Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 được thành lập với nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc, điều phối, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương về các lĩnh vực công tác liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020. |
Gia nhập ASEAN từ năm 1995, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN lần thứ hai trong năm 2020. Với vai trò này, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa sự gắn kết, hội nhập của khu vực, cũng như tăng cường tầm quan trọng của ASEAN trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đồng thời đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Kỳ vọng của cộng đồng quốc tế
Trở thành Chủ tịch ASEAN, nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 10 thành viên khoảng 3.000 tỷ USD, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực với thế giới.
Phát biểu tại cuộc đối thoại lần thứ 2 về ASEAN do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức tuần trước tại Hà Nội, ông Sihasak Puangketkaew, nguyên Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, nguyên Trưởng SOM ASEAN Thái Lan bày tỏ kỳ vọng lớn vào Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
“Với kinh nghiệm của lần đóng vai trò Chủ tịch ASEAN trước đây, cũng như kinh nghiệm tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, tôi tin rằng, Việt Nam có đủ khả năng để dẫn dắt ASEAN trong giai đoạn quan trọng này”, ông Sihasak nói.
Theo ông Sihasak, chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” mà Việt Nam lựa chọn là rất quan trọng và sẽ là cơ sở để phát triển các sáng kiến thúc đẩy sự gắn kết giữa các quốc gia ASEAN trong việc đối mặt với môi trường bên ngoài đầy biến động. Trong khi thương chiến Mỹ - Trung đang tác động mọi mặt đến kinh tế khu vực, thì ASEAN càng cần phải thúc đẩy thương mại tự do, đưa kinh tế khu vực theo hướng số hóa để tăng tính cạnh tranh.
Trong khi đó, phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam mới đây, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho biết, trong những năm qua, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực, với một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Việc Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp và sự phát triển của Việt Nam.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, Tổng thư ký Lim Jock Hoi tin tưởng, Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công vai trò này với những vấn đề trọng tâm. “ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối, thúc đẩy trao đổi thương mại hơn nữa. Trong đó, ASEAN cần quyết tâm hoàn thành việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm tới”, ông Lim Jock Hoi nói.
Đối với Đại sứ Na Uy tại ASEAN Morten Hoglund, Việt Nam là một nền kinh tế mở năng động trong khu vực ASEAN. Là một đối tác mới của ASEAN, Na Uy kỳ vọng có thể hợp tác với Việt Nam để thực hiện các ưu tiên của khu vực. “Bên cạnh các hoạt động chung, chúng tôi mong muốn phát triển hơn nữa sự hợp tác trong an ninh chính trị, năng lượng tái tạo với ASEAN, đặc biệt là thúc đẩy quan hệ kinh tế ASEAN - Na Uy thông qua Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - châu Âu”, Đại sứ Morten khẳng định.
Đồng lòng “Gắn kết và chủ động thích ứng”
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến ngày các phức tạp với chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại gia tăng, các mối đe dọa an ninh dựa trên yếu tố công nghệ ngày càng trở nên tinh vi, Việt Nam ý thức rằng, “gắn kết” và “chủ động thích ứng” là yếu tố sống còn, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của ASEAN với thế giới.
“Một cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN tại Thái Lan hồi đầu tháng 11/2019.
Theo Thủ tướng, Việt Nam luôn xác định ASEAN là ưu tiên hàng đầu, là “hòn đá tảng” trong ngoại giao đa phương. Việt Nam mong muốn tiếp tục đóng góp thực chất hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN đoàn kết, có vai trò trung tâm ở khu vực, hướng tới một ASEAN hài hòa, gắn kết, bản sắc, có khả năng thích ứng cao, ngày càng phát triển thịnh vượng, có vai trò và trách nhiệm trong giải quyết vấn đề toàn cầu.
“Việt Nam đã rất sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN và cũng là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong khi đó, trước kỳ vọng về việc Việt Nam, với vai trò Chủ tịch ASEAN, sẽ góp phần hoàn tất việc ký kết RCEP có sự tham gia của 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đã và sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước trong khối nhằm duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN, vừa thúc đẩy đàm phán, vừa bảo vệ tối đa lợi ích của các nước ASEAN trong đàm phán RCEP. “Chúng tôi sẽ tìm các giải pháp xử lý vướng mắc, đồng thời, hài hòa được lợi ích giữa các bên”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Trả lời câu hỏi về sự sẵn sàng của Bộ Công thương trong Năm Chủ tịch ASEAN, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2020, Bộ tập trung vào 4 định hướng ưu tiên trong trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
“Thứ nhất là thúc đẩy tăng cường hội nhập kinh tế thông qua ủng hộ việc triển khai Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 và các thỏa thuận thương mại tự do như RCEP. Thứ hai là thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ ba là thúc đẩy phát triển hiệu quả hướng đến một nền kinh tế ASEAN không chỉ phát triển năng động, sáng tạo, mà còn hiệu quả và thích ứng. Cuối cùng là thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại trong ASEAN”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam dự kiến sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là 2 dịp hội nghị cấp cao vào tháng 4 và tháng 11/2020.
“Công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, lễ tân, vật chất - hậu cần, tuyên truyền - văn hóa, an ninh - y tế đã hoàn tất. Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, bắt đầu với sự kiện đầu tiên - Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 1/2020”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ.
Trách nhiệm to lớn, nhưng mang lại nhiều cơ hội
Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Việt Nam xác định, việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm to lớn, nhưng mang lại nhiều cơ hội. “Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này và góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đây”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết.