Sáng 17/7, cuộc họp “Đối thoại Chính phủ - Doanh nghiệp Mekong - Nhật Bản lần thứ 13” và cuộc họp Nhóm công tác AMEICC về Phát triển hành lang Đông Tây lần thứ nhất năm 2020 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Ông Saksayam Chidchob, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan và ông Shigehiro, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế, Bộ Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản đồng chủ trì các cuộc họp. Đại diện cấp Chính phủ và giới doanh nghiệp các nước Nhật Bản và Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Việt Nam cùng tham dự cuộc họp này.
Cuộc họp "Đối thoại Chính phủ - Doanh nghiệp Mekong - Nhật Bản lần thứ 13” và cuộc họp Nhóm công tác AMEICC về Phát triển hành lang Đông Tây |
Từ đầu cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, đoàn Việt Nam do ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng đại diện các bộ: Công Thương, Ngoại giao, Giao thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tham dự cuộc họp.
Các cuộc họp lần này nhằm trao đổi, đánh giá kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Công nghiệp Mekong - Nhật Bản lần thứ 11 và Hội nghị Thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản lần thứ 11, định hướng Báo cáo tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong 2.0 (MIDV 2.0) hướng tới tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế và ứng phó với các tác động của dịch Covid-19.
Các đại biểu tham dự cuộc họp cũng trao đổi về các trụ cột và dự án ưu tiên trong khuôn khổ MIDV 2.0 và chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Nhật Bản 12.
Các đại biểu Việt Nam tham gia từ Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Tại Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Nhật Bản lần thứ 11, các Bộ trưởng đã thống nhất việc xây dựng Báo cáo Tầm nhìn Phát triển Công nghiệp Mekong 2.0 (MIDV 2.0) tập trung vào 3 trụ cột: Kết nối, đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ số, và thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (SDGs) làm khung khổ định hướng hợp tác trong 3 năm tới.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Hoàng Mai cho biết, để hiện thực hóa MIDV 2.0 trên khung khổ 3 trụ cột và căn cứ vào các ưu tiên phát triển của đất nước, về kết nối, Việt Nam ưu tiên kết nối giao thông một cách toàn diện cả hạ tầng phần cứng và mềm.
Về hạ tầng cứng, tập trung kết nối đường bộ xuyên biên giới với các nước láng giềng như Lào, Campuchia. Về hạ tầng mềm, Việt Nam sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho vận tải liên vận quan biên giới, phối hợp các nước GMS xem xét mở rộng áp dụng mô hình Một cửa Một lần dừng tại các cặp cửa khẩu quốc tế.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bày tỏ mong muốn tăng cường giao thương giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam với các doanh nghiệp Mekong - Nhật Bản.
Ông Phạm Hoàng Mai (giữa) phát biểu tại cuộc họp |
Về trụ cột đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ số, ông Mai cho biết, Việt Nam ưu tiên hỗ trợ các hoạt động kinh doanh có ứng dụng công nghệ số như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử. Dịch Covid-19 với những thay đổi về quy cách tiếp xúc, gián đoạn thương mại... càng đặt ra cho Chính phủ Việt Nam yêu cầu phải đẩy nhanh việc ứng dụng các nền tảng công nghệ này.
“Tôi mong các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để vừa phát huy lợi thế của công nghệ Nhật Bản và tiềm năng của lực lượng lao động của chúng tôi”, ông đề nghị.
Về trụ cột SDGs, ông Mai cho biết, Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng và phát triển các đô thị thông minh - nơi sẽ tập trung phần lớn dân cư trong tương lai để đảm bảo mang lại cuộc sống tốt nhất cho người dân. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chú trọng vào vấn đề an ninh nguồn nước, môi trường ven biển, phòng chống các tác động của nước biển dâng, nguy cơ xâm thực.
Ông Phạm Hoàng Mai đánh giá, dịch Covid-19 đặt ra những thách thức toàn cầu, ở Tiểu vùng Mekong chúng ta đó là thách thức trực tiếp tới sinh kế của người dân nơi điều kiện kinh tế rất dễ bị tổn thương, dịch đã dẫn tới sự suy giảm của cả phía cung và cầu, sự đứt gãy của dòng chảy thương mại và du lịch.
“Hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhanh chóng phối hợp hành động, đưa ra các giải pháp để sớm ổn định sinh kế cho người dân, duy trì và khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp trong tiểu vùng, thích ứng với tình hình mới”, ông Mai nói.