Du lịch
Việt Nam - ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch thế giới
Hồng Hạnh - 06/01/2021 08:22
Năm 2020, đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên ngành kinh tế xanh toàn cầu, nhưng du lịch Việt Nam tự hào là một trong những ngôi sao sáng.

Du lịch Việt Nam tự hào là điểm đến hiếm hoi có thể phục hồi thị trường nội địa cùng “bộ sưu tập” giải thưởng quốc tế danh giá và những công trình du lịch đẳng cấp.

Không để Covid-19 quật ngã

Dường như, càng gian khó, người Việt Nam càng đoàn kết, sáng tạo để chiến thắng hoàn cảnh. Năm 2020, Việt Nam đón 3,83 triệu lượt du khách quốc tế, giảm 78,7% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 35% so với năm 2020; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% so với năm 2019. Thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7, thậm chí nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp cháy phòng.

Đây là những con số đáng tự hào khi nhìn vào bức tranh du lịch toàn cầu. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết, năm 2020, lượng khách quốc tế giảm khoảng 75%, du lịch trở lại mốc 30 năm trước. Lượng du khách giảm 1 tỷ lượt, doanh thu du lịch quốc tế giảm 1.100 tỷ USD.

Năm 2020, thế giới nhiều lần gọi tên Việt Nam ở các giải thưởng danh giá. Việt Nam lần thứ hai liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng du lịch thế giới và châu Á như: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; 4 năm liên tiếp được vinh danh là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á…

Các chương trình kích cầu được triển khai từ năm 2020, dự kiến kéo dài sang năm 2021 mang đến cho du khách trong nước cơ hội trải nghiệm nhiều dịch vụ cao cấp

Giải thưởng du lịch thế giới còn xướng tên hàng loạt công trình của các tập đoàn tư nhân Việt Nam, như Khách sạn Vinpearl Luxury Landmark 81 đoạt 3 giải: Khách sạn trong thành phố hàng đầu thế giới, Khách sạn hội thảo, đám cưới hàng đầu thế giới và Khách sạn bên sông hàng đầu thế giới; Khu nghỉ dưỡng Sun World Ba Na Hill đoạt 2 giải: Điểm thu hút khách du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới, Cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới; InterContinental Danang Sun Peninsula là Khu nghỉ dưỡng xanh hàng đầu thế giới; JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay đạt danh hiệu Khu nghỉ dưỡng tiệc cưới xa xỉ hàng đầu thế giới…

Trên mặt trận nào, Việt Nam cũng được ghi nhận với những thành tích đáng nể. Vietnam Airlines được tôn vinh là Hãng hàng không văn hóa hàng đầu thế giới; Công ty Viettravel được trao giải Nhà điều hành tour theo nhóm hàng đầu thế giới; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được trao giải Sân bay khu vực hàng đầu thế giới.

Tinh thần quật cường của doanh nghiệp Việt

Phân tích những yếu tố giúp du lịch Việt Nam tỏa sáng, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtour nhấn mạnh: “Đầu tiên, phải kể đến sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước với định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030”.

Cùng với đó, theo ông Hoan, nhận thức của người dân về du lịch đã hoàn toàn thay đổi. “Đại dịch cho chúng ta thấy rõ vai trò và sức lan tỏa của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó khăng khít với các ngành, lĩnh vực liên quan. Vấn đề của ngành du lịch hiện nay cũng đồng thời là vấn đề chung của nhiều ngành liên quan như hàng không, vận tải, tiêu thụ nông sản…”, CEO Flamingo Redtour nói.

Đại dịch Covid-19 đòi hỏi sự chống trả mạnh mẽ, những quyết sách đúng đắn tại thời điểm thích hợp. Tôi tán dương tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam. Việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và đóng cửa biên giới kịp thời đã cứu nhiều mạng người.

Hiện tại, khi du lịch nội địa đã dần phục hồi, tôi tin, Việt Nam sẽ tiếp tục là điển hình cho tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo.

Ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký UNWTO

Bị Covid-19 tấn công mạnh mẽ, khoảng 1/5 tổng số cơ sở lưu trú trên toàn quốc phải đóng cửa, dừng hoạt động; 1/3 số cơ sở hoạt động cầm chừng; doanh thu của các điểm tham quan, vui chơi giải trí giảm khoảng 60%; 80% nhân sự ngành du lịch bị giảm lương; 328 doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép, toàn ngành du lịch thiệt hại khoảng 23 tỷ USD… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn thể hiện bản lĩnh quật cường, không ngừng đổi mới, sáng tạo, vươn lên. Họ khai trương hàng loạt khu du lịch, công trình nghỉ dưỡng tầm cỡ thế giới giữa đại dịch toàn cầu.

Chính ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng khẳng định, ngoài lợi thế về tiềm năng, tài nguyên du lịch, yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng tầm vị thế, không ngừng thăng hạng trên “đấu trường du lịch” thế giới, là hạ tầng ngành kinh tế xanh được đầu tư bài bản, quy mô, chuyên nghiệp. Việc các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư mạnh và toàn diện từ các khu nghỉ dưỡng sang trọng đến sân bay, cảng tàu… đã giúp tạo sức bật cho tăng trưởng của ngành du lịch khoảng 5 năm gần đây và điều này càng được thấy rõ trong năm 2020.

Còn nhớ, năm 2015, Chính phủ từng thẳng thắn chỉ ra những “điểm nghẽn” của ngành như: hạ tầng chưa đồng bộ, năng lực quản lý điểm đến thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường... Từ đó, Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ quan điểm trọng tâm: chuyển từ phát triển trên diện rộng sang phát triển theo chiều sâu; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm…

Sau khi được Chính phủ “bật đèn xanh”, các nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group, VinaCapital, FLC… đã cho ra đời hàng loạt khu nghỉ dưỡng, trung tâm giải trí lớn ở các vùng du lịch trọng điểm như chuỗi khách sạn Vinpearl ở Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long; hệ thống cáp treo tại Đà Nẵng, Sa Pa, Hạ Long… Cùng với đó, nhiều thương hiệu quốc tế lớn về du lịch cũng đã có mặt tại Việt Nam như Accor, Marriot, Hyatte, InterContinental, HG, Four Seasons… góp phần nâng cao năng lực quản trị và chất lượng của du lịch nước nhà.

Ghi nhận những đóng góp của các nhà đầu tư lớn, ông Hà Văn Siêu đánh giá: “Trong đợt Covid-19 vừa qua, các tập đoàn lớn đã cùng với chính quyền địa phương chủ động tạo nên những “ngôi sao mới”, góp phần nâng cao tính hấp dẫn, chất lượng của các điểm đến trên dải đất hình chữ S, giúp du lịch Việt Nam nâng tầm vị thế”.

Những “ngôi sao mới” mà ông Siêu đề cập trong năm 2020 có thể kể tới là: khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Osen (Quảng Ninh); resort 5 sao TUI BLU (Nam Hội An, Quảng Nam); khách sạn 5 sao ANYA Premier Hotel Quy Nhơn (Bình Định); khách sạn 5 sao Mường Thanh (Quảng Ninh)… Mới đây nhất, Hãng hàng không Vietravel Airlines đã chính thức sải cánh…

Với những nỗ lực đó, những điểm yếu về hạ tầng của du lịch Việt Nam đã được khắc phục khá toàn diện. “Nếu như trước đây, hạ tầng du lịch Việt Nam vẫn ‘đì đẹt’ chạy theo tốc độ tăng trưởng của ngành nói chung, dòng khách ngoại cao cấp đến Việt Nam còn băn khoăn không biết nghỉ dưỡng ở đâu cho sang, tiêu tiền chỗ nào cho xứng…; thì nay, lộ trình của họ đã có nhiều điểm đến thú vị nhờ những các công trình hạ tầng được đầu tư mới rất chuyên nghiệp, đẳng cấp, không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới”, CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài tự hào.

Chung sức, đồng lòng để tiến lên

Có thể nói, chưa bao giờ các địa phương, doanh nghiệp du lịch lại gắn kết chặt chẽ như năm 2020. Từ Lào Cai, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam đến TP.HCM, Cần Thơ, Kiên Giang, hàng loạt chương trình kích cầu hợp tác công - tư được tổ chức. Mức giá ưu đãi chưa từng có giúp du khách trong nước có cơ hội trải nghiệm những dịch vụ cao cấp vốn chỉ dành cho “khách nhà giàu” nước ngoài.

Tiêu biểu phải kể tới Quảng Ninh. Trong các đợt kích cầu du lịch năm 2020, ước tính, tỉnh này đã miễn, giảm tổng cộng khoảng 150 tỷ đồng cho du khách. Với chính sách kích cầu kéo dài cả năm 2021, dự kiến, tổng số tiền miễn, giảm cho du khách lên tới khoảng 500 tỷ đồng.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục làm mới một số sản phẩm. “Trên bờ, chúng tôi có khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Osen đã tạo tiếng vang tốt thời gian qua, sắp tới sẽ đưa vào hoạt động một số khu nghỉ dưỡng cao cấp, trở thành điểm nhấn tại khu vực Yên Tử”, ông Thủy cho hay.

Phần lớn các chuyên gia của UNWTO dự báo, du lịch quốc tế sẽ bắt đầu phục hồi từ quý III/2021 và sớm nhất đến năm 2023 mới đạt được mức như năm 2019 trước đại dịch. Tuy nhiên, cá nhân ông Siêu cho rằng: “Du lịch Việt Nam với những giải pháp rất linh hoạt, sau khi Covid-19 được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn cầu (dự báo vào cuối năm 2021), thì sau đó, chỉ từ 6 tháng đến 1 năm, chúng ta có thể phục hồi bằng với mức đã đạt được trong năm 2019”.

Nhưng để làm được điều đó, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch định hướng các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch xoáy sâu vào khai thác lợi thế văn hóa, di sản, ẩm thực của Việt Nam để phát triển. Đây là những tài nguyên vô giá, nếu khai thác khéo sẽ nhân lên giá trị. Bởi, cả du lịch nội địa và quốc tế đều đã chuyển sang thời kỳ mới, chú trọng hơn về chất lượng, chiều sâu văn hóa.

Cũng theo ông Siêu, ngoài những kiến nghị tới Chính phủ về việc tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch, Tổng cục Du lịch sẽ đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, kích cầu, từ đó đưa du khách quay trở lại. Có lẽ, đây là biện pháp hỗ trợ thiết thực nhất đối với doanh nghiệp trong lúc này. Bởi, hỗ trợ về thuế, tài chính đối với doanh nghiệp chỉ là tạm thời, mang tính chất “chữa cháy”.

Đặc biệt, năm 2020 ngành kinh tế xanh Việt Nam đã rút ra được những bài học kinh nghiệm để duy trì ổn định và tiếp tục phục hồi, phát triển bền vững, bao gồm: tái cơ cấu lại thị trường du lịch thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới; tiếp tục tăng cường liên kết hợp tác công – tư; chuyển đổi số để phát triển du lịch và liên kết theo chuỗi, vùng.

Giải quyết 4 nhóm vấn đề này là “chìa khóa” để Việt Nam tìm ra định hướng phát triển du lịch trong kỷ nguyên Covid-19. Từ đó, tạo sự lan tỏa để góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác, tạo ra chu kỳ tăng trưởng mới cho đất nước.

Tin liên quan
Tin khác