Chuyển đổi số - Kinh tế số
Việt Nam có Gian hàng quốc gia trên sàn thương mại điện tử Trung Quốc JD.com
Hải Yến - 30/11/2021 06:01
“Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com (Trung Quốc) khi được ra mắt sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp Việt được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng nước nhập khẩu.
"Gian hàng quốc gia Việt Nam" sắp được ra mắt trên sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chủ trì phối hợp với các đối tác lớn trong và ngoài nước, gồm: Sàn thương mại điện tử của Trung Quốc, JD.com, Vinanutrifood, Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), VP Bank, Visa …xây dựng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com (Trung Quốc).

Đây sẽ là khu gian hàng Việt Nam đầu tiên nền tảng thương mại điện tử quốc tế với các sản phẩm Việt của các doanh nghiệp Việt được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nước nhập khẩu qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới.

Với sự hỗ trợ trực tiếp từ đội ngũ của JD.com và các đối tác, hàng hoá do doanh nghiệp Việt sản xuất sẽ được phân phối qua kênh chính thức, uy tín tại thị trường Trung Quốc.

JD.com được ví như "Gã khổng lồ" thương mại điện tử tại Trung Quốc. Doanh thu tạ JD.com đạt 203,2 tỷ NDT (tương đương 31,57 tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm 2021, tăng 39% so với cùng kỳ.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, đơn vị sẽ tập hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp, các thương hiệu Việt tổ chức phân phối hàng hóa trên “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” theo đúng quy định của nền tảng thương mại điện tử, của luật pháp tại nước nhập khẩu, qua đó thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. 

"Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh nhanh nhất để kết nối trực tiếp doanh nghiệp với khách hàng, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống. Phương thức này giúp giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp, mặt khác giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối, giúp phát triển và duy trì thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu", ông Hải kỳ vọng.

“Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com sẽ tạo thêm một kênh phân phối cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả.

Mặc dù gặp những ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2020 do đại dịch Covid-19, thương mại điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng tốc mạnh mẽ, trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, doanh thu thương mại điện tử đạt 11,8 tỷ USD, tăng 18% so với 2019  và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng 2 con số. Google, Temasek và Bain&Company dự báo, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025

Các doanh nghiệp cũng tận dụng xu thế tiêu dùng qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới để tăng xuất khẩu hàng hóa. 

Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới đã là phương thức kinh doanh phổ biến ở nhiều quốc gia. Tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ gần đây. Theo số liệu của Trung Quốc, xuất nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT, tăng 31,1%. 

Tại thị trường EU, năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ Euro và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu.

Tỷ trọng  thương mại điện tử xuyên biên giới  trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trở lại đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu (27,4%/năm trong giai đoạn 2016-2020). 

Doanh thu thương mại điện tử giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống,  thương mại điện tử xuyên biên giới  sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Tin liên quan
Tin khác