… tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa đều thể hiện có chủ trương cho phép nhận tiền từ lãnh đạo Trung tâm đến các trưởng chuyền và đăng kiểm viên”, đại diện Viện Kiểm sát nói.
Các bị cáo là lãnh đạo Cục Đăng kiểm tại toà. Ảnh: Lê Toàn |
Còn tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V, các bị cáo là Nguyễn Đình Quân (Giám đốc Trung tâm), Trần Anh Tú (Phó giám đốc phụ trách), Phạm Ngọc Hà (Phó giám đốc phụ trách cơ sở An Phú Đông), Khuất Duy Thịnh (Phó giám đốc phụ trách chi nhánh Hồng Hà) xin xem xét đánh giá lại số tiền chịu trách nhiệm hình sự. Lý do vì số tiền Cơ quan cảnh sát điều tra tính ra là quá cao.
Đối đáp lại nội dung này, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, về cách tính tiền chịu trách nhiệm hình sự, cơ quan cảnh sát điều tra đã căn cứ vào số liệu phương tiện mà Trung tâm đã kiểm định; số tiền Lãnh đạo trung tâm nhận để chung chi cho Lãnh đạo cục; số tiền các đăng kiểm viên chia nhau, chia cho nhân viên văn phòng và vào chính lời khai của các bị cáo, các cá nhân liên quan tại Trung tâm để xác định.
Mặt khác, quá trình điều tra, các bị cáo đều xác nhận số tiền tính tiền của từng phần nhận theo ngày có số tiền thấp nhất cơ sở nhận làm cơ sở tính. Mức thấp nhất này các bị cáo xác nhận, chấp thuận là có lợi cho các bị cáo khi xem xét trách nhiệm hình sự trong quá trình điều tra. Trong quá trình điều tra, các bị cáo đều khai, xác nhận thời gian công tác, số tiền được chia theo quy ước tại mỗi cơ sở... đều có Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích tham dự chứng kiến.
Nay các bị cáo đề nghị xem xét phần số liệu nhưng không cung cấp được tài liệu có căn cứ để Viện Kiểm sát xem xét lại số liệu này. Do đó, Viện Kiểm sát xác định số liệu Cáo trạng truy tố là phù hợp, có căn cứ và có lợi nhất cho các bị cáo.
Tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V, bị cáo Nguyễn Thanh Long (Giám đốc Trung tâm) đề nghị xem xét lại về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Bởi bị cáo có liên hệ mua của Lương Duy Tựu, nhưng người thực hiện việc in tài liệu giả là Nguyễn Đình Khởi.
Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp lại rằng, bị cáo Long và Lương Duy Tựu thỏa thuận nhau về việc mua hồ sơ khống để hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu xe cải tạo. Vì vậy, bị cáo Long phải chịu trách nhiệm với vai trò là người chủ mưu, khi có hồ sơ khống, bị cáo giao cho Nguyễn Đình Khởi tạo lập hồ sơ giả. Do đó, Viện Kiểm sát truy tố bị cáo về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” là có căn cứ.
Tại Trung tâm Đăng kiểm 50-07V, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, đây là Trung tâm đầu tiên tại TP.HCM bị khởi tố, điều tra. Cơ quan cảnh sát điều tra đã cơ bản thu giữ toàn bộ tài liệu, trọn vẹn và đầy đủ. Từ các tờ giấy ghi chép số xe, số tiền… đến các tin nhắn thỏa thuận số tiền nhận từ các xe đến đăng kiểm…
“Mặt khác, đây là một trong những Trung tâm có hầu hết các bị cáo làm đơn xin tự thú, khai nhận rõ ràng hành vi phạm tội. Tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và tại phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ này cho các bị cáo tại trung tâm 50-07V”, đại diện Viện Kiểm sát nói.
Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, qua kết quả điều tra, kết quả thẩm vấn trực tiếp đến nay có đủ căn cứ xác định lãnh đạo các trung tâm khối V có chủ trương cho phép các đăng kiểm viên nhận tiền từ chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, khiếm khuyết, hư hỏng của phương tiện khi tiến hành kiểm định và cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm cho các phương tiện.
Số tiền nhận được sẽ được chia cho lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên tại Trung tâm. Dành một phần làm quỹ tiếp khách ngoại giao và một phần để chung chi cho lãnh đạo Cục đăng kiểm.
Theo Viện Kiểm sát, khi bị cáo Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng, Hà đã đưa ra yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục đăng kiểm phải đặt quyền lợi của Hà là cao nhất.
Đối với các Trung tâm đăng kiểm khối V, từ khoảng tháng 4/2022, Giám đốc các Trung tâm có thông tin về chủ trương của Đặng Việt Hà yêu cầu các Trung tâm khối V phải nộp tiền hối lộ hàng tháng cho Hà với mức cố định từ 8.000 đồng đến 15.000 đồng/1 phương tiện trên tổng số phương tiện đến các Trung tâm để kiểm định.
“Do đó, tất cả lãnh đạo, đăng kiểm viên các Trung tâm khối V đều phải tăng cường việc nhận tiền khi kiểm định để có tiền nộp cho Hà theo quy định”, đại diện Viện Kiểm sát nói.