Ảnh minh họa. |
Nhận diện xuất nhập khẩu với Campuchia
Xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt quy mô cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay. Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 11 trong các thị trường, chiếm gần 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu sang Campuchia tăng với tốc độ khá cao (32,7%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung là 18,2%), hay tăng 1.029 triệu USD, chiếm trên 2,6% tổng mức tăng của cả nước, là một trong 10 thị trường có mức tăng lớn nhất (trên 1 tỷ USD).
Số lượng mặt hàng xuất khẩu sang Campuchia khá nhiều. Trong 18 mặt hàng chủ yếu, có 10 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, lớn nhất là sắt thép (700 triệu USD). Tiếp đến là dệt may (653 triệu USD); xăng dầu (494 triệu USD); nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép (242 triệu USD); phân bón (180 triệu USD); giấy và sản phẩm giấy (131 triệu USD); sản phẩm chất dẻo (126 triệu USD); sản phẩm sắt thép (118 triệu USD); thức ăn gia súc (111 triệu USD); kim loại thường khác và sản phẩm (105 triệu USD). Trong các mặt hàng này, có một số mặt hàng có mức tăng lớn như xăng dầu, dệt may, phân bón, sắt thép...
Nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia cũng có quy mô tương đối lớn, lớn nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay, chiếm 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, cao thứ 11 trong các thị trường. Nhập khẩu từ Campuchia so với cùng kỳ năm trước tăng 5,5%, với mức tăng tuyệt đối trên 191 triệu USD. Tốc độ tăng và mức tăng tuyệt đối về nhập khẩu đều thấp khá xa so với các con số tương ứng của xuất khẩu. Trong 10 mặt hàng chủ yếu nhập khẩu có mặt hàng đạt quy mô rất lớn là cao su (1.079 triệu USD).
Do xuất khẩu có quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với nhập khẩu, nên trong quan hệ buôn bán với Campuchia, Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu trong 8 tháng năm 2021 sang xuất siêu trong 8 tháng đầu năm nay.
Dự đoán cả năm 2022 và một số vấn đề đặt ra
Từ kết quả 8 tháng đầu năm, có thể dự đoán cả năm 2022 theo một số tính toán. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang Campuchia cả năm 2021 đạt 4,83 tỷ USD; với 8 tháng đạt 3.146 triệu USD, suy ra 4 tháng cuối năm 2021 đạt 1,68 tỷ USD. Với giả thiết, xuất khẩu bình quân tháng trong 4 tháng cuối năm 2022 đạt bằng mức của tháng 8/2022 (499,2 triệu USD), thì 4 tháng cuối năm 2022 sẽ đạt 1.997 triệu USD; tính chung cả năm 2022 sẽ đạt 6.172 triệu USD, tăng 27,8%, hay tăng 1.342 triệu USD so với năm trước và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Dự đoán về nhập khẩu cũng tương tự và 4 tháng cuối năm 2022 sẽ đạt 1.200 triệu USD, tính chung cả năm sẽ đạt 4.894 triệu USD, tăng 3,9% so với năm trước.
Từ đó, tính ra mức xuất siêu đạt 1.278 triệu USD - tuy chưa bằng mức xuất siêu trong các năm từ 2016 đến 2020, nhưng đã ngược chiều so với mức nhập siêu 357 triệu USD của năm 2021.
Dự báo trên dựa vào kết quả tháng 8 và 8 tháng, trong đó tháng 8 đạt mức rất cao về xuất khẩu (trên 499 triệu USD), còn nhập khẩu lại ở mức rất thấp (300 triệu USD). Vì vậy, để đạt được mức dự báo trên, cần phải quan tâm một số vấn đề.
Thứ nhất, Việt Nam và Campuchia có biên giới rộng, dài, nên việc xuất, nhập khẩu tiểu ngạch, bao gồm cả xuất, nhập khẩu lậu còn rất lớn. Số người Việt Nam ở Campuchia khá đông (khoảng 1 triệu người, đông thứ 2, sau Mỹ với khoảng 2,2 triệu người). Trong tổng lượng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài thì vốn đầu tư tại Campuchia (còn hiệu lực tính đến ngày 31/12/2021) đạt trên 2.916 triệu USD, chiếm 13,7%. Việt Nam và Campuchia cùng nằm trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN…
Thứ hai, do Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), được hưởng ưu đãi thuế xuất nhập khẩu, nên có thể một số nước, vùng lãnh thổ thông qua Campuchia để xuất khẩu vào Việt Nam. Ngoài 2 mặt hàng có số liệu chi tiết nhập khẩu vào Việt Nam có tổng kim ngạch lớn là hạt điều và cao su, còn có một số mặt hàng khác cần quan tâm (nằm trong số mặt hàng khác mà Tổng cục Hải quan không tách riêng - mới qua 8 tháng đã đạt tới 1.378,4 triệu USD, tăng tới 86,9%, hay tăng 641 triệu USD).
Riêng về lúa gạo, năm 2021, nhập từ Campuchia 3,5 triệu tấn lúa (1,7-1,8 triệu tấn gạo), tăng 60%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu 1,733 triệu tấn lúa, tăng 2,38%, với kim ngạch 336,2 triệu USD, tăng gần 20,4%; giá tăng 18 USD/tấn. Cần rà soát, bởi xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng về lượng, nhưng giảm về giá.