Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản) |
Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản), ông Masataka “Sam” Yoshida đưa ra những nhận định mới nhất về hoạt động M&A tại Việt Nam.
Nhận định của ông về xu hướng M&A tại Việt Nam năm 2022 và thời gian tới?
Đối với thị trường Việt Nam, giá trị các thương vụ M&A chưa đạt mức trước đại dịch, nhưng về cơ bản đã phục hồi trở lại. Năm nay đã chứng kiến nhiều giao dịch hơn năm trước, gồm những giao dịch được tiết lộ công khai và những giao dịch vẫn đang được thực hiện, chưa công khai.
Sự tăng trưởng trên phần lớn là do các nền tảng cơ bản vững chắc của Việt Nam trong vài năm qua; các doanh nghiệp nhận thức rằng, khủng hoảng Covid-19 đã ở phía sau và quyết tâm thực hiện giao dịch ưu tiên chiến lược trong khi vượt qua sự biến động vĩ mô hiện tại. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn đang tiến hành một cách hết sức thận trọng, nghiêm túc, khi kiểm tra luận điểm đầu tư theo nhiều kịch bản lạc quan và bi quan khác nhau.
Cuối năm 2022 và bước sang năm 2023, chúng tôi dự đoán rằng, khối lượng M&A sẽ tiếp tục tăng với tốc độ tương tự như trong gần 3 quý đầu năm nay. M&A tại Việt Nam sẽ vẫn sôi động, vì chúng tôi tin rằng, các nhà đầu tư theo đuổi các giao dịch nhằm thâm nhập thị trường, củng cố và mở rộng sự hiện diện của họ, hơn là săn lùng các tài sản được định giá thấp.
Chúng tôi nhận thấy mối quan tâm ngày càng tăng từ các nhà đầu tư trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, logistics và năng lượng trong suốt thời gian đại dịch và sau đó. Nhu cầu ngày càng tăng trong thương mại điện tử, kinh doanh "không tiếp xúc" càng làm tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực này. Triển vọng kinh tế tươi sáng của Việt Nam và số lượng người dùng Internet, điện thoại thông minh ngày càng tăng cũng tạo ra sự gia tăng nhu cầu đối với các dịch vụ liên quan như dịch vụ giao hàng tận nhà và kho bãi.
Một lĩnh vực đáng chú ý khác là logstics, nơi Việt Nam đang tự khẳng định là một lựa chọn tuyệt vời để tái định vị chuỗi cung ứng toàn cầu. Các công ty logistics địa phương ngày càng được săn đón như mục tiêu M&A và bằng chứng là gần đây, Mitsubishi Logistics Corporation (có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) đã mua lại 14% cổ phần của Tập đoàn Logistics In Do Trans của Việt Nam. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu, căng thẳng đang gia tăng giữa nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch và an ninh của nguồn cung cấp năng lượng.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy các thương vụ khí đốt tự nhiên thúc đẩy an ninh năng lượng trong ngắn hạn và trung hạn, kết hợp với M&A hỗ trợ giảm phát thải trong dài hạn. Ví dụ, JERA - hãng phát điện lớn nhất Nhật Bản đã hoàn tất kế hoạch chi khoảng 15 tỷ yên (112 triệu USD) để mua 35,1% cổ phần của công ty năng lượng tái tạo Việt Nam là Công ty cổ phần Điện Gia Lai, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu...
Với các nhà đầu tư Nhật Bản thì thế nào, sự quan tâm của họ ra sao, thưa ông?
Tuy kinh tế Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, nhưng chúng tôi nhận thấy, các công ty đủ mạnh có lợi thế lớn hơn để tìm kiếm cơ hội M&A; giá cổ phiếu giảm đã làm giảm định giá bên bán xuống mức hợp lý hơn, trong khi các công ty Nhật Bản tiếp tục tăng lượng tiền mặt trên bảng cân đối kế toán và năng lực tài chính của họ ngày càng trở nên vững chắc hơn, bất chấp sự biến động của thị trường tài chính. Ngoài chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, các công ty Nhật Bản đang tăng cường sự độc lập về tài chính và không có mối lo ngại lớn về khả năng tài trợ cho các khoản đầu tư của họ.
Chúng tôi tin rằng, các yếu tố nền tảng kinh tế ở Việt Nam vẫn vô cùng vững chắc để hỗ trợ các hoạt động M&A. Nền kinh tế mở rộng với tốc độ tăng trưởng 7,72% trong quý II/2022, nhanh nhất kể từ năm 2011 và đà này dự kiến tiếp tục diễn ra vào năm 2023, tạo cơ hội cho các thương vụ M&A lớn với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Trong hầu hết các giao dịch M&A được công bố trong năm nay, giá trị giao dịch không được công khai, nhưng về số lượng giao dịch, có 13 thương vụ từ Nhật Bản vào Việt Nam và Việt Nam đứng thứ ba trong các nước Đông Nam Á, chỉ sau Singapore (31 giao dịch) và Indonesia (14 giao dịch), theo cơ sở dữ liệu của RECOF. Các nhà đầu tư Nhật Bản trong các lĩnh vực như tài chính, bất động sản và năng lượng vẫn hoạt động tích cực và giá trị của các khoản đầu tư M&A tại Việt Nam có thể tăng lên, nếu một số giao dịch lớn xuất hiện trong những tháng cuối năm 2022.
Nhìn lại 5 năm qua, về số lượng giao dịch, Việt Nam luôn duy trì vị trí thứ hai (4/5 năm) trong khu vực, trong khi vị trí về giá trị giao dịch được cải thiện hàng năm, với số lượng ngày càng tăng các thương vụ quy mô lớn, cho đến khi đứng thứ hai vào năm 2021, chỉ sau Singapore. Nửa đầu năm nay, số lượng giao dịch tại Việt Nam có xu hướng tăng lên, với 11 giao dịch so với con số 9 của nửa cuối năm 2021.
Vậy lĩnh vực, ngành nghề nào tại Việt Nam thu hút nhà đầu tư Nhật Bản qua M&A?
Ngày nay, tầm quan trọng của công nghệ trong thị trường M&A là không thể phủ nhận. Khi nhu cầu chuyển đổi số ngày càng tăng, chúng tôi dự đoán rằng, sẽ có nhiều cơ hội M&A hơn trong lĩnh vực phần mềm, dịch vụ đám mây, bảo mật công nghệ thông tin và các công nghệ hỗ trợ cơ sở hạ tầng khác.
Xét về số lượng giao dịch M&A từ Nhật Bản theo ngành trong 3 năm qua, theo cơ sở dữ liệu của RECOF, công nghệ thông tin có số lượng giao dịch M&A lớn nhất, với 11 trong tổng số 78 giao dịch, một phần do Việt Nam từ lâu đã được các công ty Nhật Bản ưa thích như một cơ sở gia công phần mềm với đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin tài năng. Các giao dịch đáng chú ý gần đây trong lĩnh vực này bao gồm khoản đầu tư 200 triệu USD do Ngân hàng Mizuho dẫn đầu vào công ty khởi nghiệp fintech MoMo và khoản đầu tư của Mynavi vào NAL Solutions - một liên doanh phát triển phần mềm với mục đích giải quyết tình trạng thiếu kỹ sư công nghệ thông tin ở Nhật Bản.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu dùng năng động của Việt Nam cũng đang có động lực tăng trưởng mạnh mẽ và nhiều người kỳ vọng thị trường này sẽ tiếp tục mở rộng nhờ tầng lớp thu nhập trung bình ngày càng gia tăng. Trong nửa đầu năm 2022, chúng ta đã chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng của các nhà bán lẻ hàng tiêu dùng Nhật Bản như AEON Group, Muji, Uniqlo... trên khắp Việt Nam, với việc mở thêm nhiều cửa hàng có mô hình bán lẻ đa dạng. Tuy nhiên, lĩnh vực bán lẻ vẫn chưa thể hiện hết tiềm năng trong hoạt động M&A, một phần do các quy định hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài. Phải nói rằng, công nghệ và hàng tiêu dùng là những lĩnh vực mà nhà đầu tư Nhật Bản tích cực quan tâm.
Tuy nhiên, cũng như các nhà đầu tư từ các nước khác vào Việt Nam, nhà đầu tư Nhật Bản hiện phải đối mặt với sự cạnh tranh nhiều hơn trước ở nhiều ngành khi tham gia thị trường Việt Nam thông qua M&A.
Cụ thể, cạnh tranh và trở ngại mà nhà đầu tư Nhật Bản đang gặp phải khi tham gia thị trường Việt Nam thông qua hoạt động M&A là những gì, thưa ông?
Các công ty Nhật Bản khi bắt đầu xem xét các giao dịch M&A tại các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam trong những năm gần đây phải đối mặt với việc thiếu thông tin công khai (báo cáo nghiên cứu, thống kê, cơ sở dữ liệu) về các công ty và ngành công nghiệp.
Một phần do quy trình ra quyết định từ dưới lên của họ thường yêu cầu lượng thông tin quá lớn trước khi đưa ra quyết định, gây áp lực lên bên bán Việt Nam với quá nhiều yêu cầu cung cấp thông tin. Đồng thời, các yêu cầu về quản trị và tuân thủ cũng trở nên chặt chẽ hơn ở Nhật Bản, đặc biệt là đối với các công ty niêm yết. Các công ty Nhật Bản vẫn thận trọng với các thông lệ địa phương ở Việt Nam mà họ chưa quen thuộc, như tình trạng hai sổ sách kế toán, mặc dù mức độ hiểu biết của họ về điều này đã được cải thiện đáng kể gần đây.
Ngoài ra, các công ty Nhật Bản có xu hướng dựa vào hệ thống quản lý và lập kế hoạch kinh doanh - những hệ thống này hữu ích để kiểm soát quản lý tốt hơn sau khi mua lại và cũng là cơ sở để giải thích cho việc định giá cao hơn. Nhưng thật không may, có vẻ như nhiều công ty Việt Nam, vốn là bên bán (trong giao dịch M&A), không quan tâm nhiều đến những “công cụ” này. Có lẽ bởi vì ở Việt Nam, nơi nền kinh tế tăng trưởng hơn 7% mỗi năm, các công ty không cần những công cụ này để phát triển doanh nghiệp.
Vì thế, theo quan điểm trên, rất khó để nói bên nào (các công ty Nhật Bản hay Việt Nam) cần thay đổi trong từng trường hợp cụ thể, nhưng chúng tôi đang nỗ lực lấp đầy và thu hẹp khoảng cách giữa hai bên để các giao dịch thành công.