| ||
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành |
Thưa ông, Luật NHNN ban hành năm 2010 đã quy định, NHNN là NHTW. Tuy nhiên, mãi đến nay, tức sau 3 năm, Nghị định hướng dẫn (Nghị định 156/2013/NĐ-CP quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN) mới được ban hành, có hiệu lực từ 26/12 tới. Vậy phải chăng, đến thời điểm này, Việt Nam mới chính thức có NHTW?
NHTW (Central Bank) có nghĩa là ngân hàng trung tâm, ngân hàng của các ngân hàng. Tuy nhiên, Việt Nam, có đặc thù khá khác biệt so với các nước khác.
Thời khởi thủy, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (thành lập năm 1951, đổi tên thành NHNN vào năm 1961) là chỉ nhằm phát hành tiền để phục vụ nhu cầu cách mạng, không phải là ngân hàng của các ngân hàng. Đến tận năm 1990, Việt Nam vẫn chỉ có ngân hàng quốc doanh, chưa có ngân hàng thương mại, NHNN vì thế vẫn chỉ giữ vai trò phục vụ cho các cơ quan Nhà nước, cung cấp các dịch vụ công cho nhà nước chứ chưa phải là Ngân hàng Trung ương.
Mãi đến năm 1990 - 1991, các ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên xuất hiện. Nhưng thời kỳ đó, NHNN cũng chưa làm được chức năng ngân hàng của các ngân hàng (NHTW). Mãi về sau, khi Luật NHNN 1997, Luật NHNN năm 2010 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010… thì khi đó NHNN mới được “tạm coi” là NHTW.
Vậy với Nghị định 156/2013/NĐ-CP, vai trò, quyền hạn của NHTW đã được nổi bật chưa, thưa ông?
So với những văn bản trước đây, ít nhất Luật NHNN và Nghị định 156 đã khẳng định, NHNN là NHTW. Tuy nhiên, trong Nghị định, vai trò, chức năng của NHTW chưa được quy định rõ ràng, có sự trộn lẫn với vai trò, chức năng của NHNN.
Cụ thể, Điều 1 Nghị định quy định về vị trí, chức năng của NHNN thì NHNN là đơn vị cung ứng dịch vụ tiên tệ của Chính phủ, quản lý nhà nước các dịch vụ công (tức là chức năng NHNN đơn thuần, phục vụ Chính phủ chứ không phải phục vụ nền kinh tế), vừa là NHTW, là ngân hàng của các tổ chức tín dụng. Chính vì vai trò, nhiệm vụ không được quy định rõ nên quyền hạn của NHNN với tư cách là NHTW cũng không được quy định rõ trong Nghị định.
Vậy theo ông, đâu là nhiệm vụ tối thượng, là vai trò chính của NHTW?
Nhiệm vụ tối thượng của NHTW là xây dựng chính sách tiền tệ, cung ứng đủ lưu lượng tiền tệ với lãi suất hợp lý, đảm bảo nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và hoạt động hết công suất, tạo việc làm tối đa cho người lao động.
Phải điều tiết lưu lượng tiền tệ cho phù hợp với mục đích tăng trưởng, nhưng phải luôn luôn cảnh giác.Nếu lưu lượng tiền quá nhiều có thể gây lạm phát, còn quá ít thì có thể gây thiểu phát. Cả hai đều có hại cho nền kinh tế.
Nói về lạm phát, trong Nghị định 156 mới ban hành, một trong những nhiệm vụ mới của NHNN là xây dựng chỉ tiêu lạm phát hàng năm, đây có phải là nhiệm vụ chính của NHTW các nước, thưa ông?
Tôi không hiểu tại sao lại đưa ra quy định này như là một trách nhiệm tối thượng của NHTW. Đây không thể là nhiệm vụ của NHNN, không phải là trách nhiệm của NHTW.
Lạm phát không phải là mục tiêu mà là hệ quả của việc quản lý lưu lượng tiền tệ không đúng mức, không hợp lý, bơm quá nhiều tiền ra nền kinh tế. Bởi như tôi đã nói, vai trò của NHTW là điều tiết lưu lượng tiền phù hợp cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Ví dụ, năm 2014, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 5,8%, muốn vậy, NHTW phải tính toán được bơm bao nhiêu tiền đầu năm, giữa năm, cuối năm là phù hợp. NHTW phải vận dụng tất cả các phương tiện dự báo cho chính xác, và các công cụ tiền tệ để bơm, hút tiền linh hoạt, đảm bảo không xảy ra lạm phát.
Việc giao cho NHTW xây dựng chỉ tiêu lạm phát là do chưa làm rõ trách nhiệm của NHNN và NHTW. Như tôi đã nói, trách nhiệm lớn nhất của NHTW là điều tiết lưu lượng tiền cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững, không để xảy ra lạm phát, hay kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất, chứ không phải xây dựng chỉ tiêu lạm phát.
Nói đến NHTW, các nước thường hay nhắc đến mức độ độc lập. NHTW ở Việt Nam vẫn là cơ quan ngang bộ, vậy mức độ độc lập đến đâu, thưa ông ?
Trên thế giới, có mô hình NHTW độc lập hoàn toàn và NHTW trực thuộc Chính phủ. Nếu trực thuộc Chính phủ, sự độc lập sẽ hạn chế hơn dù có cao hơn một số bộ, ngành khác. Ở Việt Nam, NHTW chỉ độc lập tương đối, NHTW chỉ xây dựng chính sách, còn quyết thế nào thì phải đợi Chính phủ, thậm chí là Quốc hội phê duyệt.
Tôi cho rằng, cần phải nâng cao hơn nữa tính độc lập của NHTW. Bởi trong trường hợp nguy cấp, nếu phải trình quá nhiều cấp, đợi nhiều bộ, ngành có ý kiến thì sẽ không kịp xử lý. Trong những trường hợp này, NHTW cũng như là một đơn vị chữa cháy, nhà đang cháy mà phải chờ nhiều cấp bàn bạc rồi bật đèn xanh mới được bơm nước thì đã muộn.
Thùy Liên