Thời sự
Việt - Lào: Thúc đẩy quan hệ hợp tác thiết thực, rộng mở
Hoàng Thủy - 06/11/2014 09:20
() Nhiều đề xuất đã được đưa ra tại Tọa đàm “Hợp tác kinh tế các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ của Việt Nam với các tỉnh Trung, Nam Lào lần thứ II”, vừa diễn ra tại Bình Định, nhằm đưa quan hệ Việt - Lào lên tầm cao mới, rộng mở và thiết thực hơn, đặc biệt là trong tạo điều kiện để doanh nghiệp  hai nước thúc đẩy hợp tác đầu tư, sản xuất - kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sớm ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt - Lào
Kích hoạt vốn đầu tư sang Lào
Lào tìm hiểu kinh nghiệm quản lý vốn FDI của Việt Nam

Cần chính sách đột phá

Hợp tác đầu tư và thương mại Việt - Lào đã được ghi nhận, song từ cách nhìn ở vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, phải có bước đột phá về cơ chế chính sách để nâng cao hiệu quả quan hệ giao thương, đầu tư Việt - Lào.

   
  Bình Định được đánh giá là mô hình kiểu mẫu trong hợp tác giữa các địa phương Việt - Lào. Ảnh: Hoàng Thủy  

Con số 5 tỷ USD của 413 dự án đầu tư từ Việt Nam sang Lào, trong đó có 90% dự án nằm ở Trung và Nam Lào, theo ông Hà, đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ hai (sau Trung Quốc) đầu tư lớn vào Lào và điều đó đã khẳng định quan hệ mật thiết giữa Trung, Nam Lào với Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn vào kim ngạch thương mại song phương thời điểm hiện tại chỉ xấp xỉ 995 triệu USD, chưa bằng 1/2 chỉ tiêu mà Việt Nam - Lào đặt ra trong chiến lược quan hệ thương mại giữa hai nước là đạt 2 tỷ USD năm 2014, có thể thấy, còn nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ.

Và một trong những giải pháp hàng đầu, đó là Chính phủ  hai nước Việt - Lào cần thống nhất phối hợp với Chính phủ Campuchia để xây dựng thể chế hợp tác kinh tế đặc biệt giữa 3 nước đến năm 2020 và năm 2030, tạo khung hợp tác toàn diện ở Đông Dương.

“Cần sớm thống nhất ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt - Lào ngay trong năm 2014, nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, xác định quy chế quản lý chợ biên giới chung Việt - Lào, phối hợp triển khai thỏa thuận về tạo điều kiện cho người và hàng hóa qua cửa khẩu”, ông Hà nhấn mạnh.

Và thêm một lần nữa, vai trò của AVIL đã được khẳng định, khi không chỉ giúp kết nối đầu tư giữa doanh nghiệp (DN) hai nước, mà Hiệp hội còn trực tiếp tham gia tổ chức Tọa đàm, trở thành cầu nối hữu ích đưa các đề xuất, kiến nghị lên Chính phủ hai nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng DN Việt - Lào.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch AVIL

Chính phủ hai nước cần tăng cường phối hợp rà soát các dự án đầu tư Việt Nam tại Lào, qua đó đánh giá và có các giải pháp hỗ trợ, xử lý dứt điểm đối với các dự án khó khăn. Các dự án dọc biên giới Việt Nam - Lào nên giao cho cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Lào thực hiện. Đối với các dự án của Việt Nam tại Lào chậm hoặc không triển khai, cần thu hồi và đề nghị AVIL lựa chọn nhà đầu tư Việt Nam và Lào đủ năng lực thực hiện, không giao cho nhà đầu tư nước thứ ba.

Một trong những kiến nghị đó, theo Chủ tịch AVIL Trần Bắc Hà, đó là trình độ lao động tại Lào hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, trong khi quy định của Lào là chỉ sử dụng tối đa 10% lao động nước ngoài, nên ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả đầu tư và việc triển khai các dự án. “Chính phủ Lào cần nghiên cứu tăng tỷ lệ sử dụng người lao động nước ngoài tại Lào, ít nhất trong thời điểm hiện nay”, ông Hà đề xuất.

Một vấn đề khác mà các DN thuộc AVIL cũng rất quan tâm đó chính là Chính phủ hai nước cần thống nhất thủ tục cấp phép, thống kê, quản lý các dự án đầu tư  từ Việt sang Lào. Thủ tục hải quan phải thông thoáng, nhanh gọn. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại qua biên giới như xây kho ngoại quan, chợ trung chuyển, khu cửa khẩu...

Hiện nay, theo AVIL, có sự “vênh” nhau về số liệu đầu tư của Việt Nam vào Lào giữa cơ quan quản lý hai nước, khiến việc giám sát các hoạt động đầu tư khó khăn, dễ dẫn đến khả năng có một số DN không đầu tư nghiêm túc, lợi dụng xin dự án sau đó chuyển nhượng dự án kiếm lời…

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, theo thống kê của Bộ, hiện Việt Nam mới cấp phép cho 250 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5 tỷ USD. “Con số 413 dự án mà AVIL nêu có thể bao gồm các dự án được Lào cấp phép, hoặc các dự án đang nghiên cứu. Nếu vậy, số vốn đầu tư Việt Nam sang Lào có thể cao hơn rất nhiều so với con số 5 tỷ USD”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.

Thừa nhận những khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách mà các nhà đầu tư đang gặp phải, ông Dũng cho rằng, cần đẩy nhanh việc ký kết các hiệp định mới liên quan đến hợp tác song phương, sử dụng lao động, kết hợp cải thiện các chính sách liên quan đến cấp phép đầu tư, thủ tục hải quan...

“Việt - Lào cần cụ thể hóa các chương trình hợp tác, xây dựng lộ trình hợp tác nhằm phát huy các lợi thế và nguồn lực sẵn có của Lào, đặc biệt là lợi thế về nguồn nguyên liệu.  Chính phủ Lào cũng cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào địa bàn khó khăn, xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên, nhằm thu hút những dự án đầu tư có quy mô lớn hơn từ Việt Nam sang Lào”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Khi Phó thủ tướng luôn sẵn sàng trợ giúp doanh nghiệp

Sự có mặt của hai Phó thủ tướng Chính phủ Lào và Việt Nam, ông Somsavat Lengsavad và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Tọa đàm đã một lần nữa khẳng định mối quan tâm của Chính phủ hai nước trong thúc đẩy hợp tác song phương ở tầm vĩ mô, cũng như ở tầm DN.

Mối quan tâm càng được khẳng định khi sau khi nghe các đề xuất, kiến nghị của DN, Phó thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad đã đề nghị các DN Việt Nam đầu tư tại Lào nếu có vướng mắc có thể trực tiếp gửi công văn cho ông, và có thể gửi ngay trong tuần này, để ông kịp thời họp với các bộ, ngành tìm hướng xử lý cũng như tổng hợp báo cáo tại cuộc họp giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam, Lào vào cuối năm nay.

Phó thủ tướng Somsavat Lengsavad khẳng định rằng, quan hệ Việt - Lào là quan hệ rất đặc biệt, hiếm có. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương hai nước phải cùng đồng lòng gây dựng sự hợp tác ngày càng sâu rộng, đồng thời sớm hoàn chỉnh các cơ chế hợp tác để hoàn tất Hiệp định Thương mại song phương Việt - Lào.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng với việc nhấn mạnh quan hệ đặc biệt Việt - Lào, cũng đã đánh giá cao mối quan hệ hợp tác sâu sắc giữa các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ Việt Nam với các tỉnh Trung, Nam Lào.

“Để thúc đẩy hợp tác, các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào cũng phải giữ đúng lời hứa, giữ đúng cam kết với Chính phủ Lào trong việc triển khai dự án, đúng tiến độ, đạt chất lượng. Nghiêm cấm những dự án tác động đến môi trường, phá rừng. Đặc biệt, nhà đầu tư nào có biểu hiện bán dự án thì phải xử lý nghiêm”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, có thể lấy Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng Việt - Lào, Vietel... làm tấm gương về mô hình hợp tác đầu tư Việt - Lào.

“Đây là những nhà đầu tư có quan hệ mẫu mực, lấy chất lượng, uy tín đặt lên hàng đầu, theo đúng phương châm cha ông ta thường nói là giúp bạn là giúp mình”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và nhắc nhở các địa phương, nhà đầu tư hai nước nghiên cứu cơ chế hợp tác, đẩy nhanh việc xây dựng tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây EWEC bởi đây là tuyến hợp tác rất quan trọng, trên nhiều lĩnh vực.

Trong hợp tác giữa các địa phương, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao sự hợp tác mang tính toàn diện giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Champasak, coi đây là mô hình hợp tác kiểu mẫu cần được nhân rộng sang các địa phương khác, nhằm nâng cao tinh thần hữu nghị đặc biệt, đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt - Lào.

Ý kiến -  Nhận định

Ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định.

   

Tính đến nay, Bình Định đã hỗ trợ khoảng 1 triệu USD cho các tỉnh Nam Lào, tập trung vào những lĩnh vực như nông nghiệp, công thương, y tế , giáo dục,...

Thời gian tới, Bình Định tiếp tục cử chuyên gia sang hỗ trợ; kêu gọi các doanh nghiệp Bình Định sang tìm hiểu thị trường Lào, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, đầu tư thương mại tại 4 tỉnh Nam Lào và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực y tế, lâm nghiệp và du lịch...

Ông Nam Vinhaket, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu (Lào)

   

Chính phủ hai nước chỉ đạo hợp tác đặc biệt, nhưng khi ta đi vào thực tiễn thì cơ chế còn tách rời, độc lập, nhất là trong lĩnh vực đầu tư và thương mại. Vì vậy chúng ta không nên áp dụng bài học cũ kỹ lâu nay nữa.

Lộ trình thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) buộc chúng ta phải mở cửa trong năm 2015, trong khi hai nước chúng ta lại có lộ trình mở cửa chậm hơn, mặc dù chúng ta có quan hệ đặc biệt hơn.

Ông Đoàn Nguyên Đức Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Việt Nam)

   

Hoàng Anh Gia Lai sang Lào đầu tư, nhưng sản phẩm thì không được tiêu thụ tại Việt Nam, hoặc hạn chế mức tiêu thụ. Đơn cử, chúng tôi đầu tư nhà máy đường 70 triệu USD, công suất 60.000 – 70.000 tấn sản phẩm/năm, nhưng chỉ được phép tiêu thụ ở Việt Nam 30.000 tấn. Vấn đề này không hợp lý. Tôi đề nghị, Chính phủ Việt Nam cần xem xét để có chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai.

Việt Nam đang nhập siêu 303,8 triệu USD từ Lào

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào tính từ đầu năm đến hết tháng 9 đạt 964 triệu USD, tăng tới 37,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Tin liên quan
Tin khác