Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước Việt Nam và Lào ký Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ giai đoạn 2017 - 2018. Ảnh: N.T |
Nhiều kết quả tích cực
Với những nền tảng bền vững của mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào, cùng với vị thế của một đất nước giàu tiềm năng đang trên đà phát triển, không khó hiểu khi Lào ngày càng được nhiều nhà đầu tư Việt Nam quan tâm đầu tư, trong đó đi tiên phong là các tên tuổi như Viettel, Hoàng Anh Gia Lai…
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 276 dự án đầu tư tại Lào, với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, dịch vụ, hạ tầng, khai khoáng, nông - lâm nghiệp.
Trong đó, thu hút nhiều vốn đầu tư nhất là lĩnh vực năng lượng, với 1,47 tỷ USD, chiếm 29,4% tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Đứng thứ hai là lĩnh vực dịch vụ và hạ tầng, với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, chiếm 20%. Thứ ba là lĩnh vực khai khoáng, với tổng vốn 970 triệu USD, chiếm 19,38%. Thứ tư là lĩnh vực nông - lâm nghiệp, với 903,5 triệu USD, chiếm 18%. Còn lại thuộc về một số lĩnh vực khác như kinh doanh, bất động sản, tài chính - ngân hàng…
Trong số các dự án của nhà đầu tư Việt Nam, nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả cao, tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước bạn. Ngoài ra, một số thỏa thuận đầu tư khác giữa Việt Nam và Lào cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ, như phát triển các dự án thủy điện tại Lào (đến năm 2030); xây dựng kho ngoại quan xăng dầu và đường ống dẫn dầu từ Cảng Hòn La (Quảng Bình) sang Lào…
Chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh các dự án hoạt động hiệu quả, vẫn còn một số dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào triển khai chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra. Nguyên nhân là do thị trường thế giới biến động, khiến các dự án đầu tư không còn được kỳ vọng hiệu quả cao như dự kiến ban đầu, nên nhà đầu tư giãn tiến độ dự án; năng lực tài chính không đảm bảo, nên việc triển khai dự án diễn ra manh mún, không đồng bộ…
Ngoài ra, một phần do cơ chế chính sách của nước sở tại. Có thể kể đến một số khó khăn mà nhà đầu tư Việt Nam vấp phải khi đầu tư tại Lào như cơ chế đầu tư còn “vênh” nhau giữa Trung ương và địa phương, hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, nguồn lao động chưa đáp ứng yêu cầu...
Nắm bắt thực tế đó, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước đang có nhiều nỗ lực nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư.
Ông Kham Pheuy Keo Kinnaly, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam nhận xét, việc thực hiện kế hoạch hợp tác hai nước thời gian qua đã có nhiều điểm nổi bật, đó là điều kiện cơ bản để bảo đảm ổn định an ninh, chính trị, ngoại giao, tạo tiền đề cho sự phát triển của hai nước trong hội nhập kinh tế thế giới.
“Cuối tháng 5/2017, tôi đã cùng với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Thế Phương tiến hành hoạt động kiểm tra các cặp cửa khẩu theo Thỏa thuận Hà Nội 2007, kiểm tra các dự án viện trợ và dự án đầu tư của Việt Nam tại các tỉnh. Qua kiểm tra, tôi thấy rằng, việc triển khai các dự án vốn viện trợ có bước tiến nhanh, nhưng thương mại song phương hai bên còn có một số hạn chế do yếu tố cơ chế chính sách. Đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, nhìn chung có phần lắng dịu vì yếu tố chủ quan và khách quan, nhưng nhìn sâu hơn thì thấy sự phát triển vững chắc hơn, sâu rộng hơn… Được biết, trong năm 2017, Chính phủ Lào đã cấp phép 3 dự án đầu tư mới, với vốn đầu tư 120,3 triệu USD”, ông Kham Pheuy Keo Kinnaly chia sẻ.
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự hợp tác toàn diện giữa hai Bộ trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại mỗi nước, giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các dự án đầu tư đã được cấp phép.
Về định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra các dự án của Việt Nam tại Lào nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, từ đó tìm phương án tháo gỡ, hoặc có những kiến nghị báo cáo lên Chính phủ để giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Su Phanh Keo Mi Xay cũng khẳng định: “Về cơ chế hợp tác song phương Lào - Việt Nam, hai bên sẽ phối hợp kiểm tra các dự án, nhằm tìm hiểu điểm nào chưa đạt kết quả, điểm nào còn vướng mắc, từ đó cùng tìm các biện pháp tháo gỡ, nhằm thúc đẩy lĩnh vực đầu tư, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động”.