Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone trao đổi trước hội đàm. |
Đó là vấn đề được lãnh đạo Bộ Công thương nêu tại Hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào trong chuyến công tác tại Viêng-chăn, Lào từ ngày 6-8/4/2024.
Tại hội đàm ngày 8/4, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, hai Bên thống nhất trong thời gian qua, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản là điểm sáng, đạt được một số thành tựu quan trọng, tuy nhiên vẫn còn hàng loạt những khó khăn, thách thức đặt ra.
Trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên liệu của Việt Nam là rất lớn. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than rất lớn (khoảng 60 - 100 triệu tấn/năm). Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn cho thương mại than giữa hai nước hiện nay chính là vấn đề giá thành than của Lào vẫn còn cao.
"Cần tìm các giải pháp để hạ giá thành bán than từ Lào về Việt Nam, giá than Lào ít nhất phải bằng giá thế giới thì mới có thể cạnh tranh được", Bộ trưởng Diên đề nghị.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than các loại của Việt Nam năm 2023, nhập khẩu than các loại đạt hơn 51,1 triệu tấn, trị giá hơn 7,1 tỷ USD, tăng mạnh 61,4% về lượng, tăng 0,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam ngày càng phụ thuộc lớn vào nguồn cung than nhập khẩu, chủ yếu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng, phân bón..
Trong lĩnh vực điện, Việt Nam đang rất cần phát triển về nguồn điện cũng như hệ thống truyền tải, dự báo đến năm 2030, quy mô nền kinh tế của Việt Nam tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay.
Đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết 19 thỏa thuận mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào bán điện về Việt Nam, với tổng công suất 2.689 MW, đạt 89,6% công suất mua bán điện theo cam kết đến năm 2025 (3000 MW).
Liên quan đến tiến độ ban hành khung giá Việt Nam mua điện từ Lào, Bộ Công thương đã cơ bản hoàn thành khung mức giá, đang chờ trình lên báo cáo Chính phủ thông qua.
Ngoài ra, EVN cũng đã hoàn thành nghiên cứu, dự thảo khung giá và đang gửi xin ý kiến Hội đồng thành viên EVN thông qua trước khi báo cáo Bộ Công thương. Sau khi có báo cáo chính thức của EVN, Bộ sẽ thẩm định và báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Dự kiến đầu Quý II năm nay, khung giá mua điện từ Lào sau 2025 sẽ chính thức được ban hành.
Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào kiến nghị với hai Chính phủ, hai Thủ tướng cho phép nâng công suất nhập khẩu điện về Việt Nam, lên 5000MW vào 2025; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển nguồn, phát triển hệ thống truyền tải; tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, cơ chế... để hoàn thành đúng tiến độ các chỉ tiêu, kế hoạch đã đặt ra; thứ ba, là phê duyệt các dự án đầu tư sau năm 2025 kịp thời, đúng tiến độ.
Về công tác phối hợp chặt chẽ để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu của Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẵn sàng hỗ trợ Lào trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Vừa qua, Bộ Công thương đã và đang tiếp tục khuyến khích các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu của Việt Nam chủ động kết nối với doanh nghiệp của Lào, tăng cường và tạo sự ổn định trong việc cung ứng xăng dầu sang thị trường Lào.
Trước đó, tại hội đàm, Bộ trưởng Công thương Lào Malaithong Kommasith đề nghị Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm quản lý thị trường xăng dầu, giúp nước này ổn định nguồn cung.
Bộ trưởng Diên cho biết Việt Nam đã ban hành Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030. Cơ quan này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai bên hợp tác xây dựng kho chứa xăng dầu, đảm bảo cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hoạt động có lãi. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các loại nguyên liệu đầu vào và điện năng từ các nước, trong đó có Lào. Thị trường này đang dần trở thành một nguồn cung cấp sản phẩm, nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam trong khối ASEAN.
Tuy nhiên, theo ông Diên, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào mới đạt quy mô 1,65 tỷ USD, chỉ bằng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam.
Để khai thác tiềm năng, hai bên thống nhất các giải pháp tăng xuất khẩu hàng hóa như đẩy mạnh giao thương, kết nối doanh nghiệp thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội chợ. Hai nước sẽ tăng hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới và các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.