|
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng và ông Antony Stokes, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam đã nhất trí quan điểm về sự cần thiết tạo lập, duy trì một môi trường xây dựng bền vững.
Theo Thứ trưởng Nghị, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu ứng dụng những kinh nghiệm của Anh trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng và quy hoạch bền vững để thực hiện chiến lược phát triển ngành xây dựng bền vững, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở áp dụng công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng.
Ông Chris Goodier (Trường đại học Loughborough) cho biết: “Tại Anh, trước khi đưa ra chính sách phát triển bền vững trong ngành xây dựng, chúng tôi đã nghiên cứu dự báo phát triển trong vòng 50 năm và có tính tới những thay đổi trong khoảng thời gian này”.
Ông Goodier đánh giá, trong 10 năm qua, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng 5 - 7%/năm và mức tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tới. Điều này có nghĩa là, Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng khá nhiều tài nguyên cho sự phát triển. “Ngành công nghiệp vẫn là ngành đóng vai trò thế mạnh của Việt Nam. Vì thế, để có môi trường xây dựng bền vững, trước hết, Việt Nam cần phải tính toán tới việc xây dựng những nhà máy sản xuất xi măng có tính tới yếu tố môi trường và xã hội”, ông Goodier nhấn mạnh.
Đánh dấu kết quả hợp tác đầu tiên giữa Việt Nam và Vương quốc Anh là việc Trường đại học Kiến trúc TP.HCM và Trường đại học Kiến trúc Hà Nội ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh (RIBA) vào ngày 25/3 và 27/3.
Biên bản đã tạo nền tảng cho việc phát triển mối quan hệ trong việc phối hợp xây dựng các chương trình trao đổi học thuật, nghiên cứu quy hoạch và thiết kế bền vững, tư vấn phản biện xã hội trong các lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch.
Bà Angela Brady, Giám đốc RIBA cho biết, so với những công trình xây dựng không tính tới những yếu tố bền vững, các công trình xây dựng mang tính bền vững sẽ có thêm khoảng 6% giá trị tăng thêm. Trong khi đó, việc tạo lập một môi trường xây dựng bền vững cho hiện tại và tương lai sẽ có vai trò quyết định trong việc phát triển bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
“Việt Nam hoàn toàn có khả năng chuyển đổi xây dựng thông thường sang xây dựng bền vững. Điều quan trọng là, Việt Nam cần sự hỗ trợ từ các nhà hoạch định chính sách, trong đó có việc đưa ra khung pháp lý về chuyển đổi trong các công trình xây dựng. Chẳng hạn, các công trình xây dựng bền vững phải được nhìn về mặt lâu dài và tính toán tới việc sử dụng nguồn năng lượng nào sau 20 năm đưa vào sử dụng. Chúng tôi cũng có bộ tiêu chuẩn hướng dẫn chi tiết chọn vật liệu xây dựng mang tính bền vững mà Việt Nam có thể tham khảo”, bà Brady nói.
Được biết, tại Việt Nam, Tập đoàn Foster and Partners (Anh) đang thiết kế Dự án VietinBank Tower thuộc Khu đô thị Ciputra, trong đó có tính tới yếu tố phát triển bền vững.
Theo ông Richard Hawkins, Kiến trúc sư trưởng Dự án, phần lớn ánh sáng sử dụng trong tòa nhà được lấy từ nguồn ánh sáng tự nhiên. Từ tầng 25 đến tầng 40 của tòa nhà có thiết kế những khu vườn trên cao, tạo kiến trúc xanh cho công trình. Ngoài ra, tầng trệt của tòa tháp cũng được thiết kế để có thể đón gió trời trong khoảng thời gian 3 tháng/năm.
Ông Hawkins hy vọng, với lối thiết kế mang tính bền vững này, VietinBank Tower sẽ là một trong những công trình tiên phong trong thiết kế bền vững của Việt Nam.
“Với kinh nghiệm thiết kế các sân vận động, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc thiết kế xây dựng các công trình chuẩn bị cho ASIAD 2019, với tiêu chí tiết kiệm tối đa năng lượng và có tính tới mục đích tái sử dụng về sau”, ông Hawkins cho biết thêm.
Hải Hà